Sài Gòn trước năm 1975: Nghệ thuật câu khách của báo chí (Kỳ 2)


Sài Gòn trước năm 1975 1

Thị trường báo chí sẽ bảo hòa và khó cạnh tranh nếu tất cả các tòa báo đều tập trung đăng truyện feuilleton. Nhận ra được điều đó, một số chủ báo của toàn soạn ở Sài Gòn trước năm 1975 đã tìm ra một hướng đi khác cho mình. Họ đánh vào tâm lý hào sảng của các quý ông, thích truyện võ hiệp của Việt Nam hoặc Trung Quốc. Và một số khác táo bạo hơn với truyện và ảnh khiêu dâm. 

Kỳ 2:  Truyện võ hiệp kỳ tình và truyện khiêu dâm

Trong khi phụ nữ thích tiểu thuyết tình cảm ướt át, thì nam giới thích truyện võ hiệp kỳ tình, mê những chàng trai lãng tử đa tình, giang hồ hành hiệp theo các mô tip truyện Tàu. Để đáp ứng thị hiếu của lớp độc giả nam này, các tờ nhật báo ở Sài Gòn cho người qua tận Hong Kong trực tiếp gặp tác giả Kim Dung đặt hàng. Trên các chuyến bay Sài Gòn – Hong Kong ngày ấy, Kim Dung mỗi ngày đều gửi bài sang. Hiện tượng feuilleton Kim Dung như lên cơn sốt, có nhiều người mua báo chủ yếu để coi tiểu thuyết Kim Dung.

Sài Gòn trước năm 1975 1

Sạp báo trước năm 1975

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Từ Khánh Phụng với bản “Cô gái Đồ Long” đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Bản dịch “Cô gái Đồ Long” tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn, nhà báo lúc bấy giờ lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong…

Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý. Dịch truyện Kim Dung tài hoa nhất là dịch giả Hàn Giang Nhạn với các bản dịch: “Tiếu ngạo giang hồ”, “Lộc Đỉnh ký”… Từ năm 1961, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung làm mưa làm gió trên các nhật báo ở Sài Gòn trước năm 1975.

Nhà văn Kim Dung

Nhà văn Kim Dung

Cùng với Kim Dung, làng báo Sài Gòn trước năm 1975 thời ấy nổi lên một cây viết feuilleton võ hiệp kỳ tình đặc sắc, đó là Vũ Bình Thư. Năm 1960, ông viết tiểu thuyết tình cảm xã hội cho nhật báo “Saigon Mới”. Các truyện của ông nói về tình yêu đồng quê miền Nam, không có gì đặc biệt. Ông thật sự thành công vang dội khi xoay qua viết truyện kiếm hiệp. Và tác phẩm võ hiệp kỳ tình đầu tay của ông – “Lệnh Xé Xác” – ra đời.

“Lệnh Xé Xác” hấp dẫn người đọc ngay từ những số đầu. Nhân vật chính của truyện là Dương Chí Tôn, một chàng trai giang hồ hành hiệp, võ nghệ cao cường, hào hoa phong nhã. Truyện chỉ toàn những trận đấu chưởng giữa Dương Chí Tôn cùng bọn đại ma đầu gian ác. Ngoài những trận đấu chưởng kinh thiên động địa, truyện cũng vô cùng mùi mẫn bởi những cuộc tình nóng bỏng của chàng trai giang hồ lãng tử, đa tình Dương Chí Tôn với những em hiệp nữ, ma nữ nõn nà, mơn mởn.

“Lệnh Xé Xác” đăng đầu tiên trên nhật báo Tia Sáng. Lập tức, nó được lan tỏa rất nhanh, từ những quán cà phê đến công sở, thậm chí tới những trường học. Hồi đó, hình như người ta mua báo Tia Sáng trước tiên là để coi “Lệnh Xé Xác”, còn những vấn đề khác trên báo hầu như không cần thiết. Sau đó, Việt Định Phương – chủ nhật báo Trắng Đen – kéo Vũ Bình Thư về đầu quân cho Trắng Đen và “Lệnh Xé Xác” đã thật sự làm mưa làm gió nhiều năm liền. Từ Sài Gòn về tỉnh lẻ, tới những thị trấn xa xôi, báo Trắng Đen đắt như tôm tươi. Thậm chí trên những chuyến xe đò xuôi ngược, các em bán báo lẻ được tăng thêm thu nhập bởi những trận đấu chưởng trời long đất lở và cuộc tình thơ mộng của chàng trai giang hồ hành hiệp Dương Chí Tôn và kỳ nữ đa tình Hồng Y Nữ Xảo Nhi. Số phát hành của báo Trắng Đen tăng lên vùn vụt nhờ tiểu thuyết feuilleton này.

Đến truyện dâm ô đồi trụy

Một tờ nhật báo ở Sài Gòn trước năm 1975 chỉ cần một truyện feuilleton hấp dẫn là có thể sống được. Để đánh vào thị hiếu của độc giả, các chủ báo luôn tìm những đề tài mới, lôi cuốn, hấp dẫn. Những chuyện gối chăn, tình dục, dâm ô… cũng được tập trung khai thác mạnh. Khai thác đề tài “bạo” này, về phía nhà văn nữ có Minh Đức Hoài Trinh, Lệ Hằng… Bên cánh nam thì có Lê Xuyên, Trần Đức Lai… Những nhà văn viết về thể loại này không nhiều, nhưng cũng đủ để “cháy” những dòng, những trang báo.

Trong số những truyện feuilleton gợi tình trên nhật báo ngày thời ấy, truyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai là “rừng rực”, dữ dội hơn cả. Câu chuyện cực kỳ dâm ô, đầy tính chất hoang đường. Vậy mà thời ấy lại cho đăng trên tiểu thuyết feuilleton của những tờ báo lớn.

Nguồn: laodong.com.vn | Hình ảnh: Sưu tầm


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: