Thăng trầm những ngôi nhà cổ


Trước sức ép của đô thị hóa, nhiều công trình kiến trúc cổ ở TP Hồ Chí Minh, mang nét đặc trưng không gian sống của đồng bào Nam Bộ đứng trước nguy cơ biến mất. Ngay lúc này, rất cần sự chung tay giữa Nhà nước và cộng đồng để bảo tồn, gìn giữ.

Ngắm nhìn ngôi nhà cổ hơn hai thế kỷ giữa lòng Sài Gòn

Nhà cổ nhất Sài Gòn từng là nơi ở của giám mục Bá Đa Lộc

“Số phận” mong manh

Nằm khuất trong khuôn viên của Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh tại số 180, đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), chúng tôi tiếp cận ngôi nhà được xem là cổ nhất đất Sài Gòn – Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh), với tuổi đời hơn 200 năm. Theo quan sát, toàn bộ ngôi nhà này được làm bằng gỗ quý. Phần khung nhà được liên kết rất chặt chẽ với nhau nhờ kỹ thuật ghép mộng của những nghệ nhân, thợ gỗ tài hoa thời xưa. Dù không sử dụng bất kỳ một cây đinh nào, ngôi nhà vẫn vững chãi mặc cho thăng trầm qua hơn hai thế kỷ. Đặc biệt, ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam với ba gian và hai chái.

Căn biệt thự hơn 100 tuổi tọa lạc tại số 110-112, đường Võ Văn Tần (quận 3) đứng trước nguy cơ “chết dần”.

Ngôi nhà này cũng có “số phận” khá thăng trầm. Trước khi tọa lạc ở vị trí hiện tại, ngôi nhà đã được di chuyển hai lần từ vị trí xây dựng đầu tiên năm 1799 cạnh Thảo Cầm Viên bây giờ. Khi ấy, nhà được dựng lên theo lệnh của chúa Nguyễn Ánh. Đến năm 1864, khi có quyết định xây dựng khu vực Thị Nghè thành Thảo Cầm Viên, ngôi nhà được di dời đến khu đất gần Hội trường Thống Nhất hiện nay. Đến năm 1911, khi Tòa Tổng Giám mục xây dựng xong thì ngôi nhà được di dời về đây và bảo quản cho đến ngày nay. Qua thời gian và những lần di dời, mái ngói và một số trụ cột bị biến dạng đôi phần. Tuy nhiên, giá trị thẩm mỹ, nét cổ kính cũng như những giá trị về lịch sử, văn hóa của ngôi nhà vẫn không đổi. Hiện nay, ngôi nhà trở thành nơi hành lễ của các tín đồ Kitô giáo vì vậy vào mỗi buổi sáng các ngày trong tuần, ngôi nhà mở cửa để hành lễ.

Còn căn biệt thự hơn 100 tuổi tọa lạc tại số 110-112, đường Võ Văn Tần (quận 3), dù có cổng chính và nhiều cổng phụ nhưng tất cả đều đóng. Người dân xung quanh cho biết, căn biệt thự này không có người ở, gần như bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Bất cứ ai nhìn từ bên ngoài cũng nhận thấy rõ sự xuống cấp, nhiều mảng tường bong tróc, thấm nước… của căn biệt thự. Cách đây không lâu, căn biệt thự nằm ở mặt tiền của ba tuyến đường đắt đỏ ở quận 3 này đã được bán cho tư nhân. Dù vậy, sau khi về tay chủ mới, căn biệt thự hiện vẫn “bất động”.

Hai công trình kiến trúc trên chỉ là số ít trong nhiều nhà cổ, biệt thự cổ tại nội thành TP Hồ Chí Minh được tư nhân quản lý, sử dụng đang xuống cấp theo thời gian. Ở khu vực ngoại thành, căn nhà cổ của bà Trần Thị Kim Hồng ở khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè dù được chủ nhân ra sức gìn giữ nhưng đang xuống cấp từng ngày, dù chủ nhân nhiều lần sửa chữa, nâng nền để chống ngập vì căn nhà nằm trong vùng trũng thấp.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh), toàn thành phố có 1.271 căn biệt thự cổ, nhà cổ. Cụ thể, quận 1 có 189 căn, quận 3 có 838 căn, quận Thủ Đức có 140 căn, quận 5 có 98 căn… Điều đáng tiếc là hiện nay gần một nửa trong số công trình trên đã bị tháo bỏ. Không chỉ thế, nhiều ngôi nhà được xem là dấu ấn quý giá của Sài Gòn – Gia Định xưa còn sót lại đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Bảo tồn song song với khai thác

Khác với nhà cổ ở Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), biệt thự cổ, nhà cổ ở TP Hồ Chí Minh nằm rải rác cả trong nội thành và vùng ven, mang đặc trưng của con người và vùng đất Nam Bộ. Kiểu dáng những ngôi nhà ở đây không quá rườm rà, phong thái nhẹ nhàng thanh thoát, không gian thoáng đãng, đồng thời vẫn thể hiện được những đường nét tinh xảo của nét kiến trúc dân gian truyền thống. Trong nhà cổ, ngoài gian chính để làm nơi bài trí thờ cúng, không gian sinh hoạt xung quanh thường rộng rãi, khuôn viên sân vườn khoáng đạt và gốc gác trong số đó có rất ít nhà dùng vào mục đích kinh doanh.

Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa TP Hồ Chí Minh, khó khăn nhất trong việc bảo tồn nhà cổ ở thành phố hiện nay là do phần lớn đều thuộc sở hữu tư nhân, do tư nhân quản lý. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này mới chỉ có 2 căn nhà được xếp hạng di tích cấp thành phố là nhà cổ của cố học giả Vương Hồng Sển (quận Bình Thạnh) và nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú (huyện Bình Chánh).

Còn theo nhà khảo cổ học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, trong cơn lốc của đô thị hóa, nhiều di tích, kiến trúc không còn cơ hội “cất lên tiếng nói” của lịch sử với thế hệ mai sau. Điểm giống nhau của nhiều biệt thự cổ, nhà cổ ở TP Hồ Chí Minh là sự biến dạng bởi tư duy sử dụng của những chủ nhân kế cận. “Họ thường không hiểu hết về giá trị thật sự của ngôi nhà, ý thức giữ gìn kém nên sẵn sàng cơi nới, thay đổi công năng, biến thành công sở, thậm chí thành cửa hàng, quán ăn… Điều này tàn phá khủng khiếp kiến trúc cũng như giá trị lịch sử, văn hóa của công trình”, bà Nguyễn Thị Hậu luyến tiếc.

Góp ý về công tác bảo tồn, các ý kiến cho rằng, khó khăn còn nhiều. Ngoài vấn đề về công tác quản lý bất cập, việc trùng tu cũng gặp không ít khó khăn do hiện nay không nhiều người hiểu biết về kỹ thuật trùng tu. Hơn nữa, sau trùng tu là bảo dưỡng cũng rất tốn kém. Còn nếu đưa về Nhà nước quản lý thì những hộ dân đang ở trong biệt thự cổ, nhà cổ đó sẽ đi đâu?

Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra là Nhà nước cùng cộng đồng chung tay giữ gìn, bảo tồn song song với khai thác hiệu quả kinh tế từ chính giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa của công trình đó. Để thực hiện điều này, trước hết các cơ quan quản lý cần lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng, các tổ chức văn hóa, các nhà nghiên cứu để thu thập tư liệu, đánh giá giá trị của công trình kiến trúc. Từ đó đưa ra các giải pháp về tài chính cũng như nguồn lực về con người để bảo tồn, sau đó đưa công trình kiến trúc tiếp cận với đối tượng thưởng lãm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc cho rằng, giữ được giá trị di sản kiến trúc mà vẫn khai thác được nó mới được xem là giải pháp bảo tồn bền vững. “Việc bảo tồn này đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, nhiều ngành. Từ quyết tâm của thành phố, tiếp theo là phương pháp đúng, cách nhìn đúng, cách tiếp cận đúng và lộ trình, cơ chế, chính sách cũng như trách nhiệm cụ thể của Nhà nước, tư nhân”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo hanoimoi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: