Bấm còi khi tắc đường – một lối tư duy kỳ lạ


Tham gia giao thông ở Việt Nam là một trải nghiệm rất khác biệt và đáng nhớ đối với những du khách nước ngoài. Nhưng ngay cả với một số người Việt, đôi khi họ cũng phải ngạc nhiên tự hỏi: Giữa đám đông này tôi là ai và đây là đâu?

Bạo lực ngôn từ và ẩn ức xã hội

Người có lương tri không uống rượu trên nỗi lo của người khác

Bởi có những việc trở thành xu hướng, thói quen được nhiều người áp dụng mà không rõ cái mục đích của nó là để làm gì. Ví như những tiếng còi lảnh lót, kéo dài mỗi khi tắc đường. Đó có lẽ là một trong những điều khó hiểu nhất khi tham gia giao thông ở đất nước của tắc đường này.

Tắc đường mà, có ai đi được đâu, vậy bấm còi là để nói lên điều gì khi người ở trên không thể đi được và phải đứng im tại chỗ? Thật ra người bấm còi cũng hiểu chứ, họ chỉ là dùng tiếng còi thay lời ca thán thôi, nghĩ vậy đi, chứ không thì cũng khó mà thông cảm cho được. Có lẽ ở một xã hội mà người dân cứ đi ra đường là đã phải tranh đấu, bức xúc với đủ thứ chuyện, thì đương nhiên người ta cũng sẽ dễ bực bội, phát tiết ra những hành động, cử chỉ và cả lời nói thiếu tiết chế. Và tất nhiên, họ sẽ dùng những công cụ có trong tay như chiếc còi xe chẳng hạn. Bấm cho đã, bấm cho nhiều, thậm chí nâng cấp còi kêu cho to, vì người ta vốn “nể” (hay thật ra nhiều khi là “ngán”) những kẻ “to còi”.

Thời tiết nóng nực cộng với tiếng còi ngân kéo dài inh ỏi đôi khi là thảm họa nhưng lại trở thành thói quen của một ai đó… (Ảnh: Youtube)

Nhưng đi trên đường thông hè thoáng thì may ra mấy anh to còi có chút lợi thế, chứ trong lúc tắc đường, cùng cảnh bất khả kháng như nhau cả mà còn mang còi ra “thể hiện quan điểm” thì quả thật khó hiểu.

Người ta bảo giao thông cũng như cuộc đời, đôi khi ta bị kéo đi theo dòng, đôi khi lại bế tắc bí bức. Trong cái lúc bế tắc ấy, người ta sẽ vô thức mà kêu than, ca thán hay thúc ép, giục giã người khác làm vì mình, vùng vẫy đòi thay đổi hoàn cảnh trong vô vọng để thoát ra. Đó âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng cuộc đời cũng còn có một quy luật chung để giữ công bằng và nhân tính cho loài người, đó là: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác và dù có muốn thu được lợi ích cá nhân thì cũng không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người khác.

Không thể cứ bí bức, khó chịu là chửi bới om sòm, kêu la tức tối. Cũng như không thể cứ tắc đường thì lại bấm còi loạn lên để nhanh nhanh chóng chóng thoát khỏi đám đông hay bất lực hơn là chỉ để tỏ thái độ khẩn trương, bức bối. Người khác cũng đang ở trong hoàn cảnh bất khả kháng như bạn mà, người khác cũng không thể giúp bạn được đâu, và họ còn lại phải nghe thứ âm thanh kích động từ những chiếc còi vô lý trong đám tắc đường.

KHÔNG PHẢI CỨ THÍCH LÀ CHÚNG TA BÀY TỎ THÁI ĐỘ TIÊU CỰC NHƯ VẬY ĐƯỢC, KHÔNG THỂ NÓI MỒM TÔI, CÒI CỦA TÔI, TÔI THÍCH LÀM GÌ THÌ LÀM ĐƯỢC. NHƯ VẬY, BIẾT ĐÂU, TAY CỦA NGƯỜI KHÁC, CHÂN CỦA NGƯỜI KHÁC, HỌ CŨNG CÓ THỂ VUNG VẨY THEO “Ý THÍCH” CỦA HỌ MÀ “VA” VÀO BẠN ĐẤY.

Nếu một xã hội mà ai cũng thích gì làm nấy, nhưng lại đòi hỏi người khác không được làm những gì mình không thích đối với mình thì sẽ là một xã hội luôn thù hằn, thiếu vị tha. Như thế, chúng ta chỉ cần ra đường là đã như bước vào một sở thú. Sống vậy, mệt mỏi lắm, mà vấn đề sẽ chẳng thể được giải quyết.

Người ta bảo giao thông cũng như cuộc đời, đôi khi ta bị kéo đi theo dòng, đôi khi lại bế tắc bí bức. (Ảnh: Pinterest)

Từ việc nhỏ như bấm còi trong lúc tắc đường, cũng là thể hiện cái tính bộp chộp thiếu kiên nhẫn của ta, không giữ vững nổi, thì lâu dần sẽ ảnh hưởng tới cả tâm trí, tính cách và khí chất của mình. Mạnh Tử xưa có câu rằng: “Trí không thuận thì ảnh hưởng tới khí, khí không thuận cũng sẽ ảnh hưởng tới trí”.

“Ông còn nói, nuôi dưỡng khí chất để có thể kết hợp đạo và nghĩa, hành động sẽ trở nên phù hợp với cái dũng của lễ nghĩa, đó mới là quân tử. Nếu không dưỡng khí, hành động sẽ trở nên thô bạo, đây là dũng của huyết khí, chỉ có thể hạ thấp giá trị một con người, khiến họ bị coi là kẻ tầm thường” – (Trích Trí tuệ trong Đức Nhẫn).

Có thể có người nói, họ chẳng cần ai phải coi trọng, có bị coi là kẻ tầm thường cũng được. Trong xã hội giờ, đức hạnh cũng chẳng mang lại lợi lộc vật chất nào, hay như cách nói đầy hình tượng rằng “chẳng mài ra mà ăn” được. Nhưng đức hạnh lại là cái cơ bản nhất để một cộng đồng, xã hội ổn định và phát triển thịnh vượng. Là điều cơ bản để duy trì môi trường sống tốt cho bạn và những người khác.

Nếu bạn góp một phần nhỏ phá vỡ nó đi, nó sẽ như ném một hòn đá vào mặt nước tĩnh lặng, những vòng loang của sóng nước sẽ lan toả, một việc xấu sẽ kéo theo những việc xấu khác. Cuối cùng, cả mặt hồ sẽ dậy sóng, và bạn cũng bị ảnh hưởng theo, mất đi môi trường yên bình cho chính cuộc sống của mình và con cháu mình. Quá hiển nhiên rồi, muốn điều tốt đẹp xảy đến với mình thì bản thân cũng phải truyền đi những điều tốt đẹp.

Từ một việc tưởng chừng nhỏ bé như cách dùng một chiếc còi, bạn cũng là đã đang đứng trước ngưỡng cửa làm người tử tế hay không tử tế, có đức hạnh hay buông xuôi đức hạnh.

Từ việc nhỏ như dùng còi xe thôi cũng thể hiện được bản tính của một con người. (Ảnh: Youtube)

“Khi ông Trương Cán mới thi đậu, có vào yết kiến ông Vương Đình Tướng là một bậc danh sĩ đời bấy giờ. Ông Vương Đình Tướng bảo rằng: ‘Hôm trước, trời vừa mưa xong, tôi đi ra phố, có trông thấy một người đi đôi giày mới, đi từ phố này đến phố kia, rón rén tìm lối mà bước, chỉ sợ lấm giày, sau quanh vào trong thành, bùn lầy nhiều quá, người ấy lỡ chân giẫm phải đống bùn, từ bây giờ bước tràn đi, chẳng tiếc gì đôi giày nữa. Xem thế mới biết người ta nên giữ gìn tính hạnh ngay từ lúc đầu, nếu đã lỡ một lần, thì dần dần thành ra người càn dở’. Ông Trương Cán nghe lời dạy ấy, lấy làm cảm phục, mà tôn làm thầy” – (Trích Quốc văn Giáo khoa Thư).

Thế nên, từ việc nhỏ đã buông xuôi đức hạnh, thì dần dần thành ra người càn dở, như người có chiếc giày mới mà giẫm đại chỗ bẩn thì sẽ chẳng còn muốn giữ cho nó sạch sẽ nữa.

Từ việc nhỏ, nghĩ tới bài học của người xưa, rồi lại nghĩ tới những cái sẽ để lại cho con cháu mình, cảm thương và xấu hổ, và chắc hẳn cũng phải có chút lo lắng. Nhưng nếu ai trong chúng ta cũng nói rằng, biết là vậy nhưng mình tôi làm thì được cái gì, như vậy sẽ chẳng bao giờ có sự thay đổi và những đột khởi trong cộng đồng. Hãy làm tốt việc mình có thể làm trước, việc người khác bạn không thể quản, nhưng lại có thể gây ảnh hưởng, bởi cái tốt cũng sẽ tạo ra sóng nước lan toả. Và sự tồn tại của cái tốt chính là sự tương phản nhắc nhở con người một cách trực quan nhất, từ đó gây áp lực nhất định lên những cái xấu xí.

Theo tachcaphe


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: