Mưu sinh bằng nghề nguy hiểm


Lau kính nhà cao tầng từ lâu được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Song để mưu sinh, những người thợ làm nghề này phải đối mặt nhiều rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mục sở thị một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới

Duy trì và phát triển nghề truyền thống

7d21c614c5a51104d7bf5e881fb49e10

Không phải ai cũng làm được

Nghề đu dây lau kính bắt đầu xuất hiện khi các tòa nhà chọc trời bắt đầu mọc lên và sử dụng vật liệu kính ngoài bề mặt. Trong những năm gần đây, ở Thủ đô Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều nhà cao tầng dạng này nên nhu cầu về dịch vụ vệ sinh công nghiệp lớn, số người làm nghề lau kính cũng vì thế đông hơn.

Giữa cái nóng có phần ngột ngạt của mùa hè, những công nhân vệ sinh tòa nhà cao nhất Thủ đô vẫn miệt mài cọ rửa từng mét vuông kính ở độ cao cách mặt đất hơn 100 m. Một công nhân chia sẻ, làm nghề này phải chấp nhận đối mặt nhiều thứ và phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm. Thế nên, phải luôn tập trung cao độ, giữ thái độ nghiêm túc và phải có thần kinh rất vững. “Không đủ những yếu tố ấy thì một là tìm công việc khác, hai là đánh đổi bằng tính mạng mình”, anh nói.

Bởi thế, trong nhóm ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp, lau rửa kính nhà cao tầng thuộc top công việc nguy hiểm nhất. Đây cũng là lý do vì sao dù chỉ thuộc dạng ngành lao động chân tay nhưng những người đảm nhận công việc này được trả mức lương khá cao so các công việc phụ hồ, khuân vác… Hiện tại, có nhiều công ty vệ sinh công nghiệp đang liên tục tuyển dụng lao động và sẵn sàng trả khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng cho thợ học việc, 7 – 8 triệu đồng/tháng cho thợ chính và cao nhất là 9 triệu đồng/tháng đối với thợ dày dạn kinh nghiệm.

Thế nhưng, mặc dù được trả lương cao nhưng việc tuyển dụng lao động nghề này lại không dễ, bởi không phải ai cũng chịu được áp lực và sự vất vả của nghề. Những người làm việc này yêu cầu bắt buộc phải có sức khỏe tốt, thần kinh vững vì thường xuyên làm việc ở độ cao. Ngày nắng, nhiệt độ ngoài trời sẽ rất cao nên người thợ không những phải chịu được cái nóng như thiêu đốt mà còn phải cố gắng tập trung hoàn thành công việc. Chưa kể nhiều khi gió thổi mạnh, họ cũng phải có kinh nghiệm xử lý tình huống để bảo đảm an toàn tính mạng. Áp lực công việc lớn, nên có nhiều người vào nghề một thời gian ngắn đã phải bỏ vì không chịu nổi.

“Chỉ ngồi im trên ghế đu mấy tiếng liền giữa cái nắng gió là thấy mệt rồi, chứ nói gì đến làm việc. Nhiều tòa nhà có mặt kính không bằng phẳng, chúng tôi phải một tay giữ thiết bị hút kính làm điểm tựa để bảo đảm an toàn, tay kia lau kính nên rất nhanh mất sức. Đó là chưa nói đến việc phải thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, nhiều khi muốn đi vệ sinh thì cũng phải ráng nhịn”, anh Dũng, thợ lau kính tại tòa nhà Keangnam cho biết.

Không có cơ hội sửa sai

Anh Thiện (quê Thái Bình), làm thợ lau kính đến nay đã hơn chục năm cho biết, càng là thợ lâu năm lại càng phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chút bởi họ là những người hiểu hơn ai hết những bài học đắt giá. Những bài học ấy phải đổi bằng tính mạng mà người trong nghề vẫn truyền tai nhau để tự cảnh tỉnh bản thân và đồng nghiệp về độ nguy hiểm của nghề. “Có người chỉ vì cố làm cho nhanh mà vươn tay lau kính quá xa dẫn đến tai nạn. Bám trụ với nghề, nghe và chứng kiến nhiều chuyện, tôi cũng muốn tìm công việc khác ít nguy hiểm hơn nhưng nếu không làm thì biết lấy gì nuôi sống bản thân và gia đình”.

Nghề vất vả và đầy rủi ro khiến những người thợ lau kính phải luôn sẵn sàng đối phó tử thần bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, trang thiết bị để hành nghề nhiều khi rất thô sơ, đơn giản. Chủ yếu gồm dây thừng cỡ lớn, ghế đu, khóa an toàn, đai bảo vệ, thùng đựng hóa chất tẩy rửa, chổi lau, cọ. Anh Thiện tâm sự: “Ngày nào làm xong cũng mỏi và ê ẩm cả người. Tình trạng hoa mắt, ù tai, chóng mặt, cổ họng khô rát… là chuyện thường. Thế nên, nghề này không phải nguy hiểm mà là cực kỳ nguy hiểm”.

Anh Thiện nhớ lại trong suốt quá trình làm nghề từng chứng kiến nhiều tai nạn. Có lần, một đồng nghiệp khi đang đu dây lau kính tại một tòa nhà đã bị gió thổi khiến cả thân người chới với trên không trung, rồi bị dây bảo hộ siết vào người khiến anh chấn thương cột sống. Nhiều người trong nghề cũng thừa nhận, từng có không ít đồng nghiệp bị say nắng, chóng mặt, bị gió thổi… dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Đến nay, nghề lau kính nhà cao tầng vẫn chỉ là nghề lao động phổ thông và chưa có một cơ sở nào đào tạo bài bản về nghề này, ngoài những khóa tập huấn kỹ năng của công ty tuyển dụng. Vì thế, người làm nghề chủ yếu học hỏi lẫn nhau. “Trước khi lên tầng, bao giờ tôi cũng kiểm tra tất cả các dây, đai an toàn, các ốc vít của ghế… Khi mọi thứ đã an toàn thì mới tiến hành công việc. Trong lúc lau kính cũng chú ý di chuyển ít, không với quá xa hoặc làm nhanh, làm ẩu bởi chỉ cần sơ sẩy một lần thôi là không còn cơ hội để sửa sai nữa”, anh Thiện nói.

Theo nhandan


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: