Nghề ngủ trong quan tài lấy may ở Sài Gòn


Có lẽ bất cứ ai khi nhìn thấy những cỗ quan tài sơn màu đỏ đều cảm thấy lạnh sống lưng, không muốn đến gần, chứ đừng nói là chui vào đó… nằm ngủ. Thế nhưng, ở những trại hòm Sài Gòn lại có cái nghề kỳ quái: Vào nằm trong… quan tài.
Chỉ dám ngủ… giả vờ

Công việc này khá đơn giản, chỉ cần nằm im trong quan tài gỗ đã đóng kín, sau một tuần nhang sẽ được các chủ trại hòm trả từ 400.000-500.000 đồng. Anh Vạn (44 tuổi, quê gốc Chợ Gạo, Tiền Giang) làm nghề ngủ trong quan tài, cho biết, khoảng 4-5 năm trở lại đây, nghề này khá phát triển.

Trước kia khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa được coi là lớn nhất phía Nam, ngày nào cũng có vài người được đưa về nằm yên nghỉ tại đây. Nhưng chừng chục năm trước, thành phố quy hoạch, di dời và không cho an táng tại đây nữa. Thế là hàng chục trại hòm buôn bán quan tài ở quanh nghĩa trang rơi vào tình trạng ế ẩm. Từ đó, xuất hiện nghề ngủ trong quan tài cho anh em chúng tôi kiếm thêm chút tiền”, anh Vạn thật thà kể.

Tuy tiền công khá nhưng không phải ai cũng làm được nghề ngủ trong quan tài (Ảnh minh họa)

Tuy tiền công khá nhưng không phải ai cũng làm được nghề ngủ trong quan tài (Ảnh minh họa)

Cũng theo anh Vạn, các chủ trại hòm cho rằng, nếu buôn bán ế ẩm, các quan tài không có “chủ nhân” thì chỉ cần có người chịu vào đó nằm, giả chết sau một tuần nhang thì sẽ có chủ nhân thực sự. Nói nôm na, ngủ trong quan tài để mang lại may mắn làm ăn, buôn bán cho họ. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng cái nghề ngủ quan tài là có thật 100%.

Anh Vạn cho biết tiếp: “Khi chủ trại có nhu cầu, thỏa thuận giá cả xong là tui chui vô quan tài nằm. Chủ trại đậy nắp áo quan, làm mấy công việc “cơ bản” khi làm lễ nhập quan là thắp hương, cúng bát cơm trắng, quả trứng luộc… y chang như đối với người chết thật vậy.

Tôi cũng nằm im không cử động gì như người chết thật. Mấy lần đầu, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn rất sợ. Một cảm giác hãi hùng không biết vì sao cứ xâm chiếm mọi giác quan khiến toàn thân lạnh toát, tim như ngừng đập. Với tôi, dường như không có một giấc ngủ nào dài và chập chờn như giấc ngủ trong quan tài”.

Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Dù công việc đơn giản, ít tốn công sức, tiền công cũng khá nhưng không phải ai cũng có thể làm được việc này. Một chủ trại hòm giấu tên ở đường Gò Dầu cho biết, mấy năm qua, trại hòm của họ có tới vài chục người tới ngủ trong áo quan để lấy vía.

Lúc đầu là nhân viên của trại, những người làm nghề an táng và những người già yếu, bị tai nạn hay bệnh tật, khó tìm sinh kế gì khác ngoài cách giả chết này. Sau họ giới thiệu cho nhau biết để cùng làm. Nghề này cần những người mới chứ không phải ai cũng ngủ hết lần này qua lần khác được, như thế là “hết linh”.

Ngủ mãi thành… chết thật

Anh Hữu (44 tuổi, quê ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai, một người làm nghề ngủ trong quan tài khác) cười tếu táo nói, nghề ngủ trong quan tài này ngẫm ra lại có nhiều cái… hay. Hỏi tại sao, anh Hữu bảo: “Chỉ những ai từng nằm trong quan tài và suy nghĩ về ranh giới sống chết mới thấy thêm yêu quý cuộc sống này.

Thú thực, những giấc mơ khi ngủ ở trong quan tài cũng khác những giấc mơ khi ngủ trên giường rất nhiều. Nó thường hãi hùng, kinh hoàng và khiếp sợ hơn rất nhiều. Nằm trong quan tài, tôi thường nghĩ về những khuôn mặt người chết mà mình biết”.

Mô tả

Mô tả

Rồi anh Hữu bùi ngùi kể về hoàn cảnh đáng thương của một đồng nghiệp làm nghề này đã lâu. Đó là ông Đến (53 tuổi, ở Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An). Hồi giữa năm, khi đang ngủ trong quan tài cho một trại hòm dưới Bình Dương, ông Đến đã chết thật. Ông Đến chết vì bệnh ung thư gan.

Nghe tin ông chết, nhiều người cũng khá dửng dưng vì bệnh tình của ông hơn năm nay ai cũng biết. Ông đã chết trong chiếc quan tài do chính ông lựa chọn. Sớm hôm đó, khi mở nắp quan tài, thấy người ông lạnh toát, chủ trại cũng sợ lắm. Nhưng sau biết ông chết do bệnh lý, họ đã chấp nhận dành luôn cho ông cỗ quan tài mà ông chọn lựa từ hồi còn sống.

Sau chuyện ông Đến chết khi đang ngủ trong quan tài, nhiều người làm nghề này kháo nhau, biết đâu mình ngủ trong quan tài nhiều, thần chết lại gọi đi luôn cũng không biết chừng. Vì thế, nhiều người mỗi khi đi làm thường uống rượu lấy tinh thần hoặc để dễ ngủ.

Còn anh Hữu còn có thêm thói quen thắp nhang, cúng vái chính… bản thân mình. Anh Hữu bảo: “Làm vậy để mình phù hộ cho mình bởi khi bước vào quan tài, dù thật hay giả thì cũng đều là… người chết. Lúc ấy hồn mình sẽ phiêu diêu tứ tán, cứ khấn trước cho nó… lành. Nghề này nguy hiểm đến tính mạng nên cứ kiêng cữ vậy cho chắc ăn”.

Theo Tuổi Trẻ& Pháp luật


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: