Nghệ sĩ “khắc chữ” hơn 30 năm ở Sài Gòn


35 năm làm nghề khắc chữ, ông Lê Văn Kính (SN 1959, quê Hải Dương) không nhớ nổi mình khắc lên bao nhiêu cây viết máy, bao nhiêu bức tranh. Chữ viết của ông lan phủ khắp cả nước, thậm chí đi đến không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới.

Ngồi khiêm tốn tại một góc nhỏ đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1 – TPHCM), ông Kính (tự Dũng) đang nắn nót từng dòng chữ cho những người khách đặt trước đó, ông chăm chú đến nỗi không nhận ra có khách ghé thăm. Khi hoàn tất một công đoạn, ông giật mình xin lỗi vì sự lơ là của mình. Hỏi ông nghề này có khó không, ông cười mà rằng khó là ở lòng người có theo nổi không. Lòng người đó là sự đam mê, tình yêu nghề phải lớn hơn nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, vượt qua những điều đó và cần một chút kiên nhẫn là có thể đến với nghệ thuật khắc chữ một cách dễ dàng.

khac-chu-1

35 năm đến với nghề, cái tên “Dũng khắc chữ” đã thành một thương hiệu tại góc đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Được biết, từ nhỏ ông Dũng đã đam mê hội họa, hơn 10 tuổi ông đã vẽ chân dung của bà mình. Lúc còn là sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ông nhờ một anh thanh niên khắc chữ lên bút giúp mình. Sáng hôm sau ông đến chỗ người thanh niên này và hỏi “ông có dạy cho tôi khắc chữ được không?”. Người khắc chữ nghĩ ông đùa, vì ngày xưa muốn khắc chữ phải tự mình mài một cây sắt cho thật nhọn, bẻ cong thành hình mỏ chim đại bàng, khi khắc phải dùng nhiều sức, để khắc một tác phẩm mất khá nhiều thời gian, công sức mà tiền thu được chẳng là bao. Vốn đam mê, và có năng khiếu nên chỉ học vài lần, ông Dũng đã khắc chữ rất điêu luyện.

khac-chu-2

Bộ máy khắc chữ bằng ống nhựa, mũi kim nha khoa, các motor chạy bằng ắc quy do ông Dũng tự chế tạo để phục vụ cho nghề của mình.

Ông Dũng cho biết: “Ngày xưa người ta rất trân quý những con chữ, nên khi khắc chữ, phải phối hợp giữa ngón cái, ngón trỏ của tay trái với 5 ngón tay thật nhuần nhuyễn, từng nét chữ, đường cong phải uốn lượn, bay bướm. Hơn nữa, phải tập trung cao, sơ ý là hỏng ngay. Cái khó là vừa dùng sức để khắc, vừa phải nhu để chữ mượt mà. Vì thế tôi tự mày mò chế tạo cho mình những chiếc máy riêng bằng ống nhựa, mũi kim nha khoa, các motor chạy bằng ắc quy, tạo ra sản phẩm nhanh và uyển chuyển hơn”.

Với chí tang bồng, ông Dũng đi chu du khắp nơi, đến Sài Gòn cũng là lúc ông hết tiền, sức khỏe yếu đi nhiều. Khi ông và một người bạn đi dạo Sài Gòn, thấy phía trước người ta tập trung rất đông mà không biết chuyện gì, đến gần thì đó là một cụ ông đang khắc chữ cho khách. Nhận thấy cụ ông này khắc chữ không đẹp nhưng nhiều người vẫn xếp hàng chờ đợi, ông Dũng được người bạn gợi ý ra nghề. Vừa không có tiền, vừa không có sức khỏe, ông Dũng tặc lưỡi tới đâu thì tới.

Ngày ngày, ông Dũng xách đồ nghề đi bộ khắp Sài Gòn rao khắc chữ, nhiều người tìm đến ông để nhờ khắc bút viết. Năm 1981 là năm khắc chữ rất thịnh hành, nhất là ở Sài Gòn. Biết được nhiều người nhờ ông khắc lần đầu đều uốn ông khắc tiếp nhưng tìm hoài  không thấy ông đi ngang, như thế sẽ làm người mong đợi buồn phiền. Ông Dũng chọn góc đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngồi khắc đến nay đã hơn 30 năm.

khac-chu-3

Khách hàng của ông Dũng thường không bao giờ hỏi giá vì biết ông chỉ lấy từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi lần khắc, có người tôn trọng tài năng của ông nên trả đến 100.000 – 200.000 đồng là chuyện bình thường.

khac-chu-4

Khắc bút nhiều nên ông khá am hiểu về từng loại bút, kể cả giá của chúng. Theo ông Dũng, cây bút này là loại dùng để ký tên, có giá khoảng 12 triệu đồng. Cây bút giá cao nhất mà người ta từng nhờ ông khắc là khoảng 22 triệu đồng

khac-chu-5

Khi khách nhận lại món đồ của mình đều rất hài lòng về chữ của ông Dũng, anh Lê Hoàng Long (ngụ Q.3) cho biết: “Tôi quen biết và xin chữ chỗ chú Dũng đã 5 năm, chữ chú khắc rất đẹp, chú lại vui tính, nhiệt tình và có tâm với nghề nên khi chú khắc tôi rất yên tâm. Mỗi lần mua một cây bút mới là tôi đến nhờ chú khắc chữ lên đó”.

Theo ông Dũng thì 20 năm trước, nghề khắc chữ lên bút rất thịnh, khách đến nhờ ông khắc phải xếp hàng dài, món ông khắc nhiều nhất là bút Hero “Thời đó có được cây bút Hero là rất “oách” chỉ có những người giàu có, trí thức được vinh danh mới có nên người ta rất quý, phần vì tự hào, họ thường mang đến tôi để khắc tên của họ. Những năm gần đây, nhiều trường học xung quanh trung tâm vẫn tặng bút viết Hero cho học sinh có thành tích tốt, trước khi tặng họ thường đặt tôi khắc tên từng học sinh lên vài ngàn cây bút”, ông Dũng chia sẻ.

khac-chu-6

Từ 8 năm trở lại đây, số người sử dụng bút Hero còn rất ít, ông Dũng chủ yếu khắc lên những cây bút ký tên, khung tranh, trang sức,… cho rất nhiều người.

Ông cần mưu sinh thật nhưng ông khắc chữ vì nghệ thuật, vì đam mê chứ không phải vì tiền. Và khách hàng của ông dù là ai đi nữa vẫn là những người trân trọng cái đẹp, mà cái đẹp thì không phân biệt cao thấp, nghèo hèn

Trong sự nghiệp khắc chữ của ông, người làm ông Dũng cảm động nhất đó là khi khắc chữ cho một anh Hà Lan lấy vợ người Việt Nam, khi anh này ở Việt Nam, anh có rất nhiều quà lưu niệm, nhưng không biết làm sao để gửi tâm sự của mình vào đó. Lúc anh này xem tivi, thấy phóng sự về ông Dũng, anh này đã vội bay về Hà Lan mang tất cả những món đồ lưu niệm đến nhờ ông khắc với một tâm trạng vừa hân hoan, vừa xúc động.

khac-chu-7

Ông Dũng không phân biệt người đến nhờ khắc, dù đó là học sinh, người nghèo, người giàu. Ông Nguyễn Thanh Phong (SN 1957, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi thường nhờ anh Dũng khắc chữ lên bút, những cây bút có giá trị đến đâu anh Dũng cũng chỉ lấy đồng giá 10.000 đồng. Đã nhiều năm rồi nhưng giá vẫn vậy, mà chữ thì ngày càng đẹp hơn”.

khac-chu-8

Để không nhằm lẫn về chữ viết, hoặc người có tên đặc biệt, ông Dũng thường yêu cầu họ viết ra giấy rồi nhìn nội dung mà khắc. Theo ông, bút Hero hiện tại vẫn có người nhờ khắc, có trường tặng loại bút này cho học sinh cũng đặt ông khắc vài ngàn cây vào dịp bế giảng năm học.

khac-chu-9

Đối với ông Dũng, giá trị món đồ không quan trọng, quan trọng là ở tấm lòng người tặng, về ý nghĩa chữ khắc của ông trên đó. Vì vậy khi khắc chữ ông luôn tập trung và tỉ mỉ.

Hiện tại, ba món khắc chữ nhiều nhất là bút ký tên, tranh và nhẫn đôi, người có nhu cầu sẽ mang vật cần khắc đến, ông Dũng đưa tờ giấy cho họ viết nội dung rồi sau đó sẽ khắc theo nội dung đó. Ông Dũng bật mí, cũng có nhiều lần do không tập trung nên ông khắc sai chữ, sau khi xin lỗi khách ông sẽ sửa chữ sai thành một mẫu hình trang trí, khi hoàn thành khách còn hài lòng hơn. Nhưng ông không cho phép mình vì thế mà mắc những sai lầm khác, vì đó là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không được lạm dụng. Chính vì tấm lòng với công việc, rất nhiều người tìm đến ông Dũng cả khách trong và ngoài nước. Đến nay chữ của ông già bên góc nhỏ Sài Gòn đã đi đến các nước từ Á sang Âu.

Không muốn cái nghề ý nghĩa của mình bị mai một, ông Dũng sẵn sàng truyền nghề cho bất kỳ ai đến xin học. 35 năm qua ông đã truyền nghề cho rất nhiều người, trong đó học trò của ông có người sang Mỹ, có người sang Pháp hành nghề, thế nhưng ông Dũng không chút buồn phiền vì ông biết người nhờ khắc chữ là người sống tình cảm, món quà của họ có thể không lớn, nhưng tấm lòng đối với người được tặng thì rất trân quý nên dù làm ở đâu thì nghệ thuật khắc chữ vẫn có một giá trị riêng của nó. Còn ông, ông… đã lỡ yêu cái góc nhỏ của Sài Gòn thì dù có cho bao nhiêu tiền đi nữa ông vẫn nguyện ngồi mãi nơi này để tặng chữ cho mọi người.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: