Chơi tem, thú vui tao nhã


“Cứ mỗi lần đến tòa soạn báo quen, cô văn thư đưa cho vài chục cái phong bì có dán tem của bạn đọc khắp nơi gửi đến là mừng như hồi còn con nít được mẹ đi chợ về mua cho cái bánh, khúc mía, bịch chè”, ông Lê Minh Phong, một người sưu tập tem kể.Ở Việt Nam, sưu tập tem được xem là thú chơi tao nhã, có số lượng người chơi đông đảo từ học sinh, sinh viên, người về hưu, dân chơi nghiệp dư cho đến những người chơi chuyên nghiệp. Tùy theo sở thích lẫn tài chính mà mỗi người có mỗi cách chơi khác nhau, như người chơi “tem chết” (tem đã đóng dấu bưu chính), kẻ chơi “tem sống” (tem mới) và chơi theo chủ đề mà họ thích.

Bộ sưu tập vua cũng ra… chợ

img_01

Ông Đỗ Thành Kim và bộ tem quý của mình.

Nói tới chơi tem là nói đến niềm đam mê sưu tập tem của đa số dân chơi tem. Tuy số lượng người chơi đông đảo nhưng để có một bộ sưu tập tem có giá trị cao đòi hỏi người chơi phải tốn nhiều thời gian, công sức lẫn tài chính nên không phải ai cũng làm được. Bởi cái thú này, không phải ai có nhiều tem là có bộ sưu tập có giá trị mà giá trị là ở chính con tem đó. Ông Đức, một người sưu tập tem ở quận Gò Vấp, TPHCM, cho hay: “Chơi tem là thú chơi bình dân và phổ biến vì ai cũng có thể chơi được. Nhưng để có bộ sưu tập tem khiến người khác phải ngưỡng mộ thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.

Sưu tập tem cũng như bất cứ thể loại sưu tập nào khác là phải chịu sự tác động của kinh tế xã hội nên không ít người phải ngậm ngùi… bán đi bộ sưu tập của mình. Nhờ đó, mà những người sưu tập tem có “của ăn của để”, có cơ hội tiếp cận được những bộ sưu tập tem khác của người rao bán. “Ngoài một số người sưu tập tem để mua bán, đa phần người chơi tem vì sĩ diện họ ngại mang bộ tem ra chợ ngồi bán (chợ tem ở số 18 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM). Và, đa phần họ chỉ rao bán trên mạng hoặc qua bạn bè”, ông Đức nói.

Ông Lê Minh Phong, người chơi tem chia sẻ: “Tôi mê tem từ nhỏ nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên tôi chỉ chơi “tem chết”. Đối với tôi, “tem chết” hay “tem sống” không quan trọng mà chỉ để thỏa mãn đam mê”. Hơn 10 năm nay, ông Phong thường hay đi xin tem ở các tòa soạn báo, văn phòng đại diện mà ông quen, vì chỉ các cơ quan báo mới có nhiều thư từ của bạn đọc gửi tới qua đường bưu điện. “Cứ mỗi lần đến tòa soạn báo quen, cô văn thư đưa cho vài chục cái phong bì có dán tem của bạn đọc khắp nơi gửi đến là mừng như hồi còn con nít được mẹ đi chợ về mua cho cái bánh, khúc mía, bịch chè”, ông Phong kể.

img_02

Bộ sưu tập 12 con giáp của ông Kim.

img_04

“Tem chết”, tức tem đã đóng dấu bưu chính tuy có giá trị mua bán không cao nhưng cũng có con rất quý, giá rất cao.

Ra đời năm 1840, con tem có nhiệm vụ thanh toán cước phí bưu chính. Ban đầu, con tem chỉ như một “chứng từ” tính phí phổ thông, phát hành số lượng lớn, màu sắc đơn điệu. Nhưng nhận thấy, nó là “hình ảnh” của một quốc gia nên ngành bưu chính phát hành nhiều loại tem đẹp, đầy màu sắc và giàu hình ảnh hơn. Và chỉ một năm sau, phong trào sưu tập tem xuất hiện tại Anh rồi sau đó lan rộng khắp thế giới.

Chơi tem cũng hái ra tiền

img_05

Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ cũng đam mê chơi tem.

img_03

Cứ vào sáng thứ Bảy cách tuần là đông đảo người chơi tem đến chợ tem ở số 18 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM để mua bán, trao đổi tem. Ảnh: Tấn Phú

Ở Sài Gòn, người chơi sưu tập tem rất nhiều nhưng số người chơi tem một cách chuyên nghiệp, bài bản và chịu đầu tư như ông Đỗ Thành Kim (Cố vấn Câu lạc bộ Viet Stamp) thì đếm chưa hết đầu ngón tay. Tìm đến nhà ông Kim ở đường Nguyễn Thông, quận 3, chúng tôi thấy trên tường có nhiều giấy chứng nhận và kỷ niệm chương của Ban tổ chức triển lãm Viet Stamp ghi tên ông. Mang cho chúng tôi xem bộ sưu tập tem Tết Canh Dần thế giới, bộ sưu tập tem ngựa và bộ sưu tập tem 12 con giáp được đóng khung, bao bọc rất cẩn thận mới biết ông Kim là người mê tem đến mức nào. Được biết, ông Kim bắt đầu sưu tập và chơi tem từ năm 1958.

Ngoài ra, ông Kim còn có những bộ tem nổi tiếng của Việt Nam như bộ Chiến sĩ xanh lá mạ (3 con), bộ Mạc Thị Bưởi (4 con) và bộ Thương binh (3 con). Theo ông, những bộ tem này có người trả ông trên 20 triệu đồng/bộ mà ông vẫn chưa bán. Nhìn những con tem nhỏ xíu chỉ bằng hai đốt tay mà giá vài chục triệu đồng – chỉ có người mê thật sự mới dám bỏ tiền mua.

“Tình cờ tôi được một người bạn trong trường cho xem cái bì thư có dán con tem nhỏ xíu nhưng lúc đó tôi thật bất ngờ khi biết, chỉ cần dán con tem nhỏ xíu đó là thư có thể đi khắp thế giới. Từ đó tôi khoái và quyết tâm theo đuổi đến tận ngày nay”, ông Kim kể.

Hỏi ông mê tem và đầu tư nhiều tiền như vậy bà xã có nói gì không? Ông cười tâm sự, sau ngày giải phóng và trước khi lấy vợ, ông mở một tiệm mua bán tem ở số 64 Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) với mục đích được tiếp cận nhiều nguồn tem hơn và có tiền để chơi tem. Nhưng “đời không như mơ”, bởi lúc đó, đất nước còn quá khó khăn, người chơi tem không có, lấy đâu có người mua. Thế là cửa hàng tem ở Đồng Khánh phải đóng cửa.

Thế nhưng, niềm đam mê tem của ông vẫn âm ĩ chờ dịp bùng cháy. Rồi khi có vợ, cả hai vợ chồng cùng làm nghề buôn bán tân dược, có tiền, ông lại đi mua tem, không nộp vào “quỹ” cho vợ. Nên bà vợ sinh nghi ông có “mèo”. Từ đó, ông khai thật với vợ. “Lúc đó nói mua tem bả đâu có tin, bả nói con tem nhỏ xíu, cũ kỹ vứt ra đường không ai lượm, ông mua làm gì?”, ông Kim kể.

Nhưng bà vẫn để cho ông dành tiền chơi tem, dù trong lòng không ưng lắm. Mãi đến năm 1970, có một người đàn ông đến tìm ông Kim để mua một con tem quý và trả giá đến 1.300 đô la. “Lúc tôi kêu bả đếm tiền, bả còn không tin nổi, từ đó bả mới ủng hộ tôi chơi tem và không cho con cháu lại gần những bộ tem của tôi” – ông Kim nói cười sung sướng – “Ngay cả bây giờ, nhiều lần bả còn nói tôi yêu tem hơn bả, vì cứ mỗi lần bả rủ đi coi phim hay xem hát là tôi để bả đi một mình. còn tôi ở nhà chơi tem!”.

Theo Tấn Phú/saigontiepthi

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: