Có một lớp học xóa mù “đặc biệt” dưới chân cầu Sài Gòn


Hơn một năm nay, khi cây cầu Sài Gòn phía xa lên đèn, bà Xáy lại lục tục để dạy học cho những đứa trẻ nghèo không hộ.

Lớp xóa mù cho những đứa trẻ không hộ khẩu

Đã ngoại lục tuần, mái tóc ngả sang màu hoa râm, những nếp nhăn đã hằn sâu trên vầng trán, thế nhưng bà Ngô Thị Xáy vẫn được những người dân sống dưới chân cầu Sài Gòn giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước (ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) âu yếm gọi bằng cái tên cô giáo Xáy. Bà không thuộc biên chế của một đơn vị trường học nào, nhưng lớp xóa mù chữ do bà mở ra đã và đang góp phần nuôi dưỡng ước mơ của những đứa trẻ nghèo đang sinh sống nơi đây.

xoa-mu-chu

Cô Xáy rèn chữ cho các em học sinh trong lớp

Thương những đứa trẻ nghèo, năm ngoái, bà Xáy gom hết bàn ghế trong nhà, đi xin sách vở mở lớp xóa mù. Rồi bà đến từng nhà vận động cha mẹ cho con em đến lớp. Lớp học từ 7 giờ đến 10 giờ tối. Thời gian đầu chỉ có dăm bảy đứa nhỏ, tối đến xúm lại nghe bà dạy đánh vần từng con chữ. Cái chữ bà Xáy dạy tuy lạ lẫm nhưng tụi nhỏ thấy thích. Ban ngày thay vì lang thang đùa giỡn, tắm sông, chúng lại đưa sách ra ngồi đánh vần rộn cả xóm nghèo.

Em Nguyễn Thị Kim Hồng, ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết: “Con học đây cũng được hai năm nay rồi. Tại vì mấy đứa em con không được đi học nên về nhà con dạy cho chúng nó. Con cũng có giấy tờ rồi nhưng mà em con không có giấy tờ, không mơ ước được vô trong trường học”.

Dĩ nhiên lớp học của bà Xáy không có nhiều học sinh bằng lớp học chính quy. Bởi vì các em còn phải đi làm việc này việc kia thành ra bữa học bữa không. Có em có gắng học đều, có em bận làm việc nhà, ít khi đi học. Do đó bà Xáy cũng cố gắng dạy cho các em để các em biết cái chữ. Cha mẹ thì không quan tâm mấy nhưng bà Xáy cũng cố gắng vận động để cho các em đi học.

Gieo mầm niềm tin và hy vọng 

Biết bà Xáy mở lớp xóa mù chữ, tháng 5-2014, UBND xã Minh Tâm đã phối hợp với bà để mở lớp. Phòng học được tổ chức ngay tại quán ăn nhà bà. Lớp có 24 học viên, tuổi từ 7-25. Một vài thầy cô giáo của xã Minh Tâm được cử đến đứng lớp ban đêm cùng bà Xáy. Bàn ghế, sách vở cho học sinh cũng được trang bị thêm. Lớp xóa mù chữ chỉ mở được 1 tháng và bà Xáy là người tích cực hỗ trợ giảng bài. Sau bế giảng, những em nhỏ tuổi thích học tiếp nên bà Xáy vẫn duy trì lớp cho tới bây giờ.

Cũng theo bà Xáy, tất cả các em ở đây, từ lớn đến bé trước khi đến lớp học của bà đều không biết mặt chữ, tuy nhiên, sau vài tháng theo học, các em đã biết đọc, biết ghép vần, biết ký tên của mình và biết làm những phép toán đơn giản.

Giữ được các em với con chữ không phải là chuyện đơn giản. Em H. (12 tuổi) nhiều lần muốn bỏ học. Động viên hoài không được, bà Xáy ân cần hỏi chuyện mới biết hơn về hoàn cảnh rưng rưng nước mắt của H. Thì ra H. thường bị bố mắng, đánh đập rất dữ nên chán học. 3 giờ sáng, H. phải thức dậy, ra chợ phụ mẹ kiếm tiền.

“Mặc dù có tốn kém, có cực nhọc nhưng tôi cảm thấy rất vui khi càng ngày càng có nhiều cháu theo học, thậm chí có những cháu đã có gia đình vẫn cùng chồng con đến lớp để học chữ. Càng vui hơn nữa khi giờ đây các cháu đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính cộng trừ nhân chia để có thể phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày” – cô giáo Xáy hồ hởi khoe.

Bế cả con đến lớp học để theo đuổi con chữ, chị Mai Thị Hường (29 tuổi, ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) không khỏi vui mừng khi đã viết được tên, tuổi của mình. Có lẽ ít có lớp học nào mà có cảnh mẹ bồng con đến lớp bi bô đọc chữ như ở lớp xóa mù này. “Trước kia tôi không biết chữ, nhưng nhờ cái cô giáo Xáy dạy nên tôi cũng biết được chữ nào đọc được thì đọc, không đọc được thì hỏi mấy đứa em. Về nhà cũng học bài lại nhưng chữ nào không biết thì hỏi mấy đứa em với lại chòm xóm” – chị Hường chia sẻ.

Ông Cao Xuân Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước: “Qua thời gian học các em đã đọc được, viết được thành thạo. Đây là mô hình hay học tập và làm theo đọc đức Hồ Chí Minh được chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành khen ngợi”.

Hy vọng lớp học xóa mù này sẽ tiếp tục gieo mầm niềm tin và hy vọng vào tâm hồn của những đứa trẻ nghèo dưới chân cầu Sài Gòn – những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo đang cần lắm một định hướng đúng đắn cho tương lai phía trước.

Nguồn: Hà Anh


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: