Sài Gòn chạy bên đường


Sài Gòn
Sài Gòn

Sài Gòn

Tôi ngồi sau xe anh, ngắm nhìn cuộc sống Sài Gòn “chạy” hai bên đường. 

Cũng có người từng bảo tại cái tật vừa đi vừa dòm hết cái này tới cái kia, nên chẳng khi nào tôi lái xe cho đàng hoàng cả. Nhưng thực thì tôi rất chăm chú vào việc lái xe. Chỉ trừ khi tôi buồn ngủ…mặc kệ sự đời, tôi cứ để xe tà tà chạy mà chẳng màn ngó nghiêng cái gì.

Được người khác chở, tôi lại càng thích thú. Ngồi sau xe, chẳng phải phân tán sự quan tâm cho việc điều khiển, tôi mặc sức để cho con mắt và cái đầu mình quay 180 độ. Thế nên có những khi chạm mắt những hình ảnh-nào-đó-nao-lòng, thì cũng chẳng biết phân tán cái sự tập trung của mình đi đâu. Chỉ biết xoáy sâu vào những gì đã thấy và lại ủ ê trong bụng suốt cả chặng đường.

Tôi dác thấy một người đàn ông ôm thúng đậu phộng thất thểu đi trên vỉa hè. Mà người đi bán dạo như vậy đâu hiếm ở cái đất Sài Gòn này, cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại chú ý tới ông ấy. Có lẽ do nụ cười của ông, răng sún, vu vơ và có cái gì đó ngơ ngơ không bình thường. Một du khách người nước ngoài đi vượt lên ông cả đoạn, chẳng biết sao lại quay ngược trở lại, dúi vào tay người đàn ông đó một tờ màu xanh lá, mỉm cười vỗ lên tay ông nhè nhẹ, rồi bước tiếp cho chuyến đi của mình. Ông đậu phộng ngơ ngơ nhìn tờ tiền, cười lấy làm lạ. Muốn khều anh, kể cho anh nghe, mà rồi thấy vướng víu gì đấy, tần ngần rồi im lặng. Giống con nít, cái gì cũng muốn kể.

Dừng đèn đỏ, tôi thấy một con cún lẽo đẽo theo một người phụ nữ, cứ ngỡ chủ và cún đi dạo cùng nhau, nhưng cũng chỉ là hai kẻ không liên quan trên đường. Người phụ nữ quay lại lườm con cún, con cún đứng khựng, hếch mũi ngửi ngửi, nheo nheo mắt rồi không dám bước thêm. Nhìn kĩ mới thấy bộ lông của nó không phải màu xám đất, mà là vì không được ai tắm táp cho, lông bết lại và ảm màu. Nó tần ngần nhìn người phụ nữ đi ngày một xa, và lại đưa mắt dòm những kẻ đang dừng đèn đỏ cũng đang nhìn nó. Chẳng biết chủ nó đâu, chẳng biết nó có chủ không…

Nói thiệt lòng, đâu cần phải ở đây lâu mới biết Sài Gòn bơ vơ. Có điều, ở lâu thì  mới thấy mình cũng bơ vơ như Sài Gòn thôi.

Có một bà lão dạo gần đây hay xuất hiện ở cầu chữ Y. Nhìn bà, người ta dễ dàng liên tưởng đến từ “Ngoại”, hoặc “Nội”, cái chất hiền hiền, phúc hậu, lọm khọm thân thương, chiều chiều lại túc ta túc tắc đi lên cầu, ngồi ở đấy đến chập tối rồi lại lóc cóc đi xuống…Chẳng biết nhà bà ở đâu, con cháu đâu, người thân đâu…Ai bảo Sài Gòn trẻ? Có mấy ai thấy lúc trái gió trở trời, Sài Gòn lọm khọm, mắt ướt, nhức chân, nhức người, lăn trọn một vòng ở lề đường, mà hổng ai bên cạnh bóp chân, xoa lưng cho. Tuổi già mong manh lắm, ai còn bà, còn ông, xin hãy yêu thương.

Sài Gòn

Sài Gòn

Đôi lúc lại chạnh lòng. Cái tuổi trẻ sống vị kỉ, vị bản thân, mà còn chưa sống cho ra hồn. Mỗi ngày trôi qua lại thấy đôi cánh mình thêm rộng, mà sức lực để giương lên thì không có. Mỗi ngày trôi qua lại thấy đời thêm dài, mà mình thì không sống được bao lâu trong cái sự “dài” đó. Hoài bão với cả ước mơ cứ ấp a ấp ủ, cứ điên loạn tìm đường thực hiện. Lại sợ đôi tay này ôm không xuể. Ai bảo người trẻ Sài Gòn đa mang. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con. Ai cũng muốn mình là một người trên vạn người, nhưng có ai nghĩ đến việc, để được như thế, trước tiên hãy là “con người” đã. Quyền lực và tiền bạc có thể làm nên hình ảnh của mình trong mắt những người khác. Nhưng nó không làm cho mình thành ra con người.

Sài Gòn thấy hờ hững vậy, chứ mà dạy cho con người ta nhiều bài học lắm. Có khi chẳng thấy ngay, chẳng hiểu ngay đâu, phải mất cả một khoảng thời gian kha khá, mới thấy thấm mấy bài học mà cái đất này ưu ái tặng cho.

MIP|Hình ảnh : MIP


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: