Tờ lịch cuối cùng


Mấy năm nay bố tôi có thói quen giữ lại những quyển lịch bloc cũ. Ông không xé từng tờ lịch như bao người khác mà dùng một chiếc kẹp tre để kẹp chúng lại.

Câu chuyện về những cuộc chia ly trong ngày Sài Gòn cuối năm

Chợ phiên máy ảnh cuối năm giữa Sài Gòn

151231-lich-cuoinam-2_resize

Mỗi năm qua đi, số lịch cứ dày thêm. Tôi cứ đếm mãi số lịch đó, mỗi lốc lịch cao thêm là tuổi già của bố lại nhiều thêm, những vết nhăn trên bàn tay chai sạn đã thành đường rõ nét. Tờ lịch cũ với tôi là những hoài niệm xưa cũ về thưở bé thơ, thưở của những cánh đồng, vạt núi, của những đám cỏ ngoài đê, của tiếng ọ ẹ khi bê con gọi mẹ về nhà. Mỗi ngày qua đi, những tờ lịch lại rơi xuống, nhẹ tênh như tuổi thơ đi qua cuộc đời của mỗi con người.

Cứ độ cuối năm dương lịch, mẹ tôi lại nhìn tờ lịch ngày 31/12 như một định mệnh nào đó đang thôi thúc mẹ. Đó là những lo toan ùa về, lại những sách vở mới cho kỳ học mới, lại những áo quần mới cho con để vui vầy ngày Tết sắp đến, lại gạo nếp, lá chuối, cuộn dong. Mẹ cứ lo nghĩ, xoa đầu tôi rồi tự bà lẩm nhẩm một mình: “Lại thêm tuổi mới rồi, lớn nhanh còn giúp mẹ”. Tôi đã đọc đâu đó, những nhân viên văn phòng ở New York, Mỹ cứ đến ngày cuối cùng của năm, vào cuối ngày làm việc, họ lại xé tờ lịch cuối cùng, đứng trên những toà nhà cao tầng bên Times Square rồi tung qua cửa sổ. Những tờ lịch bay bay, chao nghiêng trong gió mang theo những ước vọng cuộc đời của họ.

Những ngày tôi đi biển, mỗi tờ lịch được xé đi, tôi lên boong và đứng trước gió, hoà lẫn với sóng tờ lịch mỏng manh cùng lời cầu nguyện cho chuyến đi được cập bến an toàn. Nhiều đêm gặp lốc biển, tôi cứ ôm khư khư tờ lịch nhét chặt trong túi nilon để nếu lỡ mình bị ngập chìm trong đại dương mênh mông, một chiếc tàu hàng nào đó có thể vớt được, người ta sẽ biết mình chết vào ngày nào. Mà lạ, thằng châu Á nào như tôi cũng nghĩ thế. Vậy nên, trên khoang của tàu biển, lốc lịch như là báu vật của từng người.

Có những chuyến đi, khi trở về, tôi nhìn thấy một tờ lịch dưới gối của mẹ. Tôi hỏi mẹ thì biết rằng, đó là ngày con gọi điện về báo tàu đã rời một bến cảng nào đó để bắt đầu chuyến hải hành trở về. Vì những chuyến đi biển là bao trắc trở rình rập nên tôi ít khi báo ngày về đến nhà. Chỉ có mẹ khắc khoải chờ con, đêm cứ phập phồng lắng nghe tiếng biển. Bà không đi biển bao giờ nhưng mỗi lần biển động, bà lại lẩm nhẩm, biển hôm nay động quá, tàu bè lại khổ. Chỉ có tôi, tuổi trẻ lang thang khắp chốn, vẫn ra đi rồi trở về. Dọc cả những chuyến đi, tôi chẳng nhớ gì, chỉ hoang hoải nhớ mẹ. Một ai đó đã từng nói với tôi rằng, cuộc đời này chả có cái gì là của riêng mình, chỉ có cha mẹ là riêng mình.

Xưa, lịch còn in những câu danh ngôn, những khổ thơ đọc xong một lần là tưởng như nhớ mãi. Có những tờ lịch in các khí, tiết hàng năm. Xưa, mẹ xé tờ lịch có tiết đại hàn lại ngắm mấy con lợn trong chuồng. Đó là cả gia tài của mẹ để chuẩn bị đón Tết. Có năm, lập xuân sớm trước Tết, cây hoa đào đã chớm nở. Mẹ cười, nụ cười rạng ngời trước một xuân mới về. Quê, tiết đại hàn lạnh buốt nhưng lại phải xuống đồng làm cỏ cho mấy sào ruộng. Gió rét căm cứ phần phật tấm áo mưa, người làm nông cứ cúi mặt xuống mặt ruộng, sục tay vào lớp bùn. Những lọn lúa non mới tách lá mơn mở xanh như một hy vọng cho vụ đông xuân năm tới có nhiều thóc gạo.

Tờ lịch cuối năm hay gợi nhớ về những điều xưa cũ. Nay, mấy ai còn đủ thời gian và háo hức để đón chờ ngày xé tờ lịch cuối cùng. Mấy ai còn ngẩn ngơ trước ngày bắt đầu năm mới, để tiếc nuối những điều đã qua trong năm cũ. Ngày cuối cùng của năm cứ lặng lẽ trôi qua như đời người trước cuồng quay của cuộc sống. Một năm đi qua, mang đi cả những ký ức vụn vặt của đời người, lại một lốc lịch mới được treo lên với bao ước vọng và ngổn ngang những vấn vương.

Tôi chẳng thể nhớ nổi những tờ lịch mà tôi đã xé đi, chỉ nhớ có mỗi một tờ, tờ lịch đó giờ yên lặng trên bàn thờ ở quê. Ngày đó, một ngày sau rằm trung thu, ngày của trăng tròn, ngày của một chớm nắng sớm. Ngày mẹ tôi mất, mẹ đi về cuối con đường của cuộc đời. Mẹ đi mãi, đi về cõi mà ai cũng phải đến, chỉ còn lại mình tôi, lay lắt nhớ mẹ. Nhớ hơi ấm từ khói lam chiều của những ngày cơ cực ấu thơ, nhớ hương bưởi trên tóc mẹ, nhớ hương nắng chói chang trên những tấm chăn phơi nắng cuối thu. Tết về là thăm thẳm nỗi buồn nơi phố thị, là mênh mang nhớ những hương Tết quê nhà. Tết quê tôi, triền cát vẫn ánh trắng cồn cào, rặng phi lao cằn cỗi vẫn âm thầm hát theo tiếng sóng biển. Chỉ có tôi, man mác buồn, trống tênh vì vắng mẹ.

 Theo vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: