Cậu bé phụ bán bột chiên cùng ông bà ở vỉa hè Sài Gòn


Đã hơn 1 năm kể từ ngày người Sài Gòn tối nào cũng rủ nhau đi ăn… bột chiên để giúp đỡ bé trai 2 tuổi cùng ông bà mưu sinh nơi hè phố. Tuấn giờ đã lớn hơn, lanh lẹ hơn nhưng vẫn rất buồn khi nghe ai hỏi về ba mẹ của mình.

Một ngày mưa giữa tháng 8/2014, người ta bỗng chạnh lòng khi thấy hình ảnh một đứa bé nhỏ xíu người, mặc 2,3 lớp áo, trùm nón kín đầu, ngồi lặng lẽ bên xe bột chiên của hai ông bà cụ già nua.

Xe bột chiên này vốn đã có mặt ở góc đường Phùng Khắc Khoan – Điện Biên Phủ (Quận 1) từ hơn 10 năm qua, là hàng ăn đêm quen thuộc của những tài xế xe ôm, xích lô ngày trước. Nhưng đến khi có sự xuất hiện của cậu bé Nguyễn Thanh Tuấn thì mọi người lại rủ nhau kéo đến ủng hộ nhiều hơn

bot-chien-1

Xe bột chiên quen thuộc của người Sài Gòn ở góc đường Phùng Khắc Khoan và Điện Biên Phủ.

Nếu như những đứa trẻ đều vì tình yêu mà được sinh ra, thì Tuấn lại là một đứa bé đáng thương khi em bị chính cha ruột và họ hàng bên nội chối bỏ, mẹ Tuấn vì không chịu được cảnh nuôi con một mình nên cũng đã bỏ mặc Tuấn cho ông bà ngoại nuôi khi em tròn 1 tuổi. Từ đó, hàng ngày Tuấn đều phải theo ông bà đi bán bột chiên đến tận 1,2h khuya để kiếm sống qua ngày.

bot-chien-2

Hình ảnh Tuấn cùng ông bà bán bột chiên đến tận khuya khiến nhiều người chạnh lòng.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa (63 tuổi, quê H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã từng rất vất vả để có thể vừa bán bột chiên phục vụ khách, vừa trông nom, cho cháu ngoại ăn uống. Ngày trước, bà còn không nghĩ đến việc sẽ cho Tuấn đi học vì kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên về sau khi mọi người biết được hoàn cảnh của hai ông bà và cháu Tuấn thì rất nhiều người đã đến ăn bột chiên để ủng hộ ông bà và cũng là để gửi tặng quần áo, sữa, và những đồ dùng cần thiết cho cả ba người. Tuấn được mọi người giúp đỡ các thủ tục để đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi trên đường Tú Xương, quận 3.

bot-chien-3

Sau 1 năm được đi học và chỉ phụ bán với ông bà vào 2 ngày cuối tuần, Tuấn đã mạnh dạn, lanh lợi hơn trước.

bot-chien-4

Những lúc khách vừa ăn xong, cậu bé lại bỏ chiếc xe đạp của mình sang một bên, lon ton lại bàn ăn để dọn bát đĩa phụ ông bà.

Tuấn đi học và ngủ tại Trung tâm bảo trợ từ thứ 2 đến thứ 6. Ngày thứ 7 và Chủ nhật thì ông bà phải đến đón bé về. Do vậy mà 2 ngày cuối tuần, Tuấn vẫn phải ra vỉa hè để cùng bán với ông bà. Những khi thấy cháu mệt, ông Nguyễn Quang Sắt – ông ngoại của Tuấn lại dẫn em về căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Phi Khanh để tắm rửa, cho cháu ăn uống nghỉ mệt. Nhưng sợ bà một mình loay hoay không xuể nên khi đông khách thì ông lại ẵm Tuấn, lội bộ mấy cây số trở ra chỗ bán để phụ bà.

bot-chien-5

Có khi ế khách, hai ông bà và Tuấn phải đứng bán đến gần 2h sáng cho hết bột rồi mới về.

bot-chien-6

Góc nghỉ ngơi của ba ông bà cháu ở ngã ba đường.

Bà Hoa tâm sự rằng, Tuấn bây giờ đã lớn và cũng đã hiểu được đứa trẻ nào cũng phải có ba, có mẹ. Nhưng khi Tuấn hỏi ba đâu, ông bà lạnh lùng trả lời rằng ba con… chết rồi, mặc dù ông bà biết rằng ba Tuấn vẫn còn đâu đó nhưng người đàn ông ấy đã quên mất mình từng có một đứa con trai, thì cũng xem như đã chết. Vậy là Tuấn tin tuyệt đối. Ngày trước Tuấn cũng hay hỏi sao mẹ không quay về với con nữa, nhưng giờ em không còn hỏi nữa.

Bà Hoa nói: “Nó nhỏ vậy mà nó biết giận đó, nó nói mẹ không về thì con không thèm luôn, con có cô giáo, có ông bà là đủ rồi. Nghĩ mà thương, không biết chúng tôi còn sống được bao lâu để lo cho nó nữa không. Cũng may được mọi người giúp đỡ cho cháu có cái ăn, cái mặc, cho cháu được đi học. Chỉ hy vọng hai ông bà già này còn sống được đến lúc nó trưởng thành, nên người, không phải lang thang như thế này nữa”.

bot-chien-7

Hai ông bà có đến ba người con nhưng không nhờ vả được ai, phải tự mưu sinh kiếm tiền nuôi đứa cháu trai.

bot-chien-8

Bậc thềm trước một cửa hàng thú bông ở góc đường này là chiếc giường để em ngả lưng uống sữa.

bot-chien-9

Tuấn còn quá nhỏ để ý thức được hoàn cảnh của mình. Giờ đây em chỉ biết có 2 ngày cuối tuần bên ông bà thật vui và những ngày còn lại là để học ở trường.

Điều ông Sắt và bà Hoa mong mỏi nhất bây giờ là mẹ của Tuấn chịu quay về để phụ ông bà nuôi con. “Sau này nó lớn, tiền ăn học còn bao nhiêu cái phải lo, mà biết được lúc đó mình còn sống không?…”, bà Hoa nghẹn ngào nói.

Nguồn: http://saigonplus.net/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: