“Cô đào” chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam – Kỳ 2: Chích đại silicon thập niên 80


Chưa bao giờ ‘cô đào’ quên cái lần đầu mặc đồ con gái, trát phấn tô son và nhìn mình trong gương. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, bà thấy mình hạnh phúc. Giọng bà yếu ớt, ngắt quãng, nhưng nghe vẫn còn bùi tai lắm! Rồi chắc nhớ một thời, nên nước mắt bà rơi…

Cuộc sống thật đến “trần trụi” của cô gái chuyển giới ở Sài Gòn

Cộng đồng LGBT Sài Gòn ‘ăn mừng’ được thừa nhận quyền chuyển giới tính

“Cô đào” chuyển giới Trang Kim Sa chưa từng quên những tháng năm thăng trầm của cuộc đời mìnhẢnh: Hoài Nhân

“Cô đào” chuyển giới Trang Kim Sa chưa từng quên những tháng năm thăng trầm của cuộc đời mìnhẢnh: Hoài Nhân

“Con số gì ra, con số gì ra… Cờ ra con mấy, con mấy gì ra… Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài, tình bạn lâu dài trăng thu mà sáng tỏ… Nhưng Lương Sơn Bá có ngờ đâu rằng, Chúc Anh Đài là gái giả trai. Nguyên con số 2, nguyên con số 2. Rồi con số gì đây…”, Kim Sa cao hứng cất lên vài câu kêu cờ ngày xưa.

Giọng bà yếu ớt, ngắt quãng, nhưng nghe vẫn còn bùi tai lắm! Rồi chắc nhớ một thời, nên nước mắt bà rơi…

“Mình không được là mình, cũng có xem là sống đâu”

Ngày còn ở các đoàn hát lớn, giọng hát Nhật Huy (nghệ danh ban đầu của Trang Kim Sa) đã được nhiều người yêu mến.

Đó là cái thời xưa của thế kỷ trước khi Trang Kim Sa mới 36 tuổi (1979). “Cát-sê ở các đoàn này cao lắm, lưu diễn nhiều nơi vì nhiều ca sĩ có tiếng mà. Lúc đó, các đoàn hát lớn không chấp nhận việc giả gái để biểu diễn. Nên dù có bao nhiêu bạc tiền đi nữa mà mình không được là mình, cũng có xem là sống đâu”, Kim Sa chia sẻ lý do bà rời đoàn hát lớn sang các gánh lô tô.

Kim Sa bắt đầu nuôi tóc dài, chăm chút cơ thể và mua về những bộ đồ con gái thướt tha. Bà nhớ hoài cái lần đầu trát phấn tô son và nhìn thấy mình trong gương, bà đã khóc. Lần đầu tiên trong cuộc đời, Trang Kim Sa thấy mình hạnh phúc dù những giọt nước mắt đang rơi.

“Lần đầu diễn chưa quen, tôi hơi lúng túng, lại quên lời nên khán giả cười rần. Nhưng không sao, cái cười đó chứng tỏ họ thấy mình đã là con gái”, Kim Sa kể về những đêm hát đầu tiên.

Bà cho biết, trò lô tô đã ra đời trước đó rất lâu, nhưng chỉ dưới hình thức gõ song loan để kêu cờ. Các nhóm nhỏ lẻ ban đầu chỉ loanh quanh chơi nơi làng xóm, gia đình với nhau. Còn các đoàn hội chợ chỉ mở vào dịp Tết với trò chơi có thưởng lớn nhất là đuổi bọ cùng các trò thông thường khác. Về sau, lô tô mới được đưa vào các đoàn hội chợ này và nhanh chóng trở thành trò chơi hấp dẫn mọi người.

“Một sân khấu hội chợ không chỉ có lô tô mà còn có phụ diễn ca nhạc, xiếc, ảo thuật, hài… nên cũng có nhiều người khác, nhưng nhiều nhất vẫn là pê-đê chúng tôi. Cũng không hiểu vì sao, có lẽ khán giả nhìn chúng tôi khác người, họ sẽ thấy vui mắt hơn”, bà Sa vừa nói vừa cười, hơi chua xót.

Kêu lô tô xưa cũng chưa có lồng cầu, chỉ bốc cờ bằng tay như bình thường. Mỗi con cờ bốc ra, người ca sĩ phải hát một hoặc vài câu hát, sao cho chữ cuối phải vần với số con cờ. Vậy nên theo nghề này, mỗi người như bà Sa phải tự “lận lưng” hàng trăm bài hát cho các con cờ từ 1 đến 99.

“Hát riết quen thôi! Cũng có khi quên chứ, mà quên thì cứ “phăng” đại cái gì đó, như ra con 33 thì mình la lên: ‘Cờ ra con mấy, con mấy gì ra. Ô kìa con ma, con số 33 là con số 33’. Cũng coi như chọc cười cho khán giả”, bà Sa kể về một kinh nghiệm làm nghề.

Trang Kim Sa (đứng nép phía sau người ngoài cùng bên phải) cùng một số bạn bè đồng giới khác. Ảnh: NVCC

Trang Kim Sa (đứng nép phía sau người ngoài cùng bên phải) cùng một số bạn bè đồng giới khác. Ảnh: NVCC

Bơm đại vô, một là sống, hai là chết’

Hát được một thời gian, đến 1983 theo chân nhiều đoàn như Mây Xanh, Thanh Tuyền, Tố Quyên,… Trang Kim Sa quen được rất nhiều người đồng giới khác.

Nhiều trong số đó sinh sống ở nước ngoài và họ bắt đầu truyền tai nhau về những cuộc chuyển giới trong cộng đồng người đồng tính.

“Ai trong chúng tôi mà không khao khát có cơ thể của con gái. Vậy nên khi được bạn bè chuyển silicon từ nước ngoài về, chị em chúng tôi tự “làm” cho nhau hết. Có học cái gì đâu, chỉ có cái liều. Cứ mua kim về bơm đại vô, ngực rồi mông, rồi môi, má. Một là được sống đúng, hai là chết”, bà Sa nói nhẹ như không.

Đến đây, giọng bà mới nghẹn lại: “Rồi chết, chết nhiều chứ. Chắc cũng… 20 chị em, kẻ đi trước, kẻ đi sau. Có người sốc thuốc chết ngay, có người vì xuống sức chết, cũng có người vì “ham to” mà chết. Tôi cũng thấy mệt, lâu lâu khó thở, sau đó đi khám thì thấy silicon đã chạy khắp người. May mà trời thương chưa bắt chầu Diêm Vương”.

Bà Sa lại sửa mũi, xăm chân mày. Bà cười kể: “Đi làm tóc gặp mấy đứa bạn, cũng mới vô nghề xăm thôi. Qua thấy chúng nó còn tập xăm trên da heo luộc chín, vậy mà cũng gan nằm cho nó làm. Trong đầu lúc đó chỉ có hình ảnh mình khi thành con gái đẹp, chứ chẳng có gì khác”.

Chính thức từ “bóng kín” sang “bóng lộ”, Trang Kim Sa hóa mình thành một “cô đào” thướt tha, cùng với giọng ca làm say lòng bao khán giả.

Cái tên Trang Kim Sa có mặt khắp nơi, từ các tỉnh miền Tây cho đến Tây Ninh, Nha Trang, ngược ra tận Sơn La, Điện Biên, Bắc Ninh, Mù Cang Chải (Yên Bái),…

Cho đến khoảng năm 2000 được xem là thời kì “hoàng kim” của các đêm hội lô tô, Kim Sa vẫn như một “bà hoàng” luôn “cháy” hết mình dưới ánh đèn sân khấu, dù đã đi gần 60 năm cuộc đời.

“Mình hát, mình hạnh phúc, nên cứ hát. Chứ cái nghề rày đây mai đó này bao giờ giàu nổi. Một đêm được đâu 2 – 3 trăm nghìn, có đêm vài chục, có đêm ế khách thì coi như thôi, lỗ cả phấn son, chứ chủ cũng có tiền đâu trả. Nhiều đêm dọn đâu ra đó, nhạc vừa lên thì mưa tầm tã, chị em đành nằm dài chờ thời”, bà Sa xua tay, nói mà thở dài.

Nhưng những thăng trầm của phận đời “bóng gió” như Trang Kim Sa, đâu chỉ dừng lại ở đó…

 

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: