Gánh xôi nửa thế kỷ ở góc đường Sài Gòn


Nuôi con lớn lên bằng gánh xôi, khi về già cũng phải nhờ xôi. Ông Lê Thành Hòa và bà Trần Thị Ảnh đã hơn 40 năm bán đồ ăn sáng mưu sinh và lo cho con ăn học ở góc đường Sài Gòn.

Những gánh xôi xuyên thế kỷ ở Sài Gòn

Xôi của Sài Gòn có gì đặc biệt

 

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 1

40 NĂM NGỒI MỘT GÓC ĐƯỜNG

Người dân quận 1, TP.HCM quen với ngã tư Mạc Thị Bưởi – Hai Bà Trưng, nơi có một ông lão lụ khụ, tóc bạc trắng, ngày ngày ngồi bán xôi cho khách kiếm sống. Ông là Lê Thành Hòa (81 tuổi) đang dùng chút sức ít ỏi cuối đời của mình để nuôi người vợ bệnh tật mà không thể nhờ được con cái.

Vợ ông là bà Trần Thị Ảnh (73 tuổi) cũng phải sống cuộc đời không sung sướng gì kể từ khi lấy chồng và chọn gánh xôi mưu sinh. 40 năm qua, bà Ảnh bán xôi, ông Hòa phụ vợ nấu và chở ra chỗ bán. Hồi trai trẻ khỏe, ông Hòa từng làm nghề chở đá thuê cho các nhà hàng, quán giải khát quanh vùng. Hai vợ chồng chắt bóp làm ăn nuôi được đàn con khôn lớn.

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 2

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 3

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 4

Hai ông bà có với nhau 10 người con. Tất cả họ đã lập gia đình, ở riêng nhưng ai cũng nghèo. “Nó nuôi thân nó còn không nổi thì sao chăm lo được cho mình”, bà Ảnh than thở. Bà bảo các con của hai người đều làm lao động phổ thông hoặc bán hàng rong nên thu nhập bấp bênh.

Mấy năm gần đây bà Ảnh mắc bệnh tiểu đường, tim mạch… không thể tiếp tục công việc bán xôi. Vậy là, ngày ngày ông Hòa bưng xôi ra góc đường bán kiếm tiền thuốc thang chạy chữa cho vợ. Ngày nào bán đắt ông kiếm được hơn trăm ngàn, bữa vắng cũng thu được chừng vài chục ngàn. Thuốc men cũng chỉ cầm chừng cho tuổi già của bà ngày càng yếu.

Ông kể có khi người ta thương tình mua hết xôi làm từ thiện, có khi khách mua gói xôi 10.000 đồng thấy ông già cả tội tội lại cho thêm 5.000 đồng, 10.000 đồng. “Những hôm đó thì khỏe, bán nhanh. Chỉ sợ gặp khách nặng vía bán đến xế chiều cũng không hết”, ông Hòa tâm sự.

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 5

TẤT BẬT TỐI NGÀY

Chưa có hôm nào ông Hòa ngủ trước 2h sáng, bởi chỉ để thức canh nồi xôi vừa nấu, đãi bắp, xới đỗ… Ông kể có hôm làm việc cả ngày mệt quá, thức canh xôi mà ngủ quên để lửa cháy thủng đáy nồi. Lúc đó ông vừa không bán được gì lại mất tiền mua nồi mới. Và cứ đến 5h, ông phải dậy sớm sau giấc ngủ chỉ chừng 3 tiếng, sửa soạn đồ đạc và đem ra góc phố bán đến trưa mới về.

Chia sẻ với phóng viên, ông giải thích về cái tên Thành Hòa của mình: Thành là thành tâm, Hòa là hòa hợp. “Thành tâm làm ăn, gia đình hòa hợp, vậy là phước đức lắm rồi”, ông cười.

Vừa xới nồi nếp thơm lừng lên nhà, ngồi thụp xuống chiếc ghế nhỏ ông kể về những ngày sinh đàn con nheo nhóc. “Hồi đó đâu có biết, nghĩ trời sinh voi sinh cỏ nên mới đẻ nhiều, hết đứa này đến đứa kia, đâu biết khổ dữ vậy”, ông cười khà khà. Bà Ảnh ngồi cạnh đó nói với: “Ôi, hồi đó nuôi nổi chứ giờ không nuôi nổi đâu. Mấy đứa con sinh vài cháu mà giờ còn than trời”.

Ông kể hồi đó có nhiều con rất vui. Nhưng khổ nhất là lúc chúng đổ bệnh cùng lúc, phải chạy chữa. Lúc nghèo túng ông cầm cố luôn cả quần áo để lo trị bệnh cho con. Cầm xong không có tiền chuộc, ông phải bỏ luôn, chỉ mặc quần áo cũ chắp vá.

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 6

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 7

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 8

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 9

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 10

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 11

Những gánh xôi lần lượt nuôi lớn đàn con. Những đứa trẻ dần trưởng thành nhưng những người con sau này cũng túng quẫn như đời ông bà, quẩn quanh trong nghèo khó chỉ lo được thân mình. Tự thân ông bà tảo tần nương tựa nhau lúc tuổi già, sức yếu.

Bà Nguyễn Thị Bảy cách nhà hai ông bà lối đi thấy gia cảnh hai người nghèo khổ cũng hay lui tới giúp đỡ. “Hai vợ chồng già, nghèo khó mà lại đau yếu không ai giúp đỡ. Mình nghĩ cảnh thương tình mà mình cũng nghèo đâu giúp được gì nhiều hơn”, bà Bảy tâm sự.

Xem ông bà như cha mẹ mình, anh Võ Văn Cường, nhân viên bảo vệ quán cà phê gần góc đường Mạc Thị Bưởi – Hai Bà Trưng đã ưu tiên “mặt tiền” để ông làm ăn thuận lợi. Anh Cường làm bảo vệ từ hồi bà Ảnh còn cặm cụi từng gói nếp than, nếp cẩm đến khi ông Hòa ngồi bán. Ngoài việc chính giữ xe, đón khách, anh Cường rảnh rỗi cũng phụ ông bán xôi. Anh bảo xôi ông rất ngon mà rẻ nên người ta ăn nhiều.

50 NĂM TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 12

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 13

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 14

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 15

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 16

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 17

“Cha mẹ đặt đâu thì mình ngồi đó, chứ không có yêu thương như tụi nhỏ bây giờ”, ông cười. Ông ăn chay, bà ăn mặn vậy mà cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt suốt mấy chục năm qua. Trong căn nhà chật hẹp, đi đâu cũng đụng đầu vậy mà không ngớt tiếng cười nói thì thào của hai ông bà.

Ông ngoài 80 tóc bạc trắng, bà tuổi 73 tóc còn xanh. Cả hai vẫn lạc quan, vui vẻ. Hỏi bà có bao giờ giận hờn ông không? Bà xua tay: “Ôi, làm cực gần chết hơi đâu mà giận ổng”. Ông cười: “Hồi đó tui phong độ lắm à, bà mê lắm”.

Những hôm bà bệnh nặng phải nhập viện ông phải tần tảo vừa bán xôi vừa chạy vào viện chăm sóc, lo thuốc men, viện phí…Trong câu chuyện ông bỗng ngậm ngùi: “Hôm bữa tưởng bà đi rồi đó. Tôi ăn chay, cầu trời, phật phù hộ, may bà qua được. Mừng hết sức vậy đó”.

Giữa đêm Sài Gòn tháng 10 lất phất mưa. Trong căn nhà lụp xụp ở góc hẻm vẫn le lói đóm lửa hồng cùng mùi thơm tỏa ra từ nồi xôi. Đốm lửa làm ấm nồng tình thương của đôi vợ chồng già suốt nửa thế kỷ qua.

Ganh xoi nua the ky o goc duong Sai Gon - Anh 18

Theo Zing


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: