Tiệm sách miễn phí hơn 10 năm giữa lòng Sài Gòn: Không đặt cọc không ghi sổ, muốn trả hay lấy luôn cũng chẳng sao


“Chú chẳng sợ mất ngược lại còn mừng, sách mà, người ta có lấy thì cũng là để truyền giao cho nhiều người khác, càng nhiều người được tiếp cận thì xã hội càng tốt đẹp hơn”, chú Nguyễn Ngọc Cần – chủ tiệm sách miễn phí chia sẻ.

Nghề đọc truyện và cho thuê sách ở Sài Gòn

Người Sài thành đến thuê sách miễn phí, được “khuyến mãi” thêm cà phê

Hơn 10 năm nay, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời ven đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là tiệm sách nhỏ của chú Nguyễn Ngọc Cần (66 tuổi). Mỗi buổi chiều đến, bên bàn trà bé xinh là không gian ấm áp, thi thoảng lại vang lên đôi ba câu đàm đạo của những vị khách và chất giọng khàn đặc của chủ tiệm. Tất cả mọi người đến đây đều chung một niềm say mê sách cùng sự quý trọng người chủ tiệm hào sảng.

Bước vào tiệm sách, thoạt đầu nhiều người sẽ không khỏi trầm trồ bởi  kho tàng sách đồ sộ hơn 10 ngàn cuốn với đủ thể loại được sắp xếp ngăn nắp, phân chia từng thể loại cụ thể. Mặc dù có diện tích khá nhỏ nhưng với việc tận dụng tất cả các không gian như cần thang, góc lầu, thậm chí là chỗ ngủ được chú Cần sắp xếp một cách khéo léo để chứa sách. Tiệm sách kỳ lạ với tiêu chí 3 không: Không đặt cọc, không ghi sổ, không bắt buộc trả lại cứ thế tiếp đón biết bao thế hệ đam mê con chữ.

Chú Nguyễn Ngọc Cần (66 tuổi), chủ tiệm sách miễn phí

Tiệm sách nhỏ nằm ở số 22 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 19, quận bình Thạnh).

“Lúc nhỏ nghèo, toàn phải đi vô nhà sách đọc trộm nên chú luôn có khao khát mở một tiệm sách miễn phí cho những người thèm đọc”

Sinh ra tại mảnh đất Long An nhưng tuổi thơ của chú Cần lại dành trọn vẹn cho Sài Gòn. Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn khiến chú không có điều kiện được đọc nhiều sách. “Hồi xưa nhà chú nghèo lắm, đâu có tiền mua sách,  chú ham quá nên chỉ biết ra nhà sách đọc trộm. Nhiều khi dành dụm bao lâu mới được ít tiền lại mua nhầm cuốn không vừa ý cũng chẳng thể đổi lại được“, chú Cần nhớ lại. Sự ham tìm tòi, mong muốn khám phá thế giới từ những trang sách khiến chú Cần luôn khao khát có một tiệm sách cho riêng mình để giúp đỡ những người có cùng đam mê.

“Chính bản thân chú ngộ ra một điều, càng đọc sách nhiều, hiểu biết của mình ngày càng được nâng cao, cách nhìn nhận vấn đề cũng thay đổi giúp cuộc sống của chú tốt hơn rất nhiều. Vậy thì tại sao khi có điều kiện, mình lại không thử làm gì để mọi người cùng tiếp cận sách để trở nên tốt đẹp hơn“, chú Cần cho biết. Đó cũng chính là lý do khiến chú sẵn lòng làm một tiệm sách miễn phí ở vị trí mặt bằng đắt đỏ ngay tuyến đường trung tâm Sài Gòn thay vì buôn bán hoặc cho thuê kiếm tiền.

Tự tìm mua những cuốn sách chất lượng nhất để phục vụ lợi ích cồng đồng, nếu ai muốn mua sẽ được bán với giá rẻ hơn so với giá niêm yết

Ngôi nhà được ba mẹ để lại ở số 22 Nguyễn Hữu Cảnh được chú Cần dành một phần làm tiệm sách để thỏa mong ước giúp đời, phần còn lại được chú cho thuê mặt bằng để lấy tiền trang trải việc mua sách. “Nhiều người bảo chú bị khùng hay đại gia gì thì mới đi mở tiệm sách miễn phí như vậy, chú chỉ biết cười. Mặt bằng thì mình không tốn tiền thuê, không thuế thu gì nên cũng chẳng phải lo lắng. Đại gia thì lại càng không, bao nhiêu tiền cho thuê mặt bằng bên cạnh chú đều dồn cả vào mua sách. Miễn giúp được đời là vui.“, chú Cần tâm sự.

Cứ thế, suốt 10 năm ròng, sáng chú Cần đi tìm mua sách ở các nơi sau đó vận chuyển về tiệm và bắt đầu phân loại, sắp xếp để phục vụ bạn đọc. 3 giờ chiều, chú bắt đầu mở cửa đón khách tới 10 giờ đêm. Những đầu sách trong tiệm đa số đều là sách mới được chú Cần chọn lọc kỹ càng vì mong muốn tất cả những cuốn sách đều mang lại lợi ích cho người đọc. Nhiều khách quen cảm phục nghĩa cử cao đẹp của chú Cần cũng mang sách đến tặng để góp vào kho sách giúp đời khiến các ngăn luôn đầy ắp sách. “Những khi sách nhiều quá không có chỗ để, chú sẽ lọc bớt ra những cuốn thích hợp và mang tặng ở các vùng sâu vùng xa khó khăn. Trẻ em và người dân ở những nơi đó thiếu sách và rất cần được trang bị kiến thức, giúp được bao nhiêu chú sẵn lòng“, chú Cần chia sẻ.

Những kệ sách được chú Cần cẩn thận sắp xếp theo từng loại riêng biệt và chú thích tên để khách dễ tìm đọc

Cả gia đình ở quận 4, chú Cần vẫn miệt mài dành cả tâm huyết cho tiệm sách, đến cả căn phòng ngủ cũng được tận dụng để chứa sách chỉ chưa lại một góc nhỏ vừa đủ nằm. Dù đôi ba ngày mới tranh thủ về thăm nhà một lần, thế nhưng, cả vợ và con đều không hề phản ứng một lời vì hiểu nghĩa cử cao đẹp và ước mong tuổi già của chú Cần.

Tiệm sách “3 không” và sự thay đổi biết bao số phận lầm lỡ

– Chú ơi, con lấy 4 quyển này. Hết bao nhiêu tiền chú cho con gửi!

– Mang về mà đọc, tiền nong gì con ơi.

– Dạ, vậy hạn trả sách là chừng nào vậy chú?

– Chèn, nào đọc xong sẵn ghé qua thì trả chú. Bây muốn trả hồi nào cũng được, không có quy định thời gian.

Một vị khách quen nói thêm, “Ở đây cứ lấy sách về mà đọc, nếu cảm thấy không thích thì mang ra đổi cuốn khác, còn mà thích quá muốn giữ lại làm kỷ niệm thì sang đây trả tiền, không cần đặt cọc hay thủ tục rườm rà gì đâu“.

“Chú không biết có ai lấy sách luôn hay không vì thực tâm chú không quan trọng chuyện đó, học có lấy thì cũng để lan truyền nhiều người đọc hơn thì tốt thôi”

Đúng vậy, suốt 10 năm, chú Cần chẳng nề hà chuyện ai lấy sách, lấy bao nhiêu sách, hay có ai đó lấy luôn không. “Có người mua về đọc xong mang ra trả lấy tiền lại chú vẫn vui vẻ. Không sao cả, chú chẳng bao giờ bận tâm xem ai lấy luôn hay không. Chú nghĩ thế này, con người sống mà thiếu hiểu biết thì tội cho người ta, phiền cho xã hội, nên lấy gì lấy, lấy sách chú càng mừng. Vì nó lại càng được lan truyền đến nhiều người, giúp ích được nhiều người trang bị kiến thức“, chú Cần chia sẻ.

Trước đây, phần lớn khách tới tiệm sách là thế hệ trung niên, những người lao động bình dân có đam mê con chữ. Tuy nhiên, càng về sau này, tiệm sách lại chào đón rất nhiều các bạn trẻ tìm đến (chiếm hơn 70%) đặc biệt đông vào những ngày cuối tuần. Chú Cần tâm sự: “Hiện nay thiết bị công nghệ hầu như chiếm hết thời gian của thể hệ trẻ, văn hóa đọc thì ngày càng đi xuống. Nên việc ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến tiệm chú là một dấu hiệu đáng mừng, hi vọng giới trẻ sẽ phục hồi dần niềm đam mê đọc sách”

Mở cửa từ 3 giờ chiều và đóng cửa vào lúc 10 giờ tối, không lúc nào tiệm sách của chú Cần vắng khách

Mười năm mở tiệm sách là mười năm chú Cần tiếp xúc, gặp gỡ không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận. Bằng tất cả sự nhân ái, gần gũi cùng vốn sống dày dặn, chú Cần đã giúp đỡ biết bao số phận lạc đường. “Thanh niên chán đời muốn tự tử, rồi có người thất tình, có người lại trục trặc chuyện gia đình, bế tắc trong công việc,… nhiều trường hợp oái oăm lắm. Họ đi lang thang vô tình ghé tiệm sách chú, thấy chú thân thiện cởi mở nên trải lòng. Sau đó chú ngồi phân tích, đề ra hướng giải quyết rồi động viên để họ tự tư duy tìm lẽ sống. Nhiều người sau đó quay lại cảm ơn, chú mừng lắm vì cũng góp phần giúp họ sống tốt hơn.”, chú Cần tâm sự. Qua bao năm, tiệm sách chú Cần không những mang lại kiến thức mà còn là nơi để người ta tìm đến lúc đường cùng để tìm cho mình  một hướng đi đúng đắn.

Đồng thời, luôn quan niệm “học không bao giờ là đủ, học nữa, học mãi”, chú Cần tâm đắc học hỏi cả những người đến đọc sách vì “mỗi người đều để lại một dấu ấn riêng, một cái hay riêng đáng để ta học”.

Ở độ tuổi đã trạc thất tuần, cuộc sống của chú Cần vẫn luôn vui vẻ lạc quan với nghĩa cử cao đẹp giúp đời, “Nhiều người quý mến hay chạy sang giúp chú việc vặt, cần gì mọi người sẽ chạy đến giúp đỡ ngay. Bà con hàng xóm hay khách tới cũng thường biếu quà bánh, trái cây, đặc sản dưới quê, chú chia mọi người ăn cùng cho vui. Vậy thôi, sống vậy chú vui lắm rồi!”, chú Cần chia sẻ.

Thế đấy, con người Sài Gòn sao mà hào sảng, mà dễ thương đến lạ!

 Theo saostar


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: