Những con đường nổi tiếng Sài Gòn mang tên người bình dân


Sài Gòn không chỉ có những con đường mang tên danh nhân. Những con người bình dị, những bà bán hàng tưởng như không ai nhớ mặt cũng trở thành tên đường nổi tiếng ở Sài Gòn.

Tên đường Sài Gòn, xưa giờ sao không biết?

Xe Lam trên đường phố Sài Gòn xưa

Sài Gòn có những con đường được đặt tên theo người bán hàng trên một góc đường hay xóm nhỏ. Họ đến đó mở quán trước khi đường chưa có tên, lâu dần, tên người bán quán thành tên địa danh.

Đường mang tên bà bán quán

Ở quận 10 có đường Bà Hạt, còn đường Bà Ký, Bà Lài ở quận 6, đường Bà Hom ở quận Bình Tân. Không ai biết họ đến từ đâu, mất thời điểm nào, chỉ biết có những cái tên đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước.

Những người sinh sống ở đường Bà Lài chỉ biết đường được đặt tên theo một người đàn bà có tên như vậy. Đường này chính thức mang tên Bà Lài từ năm 1955.

Cái tên đường Bà Lài có một số phận kỳ lạ và thú vị không phải ai cũng biết. Ảnh: Hải An.

Cái tên đường Bà Lài có một số phận kỳ lạ và thú vị không phải ai cũng biết. Ảnh: Hải An.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Bà Lài vốn là tên của một người phụ nữ sống ở ngoại ô Chợ Lớn xưa. Bà mở một quán hàng ở vùng quận 5. Khi người Pháp lập thành phố Chợ Lớn, đường chạy qua quán được lấy theo tên bà. Tuy nhiên, khi bà dời xuống quận 6 buôn bán, người ta chuyển tên đường Bà Lài từ quận 5 xuống quận 6 cho phù hợp với thực tế.

Trên con đường Bà Lài ngày nay, những hàng quán bình dân vẫn mọc lên, con đường như “nuôi” những hàng quán và quán xá như “thổi hồn” vào con đường mang tên của một người đàn bà bình dị. Ở đó, có một quán bánh canh nhỏ của chị Thu, nằm dưới gốc cây ngay góc đường Lò Gốm – Bà Lài hơn chục năm nay.  Ở đó, dọc trên đường Bà Lài, bao thân phận nghèo khó vẫn đang được bảo bọc giữa Sài Gòn nhộn nhịp, đó là người bán đồng nát, người dọn nhà thuê hay người nhặt rác.

Chị Thu kể, mỗi ngày quán bánh canh của chị bán được khoảng 30 tô, với giá 15 nghìn/tô. “Cũng chẳng lời gì nhiều vì bán rẻ. Nhưng người ta cũng chỉ có nhiêu đó tiền để ăn nên chỉ có giá đó thôi. Mà xung quanh đây cũng chỉ có nhiêu người à”, chị Thu cười nói.

Có người nói đùa với chị: “Thôi ráng bán thêm chục năm nữa, biết đâu lại được người đời đặt cho tên đường Bà Thu, giống Bà Lài xưa”. Chị cười hiền: “Chỉ mong vài năm nữa có đủ vốn, chuyển sang nghề khác làm cho đỡ cực. Còn có thời gian chăm chồng chăm con”.

Trăm năm không đổi

Sau nhiều lần đổi tên đường từ thời Pháp, Việt Nam cộng hoà đến chính quyền mới sau 1975, tên đường Sài Gòn có nhiều biến đổi. Tên của các danh nhân được thay thế. Duy chỉ có tên đường của những người Sài Gòn bình dân không hề đổi.

Đường Bà Hạt ngày nay. Ảnh: Hải An. 

Đường Bà Hạt ngày nay. Ảnh: Hải An.

Đường Bà Hạt (quận 10) bắt đầu từ đường Ngô Gia Tự đến đường Nguyễn Lâm, dài khoảng 1.400 m. Đường bắt đầu mang tên Bà Hạt từ thời Pháp đến nay.

Cuốn Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh có ghi: “Theo ông Kha Văn Dưỡng, Quận trưởng quận 4 thời Đệ nhất Cộng hoà và truyền văn được ông Thuần Phong thuật lại trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn chỉ nam thì xưa kia, trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, có một bà già tục danh là bà Hạt mở quán buôn bán ở đây”.

Dân chúng thường dùng tên “quán Bà Hạt” để chỉ cả vùng. Lâu ngày, tên Bà Hạt trở thành địa danh. Khi người Pháp chỉnh trang vùng Chợ Lớn, bèn lấy tên Bà Hạt đặt cho con đường chạy qua theo tên dân bản địa thường gọi.

Đường Bà Hom (quận Bình Tân) nối dài từ vòng xoay Phú Lâm về phía quốc lộ 1. Bà Hom không chỉ là một con đường mà là tên của cả một khu vực rộng lớn bao gồm cả cầu và chợ thuộc phường Tân Tạo. Từ sau năm 1954 dân cư tập trung đông, đường nông thôn trở thành đường phố, dân chúng quen gọi đường Bà Hom, sau này thành tên chính thức.

Bà Hom là tên của một vùng địa danh rộng lớn bao gồm đường, cầu, chợ. Ảnh: Hải An. 

Bà Hom là tên của một vùng địa danh rộng lớn bao gồm đường, cầu, chợ. Ảnh: Hải An.

Bà Hom là địa danh cũ ở đất Phiên An, một trong năm ngũ trấn của trấn Gia Định từ năm 1802. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Bà Hom có thể là tên của một người bán quán ở chợ xã Tân Tạo, nên ngôi chợ này cũng mang tên bà. Khi thành Gia Định bị quân Pháp chiếm năm 1859, các quan chức của phủ Tân Bình phải rút về đóng tại chợ Bà Hom.

Còn đường Bà Ký bắt đầu từ bến Phú Lâm đến đường Hồng Bàng, chỉ dài khoảng 250 m. Trước là đường mòn trong xóm, bắt đầu từ những năm 1950 đường được mở rộng và gọi là đường Bà Ký cho đến ngày nay.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Bà Ký có thể là tục danh của một bà có tên là Ký hoặc chồng bà làm thư ký. Bà mở quán bán hàng trên con đường này. Thời đó, vùng này lưa thưa nhà, chưa thành xóm nên chưa có tên. Người dân quen lấy tên quán của bà để gọi xóm.

Lúc đầu người ta gọi tên đầy đủ là “xóm quán Bà Ký” sau dần bỏ chữ quán, chỉ còn xóm Bà Ký. Khi con đường được mở rộng, người ta đặt luôn tên đường Bà Ký.

Đường Nguyễn Văn Mai (quận 3) cũng có một lai lịch thú vị không kém. Đây vốn chỉ là con hẻm nhỏ thời Pháp, đến năm 1955 mới được mở rộng và đặt tên Nguyễn Văn Mai.

Theo lý giải của cuốn Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Mai chính là thầy giáo của những người tham gia hội đồng đặt tên đường của chính quyền Việt Nam cộng hoà. Nhà riêng của thầy giáo Nguyễn Văn Mai cũng nằm trên con hẻm này.

Theo new.zing.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: