49 ngày và im lặng


Tôi nghĩ, 49 ngày nhịn ăn thiền định của ông chủ café Trung Nguyên từ gần 5 năm trước hẳn sẽ không gây ồn ào đến thế, nếu diễn ra trong một xã hội tử tế. Cả cuộc ly hôn đình đám giữa đôi vợ chồng này cũng vậy.

Từ vụ ông bà chủ Trung Nguyên: Có nên kể chuyện chia tay trên mạng?

Cà phê bệt “chất” riêng của người Sài Gòn

Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ cà phê Trung Nguyên

Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ cà phê Trung Nguyên

Nhất là cho đến giờ này, vẫn chỉ một người trong cuộc mở miệng.          

Hơn 120 ngày, cô giáo dạy Toán lớp 11A1 ở Nhà Bè, Sài Gòn im lặng, im lặng tuyệt đối trên bục giảng. Cũng không nói chuyện. Chỉ viết bài giảng lên bảng. Viết. Đến hết giờ lại xách cặp ra ngoài. Mặc cho học trò khóc ròng…

Cô lý giải, vì cô có thông tin rằng học trò trong lớp này sẽ “ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra để…“đánh”!”. Bởi mấy năm trước cô từng bị dính kỷ luật khi có lời lẽ xúc phạm học sinh. Vậy mà suốt cả học kỳ cô giáo tịnh khẩu trên lớp, nhà trường cũng không hề hay biết!

Cô giỏi chuyên môn, nghe nói vậy. Nhưng tôi “phục” đến mức sợ hơn cả, đó là cá tính sắt đá. 

Vũ – chủ café Trung Nguyên càng là một cá tính. Nhiều người bảo rằng “điên”, “vĩ cuồng”. Không sai. Nhưng tôi lại nghĩ, với một xã hội không hề bình thường, như hiện nay, thì “điên” đôi khi lại là “tỉnh” nhất. Người bị “bệnh” lại là người khỏe khoắn nhất. Sự tỉnh táo, cường tráng bị vây bủa giữa bầy đàn trong dằn vặt, đớn đau.

Kỷ nguyên phi lý của những “kẻ xa lạ” như Albert Camus những năm đầu thế kỷ 20 đã/đang dội về.

Trong xã hội này, bây giờ, chưa cần nói đến cá tính sáng tạo, mà chỉ sống làm một người tốt, đúng với bản ngã và khát vọng riêng mình cũng không phải dễ dàng.

Nói như Nguyễn Huy Thiệp, việc trung thực đến mức “dám thổi sáo bằng xương sống” chính mình như trường hợp Maiacôpxki đã khiến ông trở nên vĩ đại, dẫu cho tài năng nghệ thuật của thi sĩ còn nhiều điều phải bàn. Con người đôi khi chỉ mong hướng đạt đến một ranh giới như vậy.

Ứng xử cực đoan của cô giáo nọ là khó thể chấp nhận. Như ai đó đã nói, thợ săn bóp cò vào con thú chỉ là để tiêu diệt nỗi hoang mang chính mình. Nhưng tại sao chúng ta không nhìn sâu vào đó bằng cái nhìn đồng cảm, để thấu nhận một sự thật rằng: Tất cả đã tới ngưỡng! Khi cô giáo quỳ, cô giáo “thiền”…, đó xuất phát từ ngưỡng tâm lý không thuộc về những ứng xử mang tính cá nhân, mà đã trở thành tín hiệu cảnh báo.

Rằng mọi hệ hình tư duy đã quá thay đổi cần phải lập tức đáp ứng. Không phải với cái cách nền giáo dục vẫn ứng xử với học trò vĩnh viễn như những “đứa trẻ” không bao giờ đủ lớn. Còn thầy cô phải “khuôn vàng thước ngọc”. Không phải với cái cách ngồi bàn soạn chính sách quản lý đối với người hành nghề mại dâm như với những “kẻ xa lạ” đến từ hành tinh khác.

“Người đi dây” Corrigan trong tiểu thuyết cùng tên của Column McCann chạy nhảy trên sợi dây căng giữa các tòa tháp. Mỗi chúng ta cũng đang là những kẻ đi trên dây đầy kiêu hãnh như vậy, vô hình và chằng chịt giăng mắc trong cõi nhân sinh. Mà không tự nhận ra. Để chỉ biết nhìn vào đám đông, góp thêm sự ồn ào, thô bạo…  

 Theo TPO 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: