Nhìn việc học ngày xưa ngẫm sự học thời nay


Xưa nay giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu của bất kỳ xã hội nào bởi nó liên quan trực tiếp đến con người, những nhân tố quyết định sự hình thành và phát triển của xã hội. Chính vì vậy, nhìn vào thực trạng nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là những ‘nỗi buồn Hà Giang’, ‘nỗi buồn Sơn La, chúng ta không khỏi xót xa bởi dường như những gì đẹp đẽ, tôn kính không còn nữa.

Bạn vượt qua nỗi buồn như thế nào?

Vì sao bạn cần suy nghĩ trước khi chia sẻ?

Trong những ngày ‘sóng gió’ của giáo dục Việt Nam, xin độc giả dành chút thời gian đọc lại câu chuyện về sự học ở trường làng ngày trước do ông cha ta kể như một cách để bình tâm nhìn lại những gì chúng ta phải đối diện trong xã hội hiện đại hôm nay.

Sự học ngày xưa (ảnh Infonet)

Sự học ngày xưa (ảnh Infonet)

Ta trước đây không có hương học nhưng làng nào cũng có năm ba trường học tư. Các trường học tư là của các thầy đồ thầy khóa và của các ông cử ông tú ngồi nhà mở ra, gọi là trường tư thục.

Làng nào không có người văn học thì nhà hào trưởng hoặc người có của mời một người ở xa để dạy cho con học, hoặc là các thầy đồ kiết phương xa tìm chỗ dạy trẻ nương thân cũng gọi là trường tư thục.

Trẻ trong làng độ bảy, tám tuổi giở lên, cha mẹ đã cho đến các trường ấy mà học. Thoạt mới học, ông thầy cho học tam tự kinh, tứ tự kinh… mỗi ngày năm ba câu, tập viết ván gỗ. Độ một vài tháng thì cho học một vài dòng chữ tập viết tô. Một năm giở lên mới học đến Dương tiết, Sử thượng hoặc học chính văn kinh, chuyện, tập viết phóng và cho tập làm câu đối bốn chữ, hạng ấy gọi là mông học.

Hai ba năm, viết thành chữ rồi, học đã biết suy nghĩ, thì cho học đến tứ thư ngũ kinh, sử Hán, sử Đường, cho tập làm câu đối bảy chữ, gọi là câu đối thơ, tám chín chữ gọi là câu đối phú. Dần dần cho tập làm bài đoạn, đoạn nhỏ văn sách, bấy giờ gọi là ấu học.

Năm sáu năm trở lên trẻ đứa nào có khiếu thông minh mới cho học đến làm thơ làm phú, làm kinh nghĩa, văn sách, và vẫn phải học kinh truyện sử, ôn đi ôn lại hai ba lần cho thuộc. Ít năm nữa thì cho rộng ra đến cổ văn, Đường thi, tính lý, chu lễ, bấy giờ mới gọi là hạng trung tập.

Trong làng có trường to gọi là trường các ông tú, ông cử, ông nghè thì mới dạy đến hạng trung tập, còn trường ông đồ, ông khóa thì chỉ dạy hạng ấu học mà thôi. Trẻ con nào học thêm thì phải đến trường trung tập mới học được.

Học trung tập đã khá thì đến trường đại tập. Trường đại tập là trường của quan Đốc học hoặc ở xa tỉnh thì học ở trường quan huấn quan giáo. Hoặc ở trong làng có trường của ông nghè ông cử mở ra thì cũng gọi là đại tập. Tập trường ấy phần giảng sách thì ít, mà phần tập làm văn chương thì nhiều. Tập ở đây giỏi rồi thì mới thi cử được.

Tập văn chương mỗi tháng có bốn kỳ cho học trò đem về nhà mà làm, hạn cho năm, sáu hôm thì đem nộp, gọi là văn thường kỳ. Mỗi tháng lại phải có hai kỳ học trò phải hội lại một chỗ, hoặc tại nhà ông thày hoặc tại nơi đình chùa, làm văn hạn cho trong một ngày phải xong, gọi là văn nhật khắc. Văn chương làm xong nộp để ông thầy chấm quyển, hễ văn nào hay nhất thì thầy phê ưu hạng, hay vừa thì thầy phê bình hạng, tầm thường thì phê thứ hạng, kém lắm thì phê liệt hạng, mỗi tháng cứ ngày mồng một ngày rằm thì học trò hội cả lại nhà ông thầy bình văn, nghĩa là trong các quyển văn học trò có quyển nào ưu bình thì thầy cho học trò ngâm nga cao tiếng lên, để cho ai nấy đều nghe mà bắt chước.

Mỗi năm có khoa thi thì học trò trong làng rủ nhau làm văn hội, mỗi tháng định mấy kỳ hội làm văn nhật khắc với nhau, rồi nhờ thầy chấm quyển hoặc nhờ người nào có danh giá chấm giùm. Quyển văn hội làm giả cách thi, cũng đóng dấu mặt dấu kiềm, dấu giáp phòng, dấu nhật trung, y như thế thức quyển thi. Văn nào hay cũng đem hội bình với nhau. Văn hội thường có treo giải thưởng, hễ ai ưu, bình thì được giải. Giải hoặc bằng giấy hoa tiên, hoặc bút mực v.v…

Các làng mộ văn học, cứ mỗi năm hội hết học trò trong làng khảo một kỳ, gọi là khảo tiến ích. Dân làng bầu cử một vài ông khoa mục, xét xem ai học giỏi, ai học kém, hễ ai giỏi thì dân có thưởng. Lại có nơi tuần phu đi tuần trong làng, hễ ai có con đi học mà không nghe tiếng học đêm thì dân làng bắt phạt. Các cách ấy đều có ý cổ võ cho người ta phải chăm việc học hành.

Ít lâu nay, xét ra cách học Hán tự của ta phần nhiều là hư văn, cải lương cách mới, đặt ra hương sư, tổng sư để thay cho các trường tư thục, thầy dạy phải có sư phạm, học trò phải theo quy trình mới, thì những tục cũ đã dần bỏ cả. Chỉ các nơi quê thôn xa, thỉnh thoảng vẫn còn ông đồ dạy tư, nhưng cũng cho trẻ con theo học tân thư, chớ không học như trước nữa.

Các trường tư thục của ta, tức như trường mông học, ấu học của các nước. Duy cách dạy của ta khi trước thì không có quy củ nào, trẻ mới học vỡ lòng đã dạy ngay những câu nghĩa lý viển vông, nào sách một chữ, ba chữ, nào sách bốn chữ, năm chữ, chỉ quý hồ cho trẻ dễ thuộc lòng, chứ không cốt gì cho trẻ luyện tập suy nghĩ, cha mẹ thì cũng thấy con thuộc lòng đọc được bài là hay, mà nhất là cho ông thầy dữ đòn mới là ông thầy chăm dạy, chứ thầy hay dở thế nào cũng không biết. Lớn lên ít tuổi, thì đã dần dần cho học văn chương, nào câu đối, nào thơ, nào phú, nào kinh nghiệm, nào tứ lục, nào văn sách, chỉ học những lối hư văn và học chuyện nước người, đến những chuyện nước nhà cùng những điều thực dụng thì không dạy đến.

Cách học của ta chẳng nói thì bây giờ ai cũng biết là trái phép sư phạm. Tự lúc nhỏ cho đến lúc lốn, chẳng qua chỉ học trong hai khoa là luân lý với văn chương. Mà luân lý thì lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép quá, làm cho người ta không thế theo được, văn chương thì cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường, Tống, ngồi xó nhà mà là những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn thực là ngồi cầu Đơ mà nói quân Mọc. Văn chương như thế thì vẽ sao cho được cái chân cảnh của tạo hóa mà cảm động được lòng người.

Ngoài khoa văn chương luân lý thì không còn khoa gì nữa, thể thao chẳng có, kỹ nghệ cũng không. Ai học rộng cho đến thiên văn địa lý, y khoa lý số một đôi chút đã cho là vạn sự xuất ư nho, mà rút lại thì chẳng nghề gì là học cho đến nơi đến chốn. Học thuật của ta hủ bại như thế, trách nào mà tri thức của ta chẳng mờ mịt, văn minh của ta chẳng kém xa các nước.

Gần đây nhà nước đã cải định học qui, lấy chữ quốc ngữ làm đầu sự dạy trẻ ta, các ông thầy thì phải đủ cách phạm mói được dạy, điều ấy thực là có ích cho dân ta lắm.

Than ôi! Học là để mở rộng trí khôn cho loài người mà chỗ hương thôn lại là gốc của xã hội. Cứ như lối học của ta thuở trước thì chẳng những là chậm đường tiến hóa cho dân, mà lại làm hại cho tính thông minh của người ta nữa. Vì nước ta cũng là một nước có sẵn tính thông minh dễ dạy, nghĩa lý dẫu cao xa đến đâu cũng có người hội được, kỹ nghệ dẫu khôn khó đến đâu cũng có người làm được. Giá thử dạy phải phép thì chẳng thiếu gì người thông minh tài trí, tưởng cũng có thể gây được tay triết học, tay bác vật, tay văn chương, tay kỹ xảo chẳng kém gì các nước là mấy.

Trích “Phan Kế Bính – Việt Nam phong tục”


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: