Gánh nặng mưu sinh trên chiếc bánh xèo


Có một món ăn mà khi nhắc đến người ta thường nghĩ ngay tới những gương mặt lam lũ. Bánh xèo miền Trung cho người ta cảm nhận được một món ăn tinh tế mà bình dân và cả sự cảm thương vì đằng sau những chiếc bánh ấy là gánh nặng mưu sinh nơi đất khách quê người.

Bánh xèo miền Trung chiếm được rất nhiều cảm tình của người thành phố vì sự hấp dẫn và đặc trưng vốn có của nó: Độ nóng giòn vừa phải, ăn lúc nóng với nhiều loại rau và nước mắm, giá cũng vừa phải – lúc đó chỉ có 1.000 đồng/cái. Bánh xèo miền Trung khác với bánh xèo miền Nam hay miền Tây. Nó nhỏ gọn trong một lòng khuôn nhỏ, không như bánh xèo miền Nam đổ trong một cái chảo khá lớn và bỏ đầy nhân.

ban-banh-xeo-1

Con trai cô Vân đang làm bánh trên đường Lê Đức Thọ

Bánh xèo của người miền Tây hoặc người Nam phải ăn với các loại lá chiết, bằng lăng, xoài non ngoài những loại rau thông thường như cải xanh, xà lách, diếp cá, rau húng… Bánh xèo miền Trung khi ăn có thể thêm vào khế chua, quả vả… Người ta nêu giả thuyết, cái tên bánh xèo có thể lấy từ tiếng “xèo… xèo” khi đổ bánh. Và khi đổ bánh người làm phải thật khéo léo từ cách pha bột, cho đến cách giữ lửa. Lửa càng lớn thì bánh càng giòn và càng đẹp. Chính vì thế mà để có được một chiếc bánh cho khéo là cả một nghệ thuật của người đổ bánh.

Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa vớt ra khỏi khuôn là phải đến ngay với người dùng. Tiếng “Xèo!… Xèo!” như cứ muốn “đánh” vào dạ dày thực khách khiến họ phải thấy cồn cào, không thể kiềm chế và chờ đợi thêm một giây phút nào nữa. Bánh xèo có cách ăn khá đặc trưng là phải dùng tay. Thực khách dùng tay bỏ các loại rau ăn kèm lên một miếng bánh tráng sau đó cho cả hoặc nửa cái bánh xèo lên rồi cuộn tròn tất cả lại chấm với nước nước mắm và thưởng thức tất cả các hương vị trong đó.

Vị ngọt của bột hòa chung vị ngọt của tép và vị béo của mỡ, cảm giác ngậy và ngán tức khắc lẫn vào vị the the, nhân nhẩn của cải bẹ xanh, vị thơm nồng của rau thơm. Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người thưởng thức. Có thể nói không gì khoái khẩu hơn khi được thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời.

Chỉ đơn giản trong một chiếc khuôn nhỏ đường kính khoảng 10 – 15 cm và hoàn thành trong một tiếng “xèo…” vậy lại chứa đựng toàn bộ sự tinh tế từ những hương vị đặc trưng trong cuộc sống mang lại cho người thưởng thức cảm thấy sự ấm nồng, ngọt ngào và đôi khi là cả chút đắng – cay – chua – chát. Chính vì thế mà nó đã được lựa chọn để trở thành một món ăn độc đáo đại diện cho những món ăn Việt trong cuộc bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị”.

Mang trong mình những hương vị mặn, ngọt, cay, đắng có khi nào những chiếc bánh xèo ấy như đang cố che giấu một nỗi niềm hay có thể là một số phận nào đó cũng có những cảm xúc như vậy chăng? Và đâu đó trong những quán bánh xèo, thấp thoáng nơi những con người lầm lũi pha bột, đổ từng chiếc bánh để bán cho thực khách là cả một đoạn trường đầy cơ cực và luôn muốn thoát khỏi số nghèo.

ban-banh-xeo-2

Len lỏi qua các con đường rộng lớn và sầm uất của TPHCM chúng tôi dừng lại quán bánh xèo Hải Vân nằm trên đường Lê Đức Thọ (Quận Gò Vấp). Giống như chúng tôi, có vài người dừng lại để mua bánh mang về, cũng có những người ghé vào ngổi để thưởng thức ngay tại chỗ. Quen cô chủ nên chúng tôi không ngần ngại bắt tay vào giúp cô phụ bán. Gương mặt của người phụ nữ gần bước qua tuổi 50 gần như đen sạm đi vì cái nắng Sài Gòn và cả những buổi chiều đứng bên lửa để đổ từng chiếc bánh bán cho khách.

Năm 2005, khi đứa con gái đầu của cô bước vào cổng trường Đại học, cô quyết định rời bỏ vùng quê nghèo Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) để lại người chồng và đàn con, cùng đứa con gái đầu bước vào thành phố xô bồ và phức tạp này tìm kế sinh nhai. Vốn cũng có quen nhiều người đi trước đang buôn bán trong này, được sự giúp đỡ cô đã tạo cho mình một mặt bằng nhỏ với 5 cái khuôn bé tí phía trước và bắt đầu cuộc mưu sinh. Hàng ngày, từ sáng sớm cô Vân phải đi chợ để lấy rau, rau phải tươi ngon, rồi nào là giá đỗ, thịt heo, tôm tép, và cả củi… Một mình cô tất bật chợ búa rồi về sửa soạn đâu vào đó, khi đứa con gái đi học về là cả hai mẹ con chở nhau đến điểm bán. Bán một cái bánh chỉ lời có vài trăm đồng, thế nhưng vì phía sau cô còn có cả một gia đình, một gánh nặng đang đè lên vai. Tần tảo, lam lũ, vất vả… Cứ chiều đến lại là hai mẹ con mang đồ ra để làm bánh, hết khách thì sương đêm cũng đã giăng đầy. Cứ thế mà hơn 5 năm trôi qua cô đã nuôi lớn và cho 3 đứa con của mình vào đại học, rồi lại gởi tiền về cho chồng và 2 đứa con nhỏ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Những tưởng đôi vai bé nhỏ ấy sẽ oằn đi theo năm tháng vì phải gánh cả một gánh nặng gia đình như thế, nhưng vì tình yêu, tình thương và trách nhiệm đối với con mà cô đã phải bươn chải không ngừng nghỉ, chịu đựng gió sương mà lo cho con từng bước trưởng thành. Cô kể: “Có những lúc trời mưa, làm củi ướt không đổ được bánh bán cho khách tự nhiên thấy tủi thân, nước mắt cứ chảy ra. Rồi có những lúc không có chỗ bán phải đi hỏi chỗ này chỗ nọ, chạy đôn chạy đáo để tìm cũng khá vất vả”.

Giờ thì có lẽ cô đã phần nào nhẹ gánh khi những đứa con của mình biết đỡ đần cho mẹ sau những giờ đến trường. Lâu lâu người ta lại nghe thấy tiếng thủ thỉ, cười đùa của bốn mẹ con sau một ngày kiếm tiền vất vả, nhọc nhằn trong khu nhà trọ trên đường Dương Quảng Hàm khiến người ta cảm nhận được sức mạnh vô biên và niềm tin vào cuộc sống của người phụ nữ chịu thương, chịu khó vì gia đình.

Cô Thúy cũng người Quảng Ngãi, chồng mất sớm để lại 3 đứa con còn thơ dại. Một mảnh vườn nhỏ quanh năm trồng bắp hết bắp lại đậu không đủ cho con ăn ngày ba bữa nói chi đến cho chúng học hành. Bỏ lại 3 đứa con thơ nhờ ngoại trông, cô bước vào đất Sài Gòn bắt đầu cuộc mưu sinh. Sự khéo tay cộng với lòng quyết tâm kiếm tiền nuôi con ăn học thành người, với vài chiếc khuôn nhỏ trên đường Tân Kỳ Tân Quý cô Thúy cũng kiếm được chút ít gửi về cho mẹ phụ giúp nuôi con ăn học.

Thế đấy, đằng sau những chiếc bánh xèo thơm ngon, tinh túy đầy hương vị là cả những số phận chất chứa nhiều nỗi niềm khôn tả. Họ chỉ biết lầm lũi tạo ra những chiếc bánh thật ngon, thật giòn, bán thật chạy để hi vọng vào một ngày mai họ không còn phải tất tả chống đỡ trong cuộc mưu sinh đầy cơ cực thế này. Những tiếng xèo, những ngọn lửa bén dầu phụt lên như thắp sáng thêm niềm tin vào một tương lai tươi đẹp phía trước đang chờ họ.

Nguồn: http://www.tinmoi.vn/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: