Nghề viết thư thuê ở Sài Gòn


Hơn 20 năm viết thư cho khách, ông không nhớ nỗi mình đã viết bao nhiêu bức thư tiếng Việt, Anh, Pháp theo nội dung người gửi và những bức thư đó đã làm đổi thay bao nhiêu số phận.

Nhưng có một điều ông biết rất rõ, những bức thư mà ông chấp bút phần nhiều đã đem lại niềm vui cho người khác. Ông là Dương Văn Ngộ, năm nay ngoài 80 tuổi, hơn 20 năm làm nghề viết thư ở Trung tâm Bưu điện Sài Gòn.

“Tôi không có bằng cấp”

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông thẳng thắn như vậy. Ông kể, ông đã trở thành nhân viên Bưu điện Sài Gòn từ năm lên 15 tuổi. Khi ấy, ông chỉ là một lao công quèn không chức phận.

Nhờ tính tháo vát và nhanh nhẹn, hai năm sau ông được cất nhắc lên chức quản lý lao công. Năm 18 tuổi, thi đậu vào ngạch công chức ngành viễn thông, ông được bưu điện giao giữ chức Chánh sự bộ (thư ký). Đến năm 1990 thì về hưu.

Đối với ông, công việc không đơn thuần là mưu sinh mà nó còn là niềm vui, nên cảm giác những ngày đầu nghỉ hưu, ông bảo “buồn muốn chết”.

Chưa biết làm gì, trong một lần đạp xe lên cơ quan cũ thăm lại bạn bè, ông để ý thấy khách chỉnh sửa thư từ một cách khó nhọc nhưng cũng không mấy hài lòng.

Từ đó, ông nảy ra ý định làm nghề viết giúp cho họ. Ông đề đạt ý kiến của mình với lãnh đạo và được chấp nhận.

Từ ấy đến nay suốt 18 năm, ông như một chiếc đồng hồ cần mẫn, cứ độ 8 giờ kém người ta thấy ông từ hướng Thị Nghè đến bưu điện trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Chiều 4 giờ ông đạp xe về nhà.

Ông chăm chút cho từng con chữ trên mỗi bức thư

Ông chăm chút cho từng con chữ trên mỗi bức thư.

Nơi làm việc của ông là góc bàn khiêm tốn dành cho khách ngồi viết lách hoặc dán tem thư.

Như thường lệ, vừa ngồi vào chôỗ của mình, nơi có treo tấm bảng ghi dòng chữ “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”.

Ông lôi 3 quyển tự điển, chiếc kính lúp và một xấp giấy viết thư từ trong chiếc cặp tài liệu ra đặt trên bàn. Bắt đầu cho công việc thường nhật của ông.

Ông nói và viết cả 2 thứ tiếng Anh, Pháp khá thành thạo, nhờ trước kia có nhiều năm theo học tiếng Pháp ở trường Petrus Ký và sau này ông học tiếng Anh đến lớp 9 của trường Việt Mỹ.

Người muôn năm cũ

Gần trọn một đời làm công việc “truyền tin”, những bức thư mang theo bút tích của ông đã đến nhiều nơi trên thế giới, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Làm cho tình cảm con người dễ hiểu nhau và gần lại với nhau hơn.

Ông nói, ông giống như “cụ đồ” già chứng kiến không biết bao nhiêu là khổ đau hệ lụy của khách hàng, những người mà ông luôn tôn trọng sự riêng tư, bí mật trong từng con chữ mà ông chấp bút.

Cũng chính phẩm chất đó mà bất cứ khách hàng nào đến với ông cũng cảm nhận được sự chia sẻ, cảm thông.

Ngược lại, thỉnh thoảng ông cũng nhận được những lá thư cảm ơn từ nhiều nơi trên thế giới gửi về. Với địa chỉ người nhận: “Người viết thư thuê, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn”.

Lời lẽ đa phần là cảm ơn và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với công việc của ông. Những bức thư này luôn được giữ kỹ và ông gọi chúng là “những lá thư đặc biệt”.

Trong số đó có lá thư gửi về từ Anh Quốc của bà M. Admans, một Y tá ở trường Đại học Oxford.

Điều khá buồn cười, địa chỉ người nhận lại là tấm hình của ông đang ngồi viết thư tại bưu điện kèm theo dòng chữ: Gửi người viết thư, Bưu điện Sài Gòn, Việt Nam.

Khách hàng tỏ ra rất thông cảm với công việc tận tụy của ông

Khách hàng tỏ ra rất thông cảm với công việc tận tụy của ông

Ông cho biết, sau khi ông viết giúp cho bà một lá thư nhân chuyến đi du lịch ở Việt Nam và ông không chịu nhận tiền.

Cho dù không biết tên tuổi ông, nhưng vì cảm động nên vừa về đến quê nhà bà viết thư cảm ơn ông.

Trong thư bà kể về bản thân, gia đình, cảm giác tuyệt vời về con người và đất nước Việt Nam mà ông là một đại diện.

Bà tỏ ra thán phục, khen ông làm một cái nghề đặc biệt và cách dùng tiếng Anh rất chuẩn của ông.

Còn rất nhiều bức thư đầy cảm động khác, nhưng ông bảo tất cả điều là thư viết tay cũng giống như ông đã từng viết thư tay cho họ.

Chữ viết ông không đẹp nhưng rõ ràng. Ông khiêm tốn bộc bạch: “Ai chê tui lạc hậu thì đành chịu, thật tình tui không thích máy tính và điện thoại di động. Từ ngữ có cố gắng diễn đạt thế nào nó cũng máy móc và không có linh hồn” .

Thư hay thiệp khách nhờ ông viết gửi đi nước ngoài, hầu hết là viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Những “tâm sự” tình cảm riêng tư, bí mật của khách hàng gửi gắm trong thư luôn được ông đặc biệt tôn trọng.

Bởi ở ông có một phẩm chất đáng kính mà ai giao tiếp với ông lần đầu cũng nhận ra đó là một con người điềm đạm trong giao tiếp, vui vẻ trong trò chuyện, tận tình trong công việc nên khách hàng luôn tin tưởng.

Ông hay khuyên người gửi, dù khó khăn cũng phải cố gắng viết trước bằng tiếng Việt một cách chân tình.

Ông chỉ sửa lại những câu, chữ không phù hợp khi có sự đồng ý của người gửi, rồi mới chuyển ngữ lời lẽ, tâm tư của họ đến cho người nhận.

Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, ở ông là cả một kho tư liệu về mọi cung bậc tình cảm của con người, ông thừa sức “sáng tác” những bức thư hay nhất kể cả những bức thư “yêu giả vờ”. Nhưng ông nói làm như vậy là “giả dối”, là xúc phạm đến lòng tin nơi người nhận.

Ông đang tư vấn về một bức thư cho khách hàng.

Ông đang tư vấn về một bức thư cho khách hàng.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông là một nhà viết thư chuyên nghiệp, có tiếng, được báo chí nước ngoài nhiều lần ca ngợi.

Ông hiểu rất rõ giá trị văn phong của từng loại thư từ, nên cách dùng từ của ông lúc nào cũng cẩn trọng và chuẩn xác. Vì vậy, không phải loại thư nào ông cũng đồng ý viết.

Ông thẳng thừng từ chối viết những bức thư “xin tiền không có lý”, hoặc thư có lời lẽ khiếm nhã, thô tục, chửi bới nhau.

Đây có lẽ là điểm khác biệt đáng quý giữa ông với những người viết thư thuê khác. Nên đôi lúc khách yêu cầu viết vô lý, ông tỏ ra nhỏ nhẹ: “Tôi không làm được”, mà khách vẫn vui vẻ.

Trong một buổi sáng đầu thu, chúng tôi chứng kiến ông viết 4 bức thư cho khách, nhưng chưa thấy ông ngã giá với khách bao giờ. Viết xong, khách hỏi, ông chỉ nhỏ nhẹ một câu: tùy hảo tâm.

Ông thường không nhận tiền nếu thấy “giúp không đáng”, hoặc gửi lại tiền khi khách trả vượt công sức của mình.

Ở tuổi ngoài 80, chúng tôi hỏi bao giờ ông giải nghệ? Ông trầm ngâm rồi nói nhỏ: “Già nhưng còn làm được. Không có mình thì người khác cũng giúp cho họ thôi, nhưng thường là dịch vụ nói một đường viết một nẻo. Còn tui viết tại chỗ, dễ thuyết phục và chính xác hơn”.

Theo H.Oanh/Nhipsongthoidai.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: