Người phụ nữ mê điện thoại cổ


Bộ sưu tập hàng chục mẫu điện thoại 10 năm tuổi của chị Lam (Bình Tân, TP. HCM) khiến ngay cả “đấng mày râu” phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Chơi điện thoại Nhật cổ tại Sài Gòn

Bộ sưu tập điện thoại hiếm của dân chơi Sài Gòn

Chị Bé Lam (biệt danh Bella Nguyễn, 26 tuổi, Bình Tân, TP HCM) “làm bạn” với những mẫu điện thoại cổ từ cách đây hơn 5 năm. Chị Lam lần đầu biết đến điện thoại cổ khi quen biết một anh chàng trong đợt thanh niên tình nguyện năm 2011. “Anh ấy thích điện thoại cổ, tôi ‘cảm nắng’ anh ấy và cũng yêu luôn sở thích của anh”, chị kể. “Bây giờ, anh ấy đã là chồng tôi và bộ sưu tập điện thoại của tôi cũng lớn dần theo năm tháng”, chị Lam chia sẻ.

Chị Lam và bộ sưu tập điện thoại nguyên hộp

Chị Lam và bộ sưu tập điện thoại nguyên hộp

Khác với những người chơi khác, chị Lam chọn điện thoại cổ vẫn còn nguyên hộp, đầy đủ phụ kiện, chưa qua sửa chữa hay can thiệp phần cứng… để sưu tập. Chị cho hay, vì là con gái, không am hiểu về sữa chữa nên chị muốn sưu tầm những máy chất lượng tốt, còn mới để không phải lo ngại về vấn đề hư hao. Theo chị, quan trọng nhất, sưu tầm của hàng cổ nguyên bản khó hơn rất nhiều so với máy lẻ. “Chưa kể, việc cầm điện thoại xịn 100% rất sướng tay nữa”, chị hài hước nói.

Chiếc điện thoại đầu tiên mà chị sở hữu là Motorola International 2200 có trọng lượng lên tới 2 kg. Trước đó, chị vẫn sưu tầm máy lẻ, nhưng từ chiếc điện thoại dùng mạng GSM ra mắt 1996 này, chị chuyển hoàn toàn sang việc sưu tầm hàng nguyên hộp. Đây cũng là thiết bị hiếm nhất, đắt nhất và quý nhất của chị. “Có người trả hơn 20 triệu đồng cho chiếc điện thoại này, cũng có người đòi đổi iPhone 7 Plus nhưng tôi không muốn bán, vì nó là một phần của tôi mất rồi”, chị Lam chia sẻ.

Motorola International 2200 - chiếc điện thoại khiến chị Lam quyết định sưu tập hàng cổ nguyên hộp.

Motorola International 2200 – chiếc điện thoại khiến chị Lam quyết định sưu tập hàng cổ nguyên hộp.

Theo dân chơi này, việc phụ nữ chơi điện thoại cổ cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Thuận lợi ở chỗ, chị được các anh em nhường nhịn bởi là phái nữ duy nhất trong nhóm và có chồng cùng chung sở thích. Tuy nhiên, việc sưu tầm không vì thế mà dễ dàng, nhất là khi mới bắt đầu chơi.

Năm 2012, chị thích chiếc Ericsson GH 388 nhưng khi đó không đủ tiền mua. Hôm sau, khi đã gom đủ tiền thì chiếc máy đã bị bán cho người khác do người bán nghĩ chị chỉ hỏi “cho vui” vì “nữ thì ai mà ham sưu tầm điện thoại”. Vì quá thích, sau đó chị liên hệ người đã mua chiếc điện thoại sản xuất năm 1995 này với giá cao hơn. Thế nhưng, ông này từ chối vì cũng là người sưu tầm. Cuối cùng, do thấy chị quá nhiệt tình, người này đã ra điều kiện đổi một chiếc điện thoại khác mà ông chưa có. Chị lại một lần nữa lùng sục để mua và cuối cùng sở hữu Ericsson GH 388 thành công.

Không chỉ giao lưu với bạn chơi, chị còn lùng mua các mẫu điện thoại nguyên “zin” từ nước ngoài. Chị đã nhiều lần mất tiền vì hàng thất lạc, hoặc đến muộn… Tuy vậy, khi nhận được điện thoại mình yêu thích, cảm giác của chị vẫn rất “khó tả”.

Việc bảo quản điện thoại đối với một phụ nữ không am hiểu nhiều về công nghệ khiến chị nhiều lần muốn bỏ cuộc. Motorola Microtac 7200 là chiếc điện thoại chị rất thích, nhưng ban đầu không biết cách bảo quản, máy nhanh chóng bị hỏng, chủ yếu do chất liệu nhựa nhanh xuống cấp, chỉ cần chạm nhẹ là vỡ vụn hoặc sứt mẻ. “Tôi đã mua 10 cái trong 3 năm nhưng đều bị như thế, cuối cùng đành ngậm ngùi ‘chia tay’ vì mỗi lần lùng mua là một lần khổ, chưa kể giá bán của nó không hề rẻ bởi là hàng nguyên hộp”, chị kể.

Motorola Microtac 7200 - chiếc điện thoại từng khiến chị Lam bỏ cuộc. Chị mua trở lại thiết bị này vào đầu năm nay.

Motorola Microtac 7200 – chiếc điện thoại từng khiến chị Lam bỏ cuộc. Chị mua trở lại thiết bị này vào đầu năm nay.

Và do chỉ sưu tập hàng nguyên hộp, chị đã vứt bỏ những thiết bị hư hỏng, tặng hoặc bán lại với giá rẻ hơn cho những người sưu tập khác về sửa chữa. Với những mẫu điện thoại này, chị bảo quản bằng cách mỗi tuần đem ra sử dụng một lần, sau đó cất vào tủ chống ẩm để tránh hư hại.

Dù khó khăn nhưng với chị Lam, sưu tập điện thoại cổ là đam mê. “Nó đã ăn sâu vào máu tôi, giờ từ bỏ nó chắc là khó. Mỗi lần cầm lên chiếc điện thoại trên tay, tôi cảm thấy thoải mái lắm. Kể cả khi mệt mỏi, chỉ cầm chiếc điện thoại bấm bấm xong đặt xuống là tinh thần lại phấn chấn trở lại”, chị hào hứng kể.

Theo chị Lam, chơi điện thoại cổ cần có tính kiên trì, nhẫn nại cũng như “mạnh mẽ như đàn ông” nếu là phụ nữ. Bên cạnh đó, người chơi cũng phải ổn định về kinh tế thì mới hòa mình vào thú chơi, vì chơi điện thoại cổ tốn khá là nhiều tiền bạc và thời gian.

Theo vnexpress.net


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: