Nghiêm cấm buôn bán hàng rong, tổ chức ăn uống trên phố đi bộ Nguyễn Huệ


Kể từ ngày 18/4, mọi hành vi như tụ tập đông người, cổ động, gây mất trật tự; quảng cáo thương mại; buôn bán hàng rong, tổ chức ăn uống… bị nghiêm cấm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian công cộng tập trung đông người nhất TP HCM, nhất là vào các dịp lễ hội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian công cộng tập trung đông người nhất TP. HCM, nhất là vào các dịp lễ hội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

UBND TP. HCM vừa quyết định thành lập Ban Quản lý công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (phố đi bộ Nguyễn Huệ) trực thuộc UBND Q.1 để trực tiếp quản lý và làm đầu mối phối hợp các lực lượng chức năng quản lý khu vực này.

Việc giám sát sẽ được thực hiện trực tiếp qua các lực lượng và cả gián tiếp qua hình ảnh do các camera khu vực này ghi lại.

Theo quy chế quản lý được ban hành, TP nghiêm cấm buôn bán hàng rong, tổ chức ăn uống, hoạt động mê tín, gây mất trật tự, hành vi xả rác và chất thải của vật nuôi không đúng quy định ảnh hưởng vệ sinh công cộng, cây xanh và công trình kiến trúc; nghiêm cấm các hành vi gây mất trật tự trên đường phố, các hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc tụ tập đông người để cổ động ở nơi công cộng mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; không cho phép tiến hành các quảng cáo thương mại ngoài trời trên phố đi bộ dưới bất kỳ hình thức nào.

Đã nhiều lần báo chí phản ảnh rác bủa vây phố đi bộ Nguyễn Huệ không chỉ dịp lễ tết mà còn xuất hiện ngay cả các ngày trong tuần.

Rác bủa vây phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Rác bủa vây phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nhiều nhóm bạn trẻ và gia đình vô tư bày biện thức ăn trên nền đường và vô tư ăn uống. Điều này thực sự không phải là vấn đề, vấn đề nằm ở chỗ sau khi ăn uống, vô số loại rác do người dân vứt bừa bãi, rác bay khắp nơi trên đường, các loại đồ ăn, thức uống đổ tràn lan và vươn vãi.

Mặc dù nơi đây có trang bị nhiều thùng rác nhưng đa số người dân vẫn vứt rác bừa bãi. Cạnh các chậu hoa, bên ngoài thùng rác là bao nilông, chai lọ nước ngọt, vỏ kẹo… ngổn ngang.

Được biết, công trình phố đi bộ Nguyễn Huệ có tổng kinh phí 430 tỷ đồng, dài 670 m, rộng 64 m được khánh thành tháng 4/2015. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến bến Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh. Mỗi ngày phố đi bộ Nguyễn Huệ có hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh.

Nhiều người chiếm ghế ngồi ở Phố Đi Bộ làm nơi buôn bán đồ ăn vặt, tấp nập mua bán. Ảnh: Người Lao Động.

Nhiều người chiếm ghế ngồi ở Phố Đi Bộ làm nơi buôn bán đồ ăn vặt, tấp nập mua bán. Ảnh: Người Lao Động.

Vào các buổi tối đặc biệt vào cuối tuần, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ rất đông đúc, nhiều nhóm người ngồi dày đặc trên phố, trong đó phần lớn là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã dần trở thành một địa điểm ưa thích của người dân Sài Gòn, thế nhưng chỉ vì ý thức của một bộ phận người dân (trong đó có nhiều bạn trẻ) còn yếu kém, cũng như công tác tuyên truyền, xử phạt vẫn còn chưa tốt, mà chúng ta dần dần sẽ làm kém đi diện mạo của một “sân chơi” chung của mọi người.

Thay vì xả rác bừa bãi và buôn bán lấn chiếm khắp nơi, tạo cơ hội cho nhiều thành phần lừa đảo xuất hiện tại khu vực này, chúng ta có thể khuyến khích nhiều hơn những hoạt động nghệ thuật đường phố trong giới hạn cho phép để tạo những sân chơi bổ ích, những khu vực thư giãn cho người dân Sài Gòn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm nhấn du lịch mà người dân Sài Gòn và du khách nước ngoài thích lui tới. Nhưng với những hình ảnh “xấu xí” xuất hiện ngày càng dày ở nơi này, hành động cứng rắn của TP là kịp thời, giúp diện mạo Sài Gòn trở nên sạch đẹp, văn minh hơn.

Minh Trí (Tổng hợp)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: