Nước muối, hóa chất thành… nước mắm cá cơm tại Sài Gòn


Loại nước mắm được dán nhãn là “nước mắm cá cơm” nhưng thành phần không có bất cứ một loại cá nào mà được sản xuất hoàn toàn bằng nước, muối và hóa chất mua ở chợ Kim Biên.


Ngày 15.6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 – Công an TP.HCM) cho biết đang chờ kết quả xét nghiệm để có căn cứ xử lý cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lý Văn Hùng (50 tuổi, quê Bình Định) tại P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Những bồn chứa mà vợ chồng ông Hùng dùng để chế biến nước mắm

Những bồn chứa mà vợ chồng ông Hùng dùng để chế biến nước mắm

Mua 3.000 đồng bán 10.000 đồng
“Quận, phường biết mà không xử lý dứt điểm là vô lý! Xử phạt nhiều lần rồi mà cơ sở sản xuất nước mắm bằng hóa chất Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động là rất bất bình thường.”
Một cán bộ về hưu tại KP.5
Từ thông tin bạn đọc Báo Thanh Niên phản ánh về cơ sở dùng hóa chất sản xuất nước mắm cá cơm (số 24 đường số 3, KP.5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) hoạt động nhiều năm qua, PV Thanh Niên vào cuộc điều tra.
Cơ sở này là căn nhà mái tôn, không bảng hiệu, nằm mặt tiền đường số 3, giữa khu dân cư đông đúc nhưng xây tường cao. Hằng ngày có nhiều xe máy, xe tải lui tới chở những thùng nước mắm ghi nhãn hiệu Tân Phú để đi bỏ mối tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Đầu tháng 4.2016, chúng tôi theo chân một người đàn ông chở nhiều thùng nước mắm Tân Phú từ cơ sở này đến khu vực KCN Sóng Thần (Bình Dương) và chợ Hóa An (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Sau nhiều ngày đeo bám, PV Thanh Niên phát hiện đa phần những chai nước mắm nhãn hiệu Tân Phú này được bán tại các khu vực đông công nhân, lao động tại Bình Dương, Đồng Nai. Nhãn hiệu dán trên chai nước mắm Tân Phú loại 1 lít đều ghi rõ “nước mắm cá cơm, 16 độ đạm, thành phần: nước, cá cơm và muối”. Kèm theo đó, nhãn còn ghi một địa chỉ sản xuất ở Bình Định và kèm theo số điện thoại.
Tuy nhiên, qua xác minh thì tại địa chỉ ở Bình Định không tồn tại cơ sở nước mắm nào, và cơ quan chức năng địa phương cũng không ghi nhận bất cứ đăng ký kinh doanh, sản xuất nào ở cùng địa chỉ theo nhãn hiệu trên.
Mỗi chai nước nắm Tân Phú được bỏ mối cho các tiệm tạp hóa với giá hơn 3.000 đồng/lít; các tiệm bán lại cho người dùng 10.000 đồng/lít. Theo ông T., một người dân sống ở KP.5 (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM), cơ sở nước mắm trên hoạt động từ 4 – 5 năm qua.
Đến đầu tháng 5.2016, PV Thanh Niên xâm nhập vào bên trong cơ sở sản xuất nước mắm này. Tại đây, có rất nhiều thùng, chai nước mắm hiệu Tân Phú thành phẩm được chất chồng lên nhau. Ông Hùng và bà Trần Thị Thanh Tâm (49 tuổi, vợ ông Hùng) cùng một số người đang đóng nắp, dán nhãn cho những chai nước mắm để kịp đi bỏ mối. Bà Tâm khẳng định đây là nước mắm cá cơm chính hiệu.

Nơi sang chiết nước mắm của vợ chồng ông Hùng và hóa chất dùng để sản xuất nước mắm

Nơi sang chiết nước mắm của vợ chồng ông Hùng và hóa chất dùng để sản xuất nước mắm ẢNH: C.N

 Nước mắm làm từ hóa chất chợ Kim Biên


Nước mắm làm từ hóa chất chợ Kim Biên

Trưa 13.6, PV Thanh Niên theo chân đoàn kiểm tra liên ngành gồm: PC49, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đến kiểm tra cơ sở nước nắm trên. Tại đây, đoàn kiểm tra bắt quả tang ông Hùng và bà Tâm đang sang chiết nước mắm từ trong bồn chứa ra chai nhựa (loại 1 lít), đóng nắp, dán nhãn nước mắm hiệu Tân Phú. Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây có 1.414 chai nước mắm hiệu Tân Phú (loại 1 lít), 600 lít nước mắm chuẩn bị sang chiết, 1.400 nắp chai và 5.250 chai nhựa loại 1 lít chưa qua sử dụng, 130 kg nhãn giấy ghi nước mắm Tân Phú và các thông số chất lượng về sản phẩm.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bột chua, phẩm màu, bột chống mốc, đường hóa học sodium cyclamate, bột ngọt (bên ngoài có nhiều dòng chữ Trung Quốc) tại cơ sở sản xuất nước mắm của ông Hùng.
Vợ chồng ông Hùng khai nhận sản xuất nước mắm tại địa chỉ này từ năm 2013 đến nay, cơ sở không đăng ký kinh doanh theo quy định, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Muối, hóa chất dùng sản xuất nước mắm, chai nhựa, nắp chai được vợ chồng ông Hùng mua tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM).
Theo bà Tâm, để sản xuất 500 lít nước mắm, bà dùng 1 bồn nhựa loại 1.000 lít, bơm nước máy và đổ 200 kg muối hột vào ngâm từ 7 – 10 ngày. Sau đó, rút nước muối này qua bồn chứa loại 500 lít rồi pha 200 gr bột chua, 100 gr màu thực phẩm, 200 gr bột chống mốc, 200 gr đường hóa học và 2 kg bột ngọt rồi dùng cây tre khuấy đều. Hỗn hợp này được bơm vào một bình chứa khác để lọc cặn rồi sang chiết ra các chai nhựa loại 1 lít rồi dán nhãn, hạn sử dụng, đóng nắp chai… thành nước mắm “cá cơm”. Mỗi lần cơ sở của bà Tâm sản xuất ra hàng nghìn lít nước mắm, bán ra thị trường.
Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn lập biên bản vi phạm hành chính và lấy mẫu nước mắm đóng chai, và 5 mẫu hóa chất, nguyên liệu dùng sản xuất nước mắm để phân tích chờ kết quả xử lý. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra niêm phong tất cả thành phẩm, các hóa chất, dụng cụ dùng sản xuất nước mắm của cơ sở ông Hùng để tiếp tục điều tra làm rõ.
Nhiều bất thường
Khai với đoàn kiểm tra, vợ chồng ông Hùng cũng thừa nhận đã từng bị Phòng Y tế, Công an Q.Thủ Đức và UBND P.Hiệp Bình Phước kiểm tra xử phạt. Theo người dân, sau mỗi lần kiểm tra thì cơ sở nước mắm này hoạt động trở lại và sản xuất nhiều hơn trước. Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Thúy An, Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Phước, thừa nhận chính quyền phường, quận đã biết và từng xử lý nhiều lần cơ sở nước mắm này.
Về các vấn đề hóa chất, điều kiện vệ sinh… tại cơ sở sản xuất nước mắm này thì bà An nói không có trách nhiệm trả lời và đề nghị PV viết ra câu hỏi, UBND phường sẽ trả lời bằng văn bản. Một cán bộ về hưu tại KP.5 đặt vấn đề: “Quận, phường biết mà không xử lý dứt điểm là vô lý! Xử phạt nhiều lần rồi mà cơ sở sản xuất nước mắm bằng hóa chất Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động là rất bất bình thường”.

Theo Công Nguyên/Thanh niên

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: