Miền Tây mùa cá ra


Cũng ngóng trông như mùa con nước về, từ hàng trăm năm qua, cứ cuối tháng 10, hàng triệu cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại háo hức chờ đợi mùa cá ra. Đây là mùa mà khi những con nước rút đi, chỉ còn đàn cá ở lại cùng cư dân miệt châu thổ, như món quà tự nhiên ban tặng cho dải đất này. Mùa cá ra cũng là mùa đánh bắt cuối cùng của những ngư dân nơi đây.

Những trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi ghé miền Tây vào mùa nước nổi

Miền Tây mùa nước nổi đi mãi chẳng hết điểm check-in

Người dân ở Tam Nông cùng mùa cá ra.

Tiền triệu mỗi ngày

Điều đặc biệt, hầu hết cá ở cuối mùa nước nổi đều là cá lớn, sau mấy tháng sinh trưởng và phát triển. Nếu đặc sản đầu mùa nước là những đàn cá linh non thì cuối mùa nước chính là những chú cá trê, cá lóc, cá lăng hay cá chốt, mè vinh…

Chỉ tay ra cánh đồng mênh mông nước, có vài cây tràm mọc, anh Nguyễn Văn Sỹ (xã Vĩnh Châu A, Tân Hưng, Long An), 44 tuổi, một nông dân đang đánh cá cười bảo: “Bây giờ ngập sâu vậy nhưng nước đã bắt đầu rút, chỉ khoảng 15-20 ngày nữa, cả vùng này sẽ trở lại là những cánh đồng bằng phẳng, chuẩn bị bước vào vụ gieo sạ mới. Vì thế, nếu không đánh bắt hết, nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi cũng theo dòng nước đi mất. Đó là lý do mà những ngày này, người dân ở đây đổ xô tới các kênh 79, kênh Cả Nổ, kênh Cả Môn để đón đầu, bắt đàn cá từ đồng đi ra. Năm nay lũ lớn nên mùa cá ra ai cũng kiếm bộn”.

Về kinh nghiệm đánh bắt cá mùa này, anh Sỹ bảo nó khác rất nhiều với những thời gian trước. “Bình thường người ta hay đặt dớn, đặt lọp những cánh đồng. Đây là kiểu đánh bắt thủy sản phổ biến nhất ở miền Tây nhưng khi tới mùa cá ra, phải đánh bắt theo hình thức khác, chủ yếu là sử dụng lưới kéo và lưới vây. Mùa cá ra phải chọn chính xác địa điểm để đón được luồng cá di chuyển. Đồng nước mênh mông, cá có vô vàn các hướng di chuyển để ra ngoài kênh, ngoài sông. Mà từng loài cá lại có cách di chuyển và thời điểm di chuyển khác nhau. Nhìn con nước chảy, nhìn địa hình kênh đồng là mình phải tính toán được dòng cá thì mới đánh bắt có hiệu quả được. Có năm nước rút nhanh, có năm chậm nhưng cũng như khi nước tràn vào đồng, nước rút phải đổ ra kênh, rồi ra sông, về biển. Vì vậy, chỉ cần bủa lưới ở ven kênh là có thể chặn được dòng cá ra”, anh tâm sự thêm.

Năm nay, nước lũ tràn về nhiều, lại sớm ngay từ đầu tháng 8 nên những cánh đồng vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đều ngập sâu cùng với lượng thủy sản dồi dào hơn các năm trước cũng có nghĩa, mùa cá ra là lúc người dân có nhiều cơ hội để kiếm tìm sinh kế. “Mấy hôm nay, đón dòng cá ra ngày nào tôi cũng kiếm được tới hơn hai ba chục ký lô cá các loại khi rải lưới dọc tuyến kênh này. Điều may mắn là giờ đang cuối mùa nước, hầu hết cá đều có trọng lượng lớn hơn. Nhiều loại cá lóc, trê với mè vinh xấp xỉ cả ký lô khá hiếm, được thương lái thu mua rồi gửi thẳng lên Sài Gòn. Trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được khoảng hơn 1 triệu đồng, một số tiền khá lớn với những cư dân ở khu vực này. Tuy nhiên, mùa cá ra không kéo dài lâu, chỉ chừng hai ba tuần là đồng hết nước. Sau đó, tất cả các loại ngư cụ đều được sắp xếp lại, đợi tới mùa cá sang năm”, ông Trần Văn Hạ, 64 tuổi, một người dân đang bủa lưới ở Tân Thành (Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết.

Ông Hạ bảo, nhiều năm rồi mùa nước nổi mới lớn như năm nay nên sản vật nhiều, mùa cá ra cũng phong phú lắm. Có hôm ông quăng lưới từ sáng sớm tới tối mịt chưa muốn về. Những đàn cá mè vinh, cá lăng, cá chốt từ những cánh đồng theo dòng nước qua tuyến kênh này mang đến niềm vui lớn cho hàng trăm người dân.

Thú thực, nhìn thành quả của những tay lưới, với nhung nhúc các loại cá đồng nhảy loi choi trong hai chiếc thùng tôn mà tôi rất ngỡ ngàng. Đi về vùng đồng bằng châu thổ miền Tây nhiều lần suốt hàng chục năm nhưng bây giờ tôi mới thấy nhiều cá đồng đến thế. Dọc tuyến kênh Trung Ương từ Vĩnh Hưng, Tân Hưng kéo qua Tân Hồng, Hồng Ngự dài mấy chục cây số này, rất nhiều người dân đang nô nức cùng mùa cá ra.

Thành quả.

Những ký ức xa xôi

Trong ký ức của mình, những lão nông dân ở Tân Công Sính (Tam Nông, Đồng Tháp) kể với tôi, cách đây chừng một hai chục năm, mỗi khi tới mùa cá ra, nước ở những cánh đồng theo kênh rút đi, người dân nơi đây bắt được những con cá rất lớn. Nhiều chú cá lóc ba bốn ký cũng mắc lưới. Rồi mè vinh với cá lăng, những loài cá mà khi mùa nước nổi về người dân ít thấy nhưng khi nước nổi đi thì không hiểu sao chúng lại xuất hiện rất nhiều.

Ngoài ra, nhiều cư dân miệt đồng bằng châu thổ cũng tâm sự, bây giờ mùa cá ra không còn dồi dào, trù phú như trước nữa dù nước nổi tràn về khá nhiều, ngập mênh mông khắp nơi. “Một phần vì nhiều người đánh bắt, một phần vì có nhiều loại ngư cụ mang tính tận diệt như dớn, kích điện, giã cào… khiến cho những đàn cá non bị đánh bắt cạn kiệt trong mùa nước nổi, không còn sinh trưởng và xuất hiện ở mùa cá ra nữa.

Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống của cư dân miệt đồng bằng châu thổ mùa cá ra, chúng tôi được biết đây là một trong những mùa cá đặc biệt nhất của người dân. Không phải nó là mùa cá cuối cùng mà bởi, đây là mùa cá trùng với dịp cuối năm. Thường khi hết mùa cá ra cũng là sắp tới tháng 12, nhiều người bắt đầu chuẩn bị lo dịp tết cuối năm. Vì thế, nhiều gia đình thay vì coi đánh cá để mưu sinh, họ lại chuẩn bị làm khô, làm mắm để dành cho dịp tết. Bao năm qua cũng vậy. Thế nên ở vùng đồng bằng châu thổ miền Tây, mùa cá ra là mùa có nhiều người đi khai thác thủy sản. Phần vì tôm cá nhiều, lại tập trung quanh các tuyến kênh chính và phần nữa vì đã gần cuối năm, họ đánh bắt để có nguồn thực phẩm để dành. Vì thế, mùa cá ra là một mùa khá đặc biệt với người dân nơi đây.

Vẫn biết thiên nhiên đã thay đổi nhiều nhưng thiên nhiên bao đời nay vẫn thế, vẫn là nơi mang đến nguồn sinh kế vô tận cho người dân, nhất là những cư dân nghèo. Đó là lý do người ta không chỉ mong chờ mà con vô cùng náo nức chào đón những mùa cá ra. Bởi mùa cá ra không phải là mùa cá đi mất, mà lại là mùa bắt đầu mang đến niềm vui cho người dân.

“Trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được khoảng hơn 1 triệu đồng, một số tiền khá lớn với những cư dân ở khu vực này. Tuy nhiên, mùa cá ra không kéo dài lâu, chỉ chừng hai ba tuần là đồng hết nước. Sau đó, tất cả các loại ngư cụ đều được sắp xếp lại, đợi tới mùa cá sang năm” – ông Trần Văn Hạ, 64 tuổi, một người dân đang bủa lưới ở Tân Thành (Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết.

Theo daidoanket 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: