Sài thành kim cổ ký: “Bói” Ba Cụm ngày xưa


Ngày trước, Ba Cụm thuộc vùng ven thành phố Chợ Lớn (TP.HCM ngày nay). Dân Ba Cụm nghèo rớt mồng tơi, mỗi năm chỉ có huê lợi một vụ lúa mà mùa thì thất bát triền miên.

Ký ức không thể nào quên về chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối

Lịch sử công viên Tao Đàn – vườn Bờ Rô thuở sơ khai

Dân chúng đói kém bắt tôm, bắt cá sạch sành sanh. Ba Cụm có chỗ giáp nước trên sông Bến Lức. Ghe thương hồ chở hàng Lục Tỉnh phải ngừng nghỉ chỗ giáp nước. Chờ con nước xuôi để đi tiếp lên Chợ Lớn. Ghe thương hồ chở hàng Chợ Lớn về Lục Tỉnh cũng ngừng nghỉ ở Ba Cụm.

Một số người Ba Cụm nghèo khó, túng thế trở thành những tay “bói” (trộm cắp trên sông) chuyên nghiệp. Do vậy, giới thương hồ thường dè chừng với dân Ba Cụm. Tuy nhiên, nhiều vụ “bói” vẫn xảy ra. Các tay “bói” Ba Cụm thường nhởn nhơ chèo xuồng lảng vảng gần những chiếc ghe thương hồ. Phát hiện chủ ghe nào hớ hênh, họ liền cập mạn ra tay “bói” những vật dụng dễ lấy trộm giữa thanh thiên bạch nhật. Chủ ghe thương hồ bắc nồi nấu cơm trên cà ràng đặt phía mũi ghe. Có việc phải quay vào trong mui ghe, chốc lát, trở ra phát giác nguyên nồi cơm đang nấu không cánh mà bay mất từ bao giờ.

sai-gon-xua-02

Ban đêm, những nhóm “bói” Ba Cụm bạo dạn táo tợn hơn. Mấy tay “bói” cập mạn ghe thương hồ chở lúa gạo, gà vịt, đường đậu, mắm muối… nhảy sang uy hiếp khống chế chủ ghe. Cướp nhiều hàng giá trị cao chở đi êm ru. Ghe thương hồ chở hàng Chợ Lớn về miệt Lục Tỉnh cũng bị “bói” viếng thăm tất tần tật. Có tay “bói” Ba Cụm ranh ma biết một chủ ghe thương hồ sắp cưới vợ cho con trai. Ban đêm, y chèo xuồng cập mạn ghe, lén vạch lớp mui lá mỏng manh, thọc tay “bói” hết mớ tư trang của chủ ghe rồi chuồn êm. Sáng ra, chủ ghe thương hồ phát giác bị mất của chỉ còn nước kêu trời, thống thiết.

“Bói” Ba Cụm khét tiếng khắp nơi tới mức người ta thường gán biệt danh “bói” Ba Cụm đối với người hay trộm cắp tài sản người khác. Ngày trước, có những nữ “bói” Ba Cụm đã thành gia thất đàng hoàng nhưng không bỏ tính tham lam. Một cựu nữ “bói” có chồng là một thương gia giàu có ở Chợ Lớn. Cựu nữ “bói” này thường lén ăn cắp nhiều tiền của chồng giúp đỡ hào phóng người bên mình. Một nữ “bói” Ba Cụm khác lên Sài Gòn buôn bán hay thọc tay ăn cắp vặt những món đồ dễ lấy. Nhiều lần bị khổ chủ phát hiện bắt quả tang tại trận, bêu xấu. Tuy nhiên, nữ “bói” này vẫn chứng nào tật ấy.

Dân “bói” Ba Cụm bỏ đi xứ khác sinh sống không chừa tính trộm cắp. Một cựu nữ “bói” ở Sài Gòn gia thế đàng hoàng nhưng hay lấy trộm tài sản người khác. Nữ “bói” này trộm đồng hồ đeo tay đắt tiền của anh rể giàu có. Bà lấy cắp tiền trong túi người anh họ, gỡ luôn vòng vàng của bé gái… Con trai nữ “bói” bắt chước mẹ thường trộm gà, vịt mang “chiến lợi phẩm” về tụ tập ăn nhậu đã đời. Thằng út bạo dạn hơn, nhiều lần tổ chức “nhập nha” đột nhập nhà người khác gom sạch tài sản qúy giá của các khổ chủ. Thậm chí, con dâu của cựu nữ “bói” nhiễm thói hư tật xấu từ mẹ chồng nên hay móc trộm tiền trong túi người khác lấy cắp đồ lặt vặt của những người hàng xóm. Thời cuộc đổi thay, địa danh Ba Cụm dần phai mờ trong tâm trí dân chúng.

Ngày nay, lớp người lớn tuổi trong ngọn rạch Rít còn lưu giữ ký ức một thời “bói” Ba Cụm khét tiếng giang hồ. Không còn cảnh bần cùng sinh đạo tặc như ngày trước, người rạch Rít phú qúy sinh lễ nghĩa hay thơm thảo với khách thành phố về thăm quê.

Theo Đời sống & Pháp luật chủ nhật 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: