Những nghề thủ công sắp hết thời ở Sài Gòn


Rèn, mài dao kéo, sửa đồng hồ, xe đạp… là những nghề thủ công ở TP HCM đang dần trôi vào quên lãng. Không ít chủ tiệm phải đóng cửa, chuyển sang làm công việc khác.

Ông Lê Văn Châu, một thợ rèn ở quận 10, TP HCM, đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Song cơ sở của ông chỉ là một căn nhà cấp 4, lụp xụp nằm bên hông chợ Nhật Tảo. Nơi làm việc của vợ chồng ông Châu chỉ rộng vài mét vuông.
Ông Châu cho biết, những năm 1990, thời điểm nghề rèn còn hưng thịnh, tại TP HCM có hơn 40 lò rèn mà phải làm ngày làm đêm mới kịp giao hàng cho khách. Qua thời thời gian, khách hàng không còn ưa chuộng sản phẩm rèn thủ công vì mất thời gian đặt hàng, giá thành lại cao… vì vậy mà hiện chỉ còn vài lò hoạt động cầm chừng.

Nghề mài dao, bán kéo thủ công còn sót lại ở TP HCM. Ảnh: Zen Nguyễn.

Nghề mài dao, bán kéo thủ công còn sót lại ở TP HCM. Ảnh: Zen Nguyễn.

“Với tôi ngày nào lò rèn đỏ lửa là vui, dù có một sản phẩm cũng vẫn làm. Nhưng thực tế chỉ mối quen ở các tỉnh miền Tây, lâu lâu mới đặt 2-3 cái lưỡi liềm, kéo cắt thiếc. Tôi đã cố giảm giá tối đa vẫn khó cạnh tranh được với hàng công nghiệp”, ông Châu nói.
Phố dao kéo trên đường Triệu Quang Phục (quận 5, TP HCM), dù có thương hiệu hơn 40 năm nhưng rồi số tiệm cứ ngày càng giảm dần. Hàng ngày, mỗi người thợ chỉ mài được khoảng hơn chục chiếc dao, kéo, với tiền công 5.000-7.000 đồng một món.
Ông Vĩnh Cường, một thợ mài dao kéo ở đây cho biết, thời kỳ đầu, các tiệm ở đây chủ yếu bán dao, kéo làm thủ công. Về sau, do vắng khách, nghề mài dao mới ra đời.
“Nhưng rất khó để quay lại được thời hoàng kim. Hiện nay, dao, kéo được bày bán khắp nơi, giá lại rẻ, khi bị mòn, hư khách sẵn sàng mua cái mới. Do vậy nghề này chỉ còn sống được ngày nào hay ngày đó”, ông Cường chia sẻ.
Nghề sửa đồng hồ, từng có một thời kỳ huy hoàng, khi nhiều người đổ xô mở tiệm, hiện nay cũng chỉ còn sót lại vài nơi.
Có tiệm sửa đồng hồ ngay vị trí đắt địa ngã tư Nguyễn Văn Đậu – Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), nhưng ông Phan Thành Lợi vẫn than vì cái nghề bấp bênh. Chiếc tủ sửa đồng hồ của ông Lợi được lấp đầy với cả trăm thương hiệu và chủng loại đồng hồ, song khách đến thì thưa vắng.
Ngày nào may mắn, ông kiếm được trên dưới 20 khách còn nhiều hôm chỉ vài ba khách, có ngày không ai đến. Ông cho hay có được lượng khách này là nhờ chủ tiệm sửa được nhiều loại đồng hồ, còn rất nhiều tiệm hầu như không làm ăn được.
Cũng theo ông Lợi, cách đây khoảng 10 năm, dọc đường Phan Đăng Lưu có đến 40-50 tiệm sửa đồng hồ. Nhưng vì không đủ sống nên các chủ tiệm lần lượt bỏ nghề, giờ chỉ còn vài ba tiệm. Với riêng ông, để bám trụ đến ngày hôm nay, trong 20 năm hành nghề, ông phải dời tiệm rất nhiều lần.

Gắn bó với các tủ sửa đồng hồ này gần hai mươi năm, và dù gặp nhiều khó khăn nhưng chưa lúc nào ông Lợi rời bỏ cái nghề này. Ảnh: Trí Nguyễn.

Gắn bó với các tủ sửa đồng hồ này gần hai mươi năm, và dù gặp nhiều khó khăn nhưng chưa lúc nào ông Lợi rời bỏ cái nghề này. Ảnh: Trí Nguyễn.

“Cứ chỗ nào đắc địa tôi lại tìm tới chỗ đó, đặt tủ sửa đồng hồ, một thời gian tôi lại dời tiếp. Khách không đi tìm mình thì mình phải đi tìm họ thôi”, ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, nghề sửa đồng hồ không khó, chỉ cần người thợ kiên trì là sẽ thành thợ giỏi. Ban đầu ông cũng chỉ học qua loa người anh họ, còn lại do nghề dạy nghề. “Mỗi lần sửa một hiệu đồng hồ là tích lũy thêm kinh nghiệm. Gần 20 năm, hàng nghìn chiếc đồng hồ qua tay, nên hầu như các dòng đồng hồ hiện nay tôi đều sửa được”, ông Lợi khẳng định.
Tuy vậy, ông cũng cho biết, những dòng đồng hồ điện tử (đeo vào tay mới chạy) hay các hiệu đồng hồ Rolex, Omega được làm thủ công, có tuổi đời trên 100 năm, thường khó sửa nhất, phải đầu tư thời gian rất nhiều.
Khi chúng tôi thắc mắc sao không tìm một công việc tốt hơn để làm, ông chủ tiệm hơn 20 năm hành nghề này, cho biết, nhiều lúc cũng muốn nghỉ, nhưng tuổi đã cao và cái nghề này cũng đã ngấm vào “máu”, nên dù khó khăn nhưng vẫn bám trụ.
Ông Lợi kể, có lần ông được một cửa hàng đồng hồ tuyển về làm thợ sửa. Nhưng làm một thời gian, thấy công việc quá gò bó nên ông lại “ra đường” với chiếc tủ sửa đồng hồ chưa đầy 1m2 của mình.
Kiếm tiền từ nghề làm cũ đồ mới
Những mảnh gỗ mới tinh còn thơm mùi qua bàn tay của Tùng đã biến thành các sản phẩm cũ kỹ, bụi bặm. Đồ đi ngược xu hướng hiện đại này đang được nhiều người ưa chuộng.

Theo Zen Nguyễn – Trí Nguyễn/Zing


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: