Nhắc đến cuộc sống nhộn nhịp và hối hả tại đất Sài thành phồn hoa, người ta thường nói về chuyện cướp giật, lừa gạt… Tuy vậy, trên các cung đường, góc phố vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những mẩu chuyện tử tế, áp ấm tình người ngay tại đất Sài Gòn. Chuyện tử tế làm ấm áp lòng người ở Sài Gòn đơn giản lắm. Đó chỉ là tấm bảng chỉ đường của bác xe ôm để người ở quê lần đầu lên phố bớt lóng ngóng, hay chuyện cậu bé bị bệnh nhưng vẫn sửa giày miễn phí cho người nghèo, hoặc các thùng trà đá miễn phí được đặt khắp nơi cũng đủ làm mát lòng người đi đường. Thùng trà đá, sửa giày miễn phí, bảng chỉ đường… là một trong những mẩu chuyện tử tế nho nhỏ mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày ở Sài Gòn . Ảnh: Internet Cũng có thể như câu chuyện của anh Dam Tien Dung chia sẻ về cậu sinh viên chạy xe gắn máy từ quê lên Sài Gòn đi học, nhưng vì đường xa nên mệt mà vô ý đâm vào đuôi chiếc xe hơi, làm bể đèn hậu. Mọi người xung quanh nhìn thấy sự việc đã chạy đến giúp cậu sinh viên đứng dậy rồi pha nước đường, thoa dầu gió (do tay bị trầy) cho chàng trai trẻ. Mẩu chuyện người Sài Gòn tốt bụng khiến bạn phải rơi nước mắt. Ảnh: Chụp màn hình Đặc biệt, dù chiếc xe đắt tiền chưa được mua bảo hiểm, nhưng chủ nhân chiếc “xế hộp” chỉ cằn nhằn vài câu rồi bỏ qua lỗi cho cậu sinh viên mà không lấy tiền đền bù. Cảm động hơn, anh ta còn kêu chàng trai mau về nhà chuẩn bị đi học kẻo muộn giờ. Mọi người đang giúp chàng sinh viên buộc lại đồ, để em nhanh về đi học. Ảnh: FB Hay mẩu chuyện nhỏ, đơn giản thôi nhưng làm người đọc cảm thấy yêu Sài Gòn hơn nhiều, đến từ một chàng trai khá có tiếng trong giới trẻ hiện nay. Nội dung câu chuyện chỉ ngắn gọn là anh này cùng người chị rủ nhau ra uống cà phê ở quán nước ven sông Sài Gòn (phía bờ bên quận 2). Đó chỉ là một quán nhỏ, đơn sơ được kê tạm vài cái bàn nhựa, giá nước dao động từ 20.000 – 25.000 đồng, điểm đặc biệt là quán này mỗi khi đem nước ra đều thu tiền luôn, vì sợ khi khách lúc về phải đợi lâu. Câu chuyện tiền thối ở quán cafe Sài Gòn khiến nhiều người cảm động. Ảnh: Chụp màn hình Chàng trai và người chị gọi 2 trái dừa với giá 50 ngàn đồng. Khi trả tiền chàng trai đưa tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng. Do hai chị em sực nhớ có việc ở trung tâm Sài Gòn nên gọi xe về, quên lấy tiền thối. Khi nhớ lại số tiền thối thì trời đã khuya, nên chàng trai xác định là bỏ luôn vì bận việc, đường lại xa xôi. Mãi đến 2 ngày sau, người chị của chàng trai có việc đi sang gần khu vực quán nước đó nên ghé vào hỏi thử. Bất ngờ khi vừa nói đến số tiền, nhân viên của quán nước lấy trong tủ ra xấp tiền 450 ngàn đồng, được kẹp cẩn thận trong tờ hóa đơn ghi: “Số tiền 50 ngàn đồng”. Lúc này cậu nhân viên còn vui vẻ nói: “Hôm đó ra thối tiền là anh chị về rồi…”. Hay có lần tình cờ nghe chúng tôi nhắc đến chuyện tử tế ở Sài Gòn, anh Tiến Lợi (cựu sinh viên Trường Cao đẳng Phát Thanh – Truyền Hình II) đã chia sẻ: “Sài Gòn là vậy đó. Không phải lúc nào cũng gặp kẻ xấu đâu, người tốt còn hiện hữu ở cái thành phố đó nhiều lắm”. Nói xong anh kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện đời thường, nhỏ nhặt mà chan chứa tình người vào thời sinh viên của mình. Những bức ảnh Sài Gòn đẹp lung linh mà bình yên và chan chứa tình người được một nhiếp ảnh gia chụp lại. Ảnh: FB “Ở trên Sài Gòn này mình chẳng có người thân, bạn bè nên thời điểm đó run và lo sợ lắm. Lo là vì không biết đường đi, chưa biết tìm đâu ra nhà trọ. Lúc đó, mình còn lóng ngóng bước xuống từ xe đò ở bến xe miền Tây đã có một bác xe ôm chạy đến hỏi đi đâu? Do sợ bị gạt nên mình cứ chần chừ, không chịu đi. Nhưng sau một chút suy nghĩ, mình cũng đồng ý lên xe để bác ấy chở đến trường làm thủ tục nhập học, mà không hỏi giá cả. Mãi khi đến trước cổng trường thì mới chợt nhớ ra chuyện giá cả thì nghĩ thầm “Thôi rồi, chuyến này thế nào cũng bị ‘chém đẹp’ cho xem”. Nhưng rồi tất cả lo lắng đã tan biến, khi bác xe ôm chủ động nói cho bác 10 ngàn đồng nhe. Trời ơi, một quãng đường xa như vậy mà chỉ lấy 10 ngàn đồng thì mình không thể tin được. Khi mình trả tiền thì nhận được cái xoa đầu của bác xe ôm cùng lời nói: “Ráng học nhe con”. Đến lúc này, mình mới tin là Sài Gòn có người tốt. Sau khi làm thủ tục nhập học xong, mình lại tất bật đi tìm nhà trọ vì trường không có kí túc xá. Lang thang khắp nơi nhưng chẳng tìm đâu ra phòng trọ có giá vừa với túi tiền. Trời thì bắt đầu tối. Đang buồn rầu thì cô bán bún riêu ở góc đường Trần Nhân Tôn – Trần Phú mới hỏi: “Con đi đâu mà tay xách nách mang vậy?”. Sau khi nghe mình chia sẻ đi tìm nhà trọ thuê mà chưa có, thì cô liền đứng dậy và dắt đứa con trai ‘nhà quê’ đi thẳng vào một ngôi nhà khang trang và sạch sẽ trong hẻm rồi cho biết chỗ đó cho thuê rẻ và an toàn. Đúng như vậy, căn nhà đó là của một bà cụ khoảng 70 tuổi và giá cho thuê chỉ 500 ngàn đồng/tháng. Từ đó, mình đã ở trong căn nhà trọ này suốt thời sinh viên cho đến lúc ra trường và đi làm như bây giờ”, anh Lợi chia sẻ. Sài Gòn là vậy đó, cuộc sống thì luôn nhộn nhịp, ai cũng phải hối hả để mưu sinh. Tuy nhiên, chỉ cần chút thời gian thư thả với dăm ba câu chuyện đẹp về tình người, về sự cưu mang, giúp đỡ không toan tính của người dân đất này cũng đủ để chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Theo Đặng Thanh/Yan