Phát triển mạnh mẽ từ những năm 60 thế kỷ trước, trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có giai đoạn bị cấm nhưng khiêu vũ Sài Gòn vẫn như dòng chảy ngầm len lỏi trong đời sống thị dân. Cà phê, âm nhạc, khiêu vũ và sách Khánh Thi mở giải thi đấu khiêu vũ thể thao thu hút vận động viên khắp mọi miền đất nước Vũ trường Maxim’s trước 1975T.L Nhảy một đêm mất nửa tháng lương Trước 1975, vũ trường nhiều như cỏ. Từ những CLB khiêu vũ bình dân dành cho giới trẻ: Lướt Gió, Sao Mai, Bambi… đến vũ trường đẳng cấp có đến hàng trăm vũ nữ dành cho giới thượng lưu như: Palace, Queen Bee, Rex, Maxim’s, Thiên Hồng, Tự Do… Ở một số vũ trường VIP như Maxim’s, Eden, đến cuối buổi khách sẽ được vũ nữ “đãi” món khiêu vũ sexy. Những vũ nữ được vũ trường cho “sô hàng” có thân hình bốc lửa, gợi cảm đủ sức làm các vị khách “nổ mắt” và các sĩ quan thì “buông súng đầu hàng”. Vũ sư, trọng tài quốc gia Vũ Công Thảo, con ông chủ vũ trường Tháp Ngà nổi tiếng trước 1975 kể: “Lương sĩ quan cao cấp lúc đó khoảng 750 đồng. Mua ticket (vé nhảy) khoảng 100 đồng/tiếng. Chàng sĩ quan nào nhảy một đêm ba tiếng đồng hồ cộng tiền “bo” cho vũ nữ nữa là coi như mất nửa tháng lương”. Thời đó, trước khi học nhảy người nào cũng phải học văn hóa ứng xử trên sàn nhảy: ăn mặc, di chuyển trong sàn nhảy thế nào, lễ nghi mời người nữ ra sao… nếu vi phạm người nhảy lập tức bị mời ra khỏi vũ trường. Có một thời kỳ sau 1975, những người “lén lút” khiêu vũ mà bị bắt sẽ bị “bêu xấu” như thế này “Người đến vũ trường thời đó phải thể hiện nét ứng xử lịch sự, văn hóa. Nếu có va chạm với đôi nhảy khác, phải biết nhẹ nhàng xin lỗi và nở nụ cười thân thiện, cho dù không phải do bạn gây ra. Kế tiếp hãy hỏi bạn nhảy mình có bị gì không trước khi vào đôi và tiếp tục khiêu vũ”, Duy Quang, vũ sư nổi tiếng khắp sàn nhảy Sài Gòn thời đó nói. Điều khá đặc biệt là mặc dù “thả cửa” cho khiêu vũ, nhưng chính quyền thời đó kiểm soát sàn nhảy rất chặt chẽ. Ở các CLB khiêu vũ “bình dân” dành cho giới trẻ, những cô cậu dưới 18 tuổi đừng mơ bước chân vào. Thời gian mở cửa cũng quy định nghiêm ngặt (suất chiều từ 15 – 18 giờ, suất tối từ 19 – 22 giờ). “Ở các vũ trường dành cho giới thượng lưu chỉ được phép mở cửa lúc 21 giờ và đóng cửa lúc 0 giờ, không có chuyện du di, móc ngoặc, bảo kê của cảnh sát”, vũ sư Duy Quang chia sẻ. Vũ nữ muốn hành nghề không chỉ trẻ đẹp, nhảy giỏi mà phải được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và có giấy chứng nhận sức khỏe. Ngoài ra, các vũ nữ phải thường xuyên được huấn luyện nâng cao, cô nào không đạt yêu cầu sẽ bị loại. Chuyện sử dụng các chất gây nghiện tại đây cũng không hề có, vì cảnh sát “chìm” luôn có mặt để kiểm tra. Những vũ sư chân chính ít ai có thể giàu bằng nghề dạy nhảyĐỘC LẬP Nhảy đầm “lậu” Vũ sư Duy Quang cho biết, thời cực thịnh của khiêu vũ Sài Gòn khoảng từ năm 1963 – 1970 khi phong trào nhạc trẻ, nhạc kích động cùng trào lưu hippie phát triển mạnh mẽ tại đây. Một số phong cách khiêu vũ cũng thay đổi để phù hợp với văn hóa, phong tục VN và nhiều bước nhảy mới được các vũ sư Sài Gòn sáng tác thêm. Khi đó, Bước nhảy Sài Gòn đã trở thành thương hiệu mà thế giới cũng biết đến. Thời này, các sàn nhảy thường sử dụng các bài hát VN hoặc nhạc ngoại quốc nổi tiếng lời Việt làm nhạc khiêu vũ theo thứ tự: pasodoble, rumba, cha cha cha, slow, bebop, tango, boston, valse. “Pasodoble có tiết tấu vui tươi thường là bài mở màn. Nhảy xong ba điệu pasodoble, rumba, cha cha cha thì không khí vũ trường lắng xuống, nhạc slow nổi lên, những cặp tình nhân dìu nhau trong ánh sáng mờ ảo tình tứ lắm. Sau vũ điệu tình yêu này, đèn màu được bật sáng hơn để nhảy bebop, tango, boston, valse, kết thúc một tour”, vũ sư Công Thảo cho hay. Sau 1975, khiêu vũ bị cấm vì bị xem là văn hóa đồi trụy và phản động. Có câu thơ truyền miệng nói lên điều này: Nhảy đầm là thiếu văn minh/Là phản tổ quốc là khinh ông bà. Vũ sư – trọng tài khiêu vũ quốc gia Vũ Công Thảo nhớ lại: “Sau 1975 cho đến 1983, ở Sài Gòn ai tham gia khiêu vũ sẽ bị công an bắt. Sau đó thì cho mở CLB khiêu vũ thể nghiệm, gọi là “múa đôi” tại Cung văn hóa Lao động và Nhà văn hóa Thanh niên. Ngoài hai nơi này, người Sài Gòn tổ chức nhảy ở chỗ khác bị coi là nhảy lậu”. Vì thế, các buổi nhảy “vụng trộm” thường được tổ chức nơi hang cùng ngõ hẻm, hoặc một căn nhà nào đó vùng ngoại ô. Dân nhảy lậu lúc đó “vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ… canh cửa”, đang say với cú fantasy điệu nghệ nhưng vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng… bỏ chạy. Nhằm qua mắt nhà chức trách lúc đó, phụ nữ ăn mặc xuề xòa, đến nơi tổ chức nhảy “lậu” mới thay đồ đẹp, tô thêm chút son phấn rồi ra sàn nhảy. Cánh đàn ông thì lè phè mang dép lào, áo bỏ ngoài quần, đến điểm hẹn mới rút đôi giày từ túi xách ra mang vào, “đóng thùng” cho nghiêm chỉnh, đúng điệu dân nhảy đầm… Với dân khiêu vũ thời đó, nhảy “lậu” có cảm giác rất đặc biệt vì cái gì hiếm thì quý, cấm thì thèm, vụng trộm thì hấp dẫn và lén lút thì đam mê. Thậm chí, họ còn cho rằng, nó ấn tượng mạnh hơn là những buổi khiêu vũ công khai sau này. “Nghèo rớt mồng tơi” Trên sàn nhảy, vũ sư nhìn rất lịch lãm trong cách ăn mặc, giao tiếp, chinh phục mọi người bởi những cú “phăng” cú “te” đầy kỹ thuật, nhưng ngoài đời ít ai có thể khá lên với nghề này. Vũ sư Vũ Công Thảo dù nổi tiếng và là trọng tài quốc gia nhưng ngoài giảng dạy ở CLB còn phải chạy xe máy lên tận Biên Hòa (Đồng Nai) dạy thêm để trang trải chi tiêu hằng ngày. “Không vũ sư nào làm nghề một cách chân chính mà có thể giàu được. Thậm chí có những người nghèo rớt mồng tơi”, ông tâm sự. “Hàng hiếm” của khiêu vũ VN – vũ sư Duy Quang (74 tuổi) cũng cho biết đi dạy khiêu vũ còn không đủ đóng tiền thuê nhà. “Từ khi bước theo nghề, có tiền đủ ăn là may mắn lắm rồi. Nếu nghĩ các vũ sư chân chính, ăn trắng mặc trơn, lịch lãm trên sàn nhảy như tôi kiếm được nhiều tiền là tội lắm”, ông chia sẻ. Khát khao có hiệp hội khiêu vũ Khiêu vũ được phép mở cửa trở lại từ năm 1983. Hiện nay, cả nước có hàng trăm CLB khiêu vũ, hàng chục ngàn người tham gia nhưng một hiệp hội khiêu vũ nhằm nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt những bất cập vẫn chưa được thành lập. Một thực trạng mà vũ sư, trọng tài quốc gia Duy Quang rất bức xúc đó là những cuộc thi khiêu vũ mua danh, bán giải. Năm 2014, trong một giải khiêu vũ, vũ sư Duy Quang và vũ sư, trọng tài quốc gia Vũ Công Thảo được mời làm ban giám khảo một cuộc thi nhảy. Dù đang ngồi ghế “nóng”, nhưng không chấp nhận “kịch bản” BGK chưa chấm xong mà giải đã có trước nên hai vị vũ sư nổi tiếng này lập tức bỏ về. “Hoạt động khiêu vũ đang “loạn”. Không ít vũ trường thầy chẳng ra thầy, một bước nhảy đúng đẳng cấp cũng chưa hoàn hảo vậy mà vẫn ôm sô dạy để lấy tiền học viên. Rồi chuyện tai tiếng trên nhiều sàn nhảy cũng đã xảy ra thường xuyên… Phải lấy lại cho bộ môn khiêu vũ một chỗ đứng trang trọng trong lòng công chúng”, vũ sư Duy Quang nói. Theo TNO