Món ăn có tác dụng trị ho ở miền Trung mê hoặc thực khách với màu vàng óng của nghệ, vị cay của hẹ, dai giòn của lòng già heo được xử lý kỹ. Nằm trong hẻm 206 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP HCM, Quán Gì Đó là điểm đến của những người con Đà Nẵng cũng những ai trót mê ẩm thực mảnh đất này. Thực đơn của quán phong phú, từ bánh bèo, bánh bột lọc, bún chả bò, mì Quảng… Được yêu thích nhất là bún lòng xào nghệ và bún bò. Món ăn này mất thời gian nhất là khâu xử lý lòng già, sao cho phần nội tạng nặng mùi nhất này không khiến người ăn nhăn mặt khi ăn mà vẫn giữ được độ giòn, sần sật. “Chúng tôi phải rửa lòng với muối, nước cốt chanh và rượu trắng cùng một số loại gia vị gia truyền mới được như thế”, anh Bùi Vũ, chủ quán chia sẻ. Công đoạn gọt, đập nhỏ nghệ, xào cùng lòng cũng mất không ít thời gian. Đây cũng là nguyên nhân của việc quán chỉ phục vụ 15 phần bún lòng xào nghệ một ngày. “Món ăn này tại quê, bún được cho vào chảo, xào chung với lòng, nghệ chứ không để riêng. Sự tách biệt này có lẽ là do vấn đề bảo quản, cũng như yếu tố thẩm mỹ khi trình bày”, chị Hường, nhà ở Thủ Đức cho biết. Món được yêu thích thứ hai tại quán là bún bò Đà Nẵng. Điểm khác nhau giữa bún bò Đà Nẵng với bún bò Huế là cọng bún nhỏ, miếng chả (bò) tươi và miếng huyết. Nếu lòng xào nghệ có thể ăn vào mọi thời điểm trong ngày, bún bò ăn ngon nhất vào buổi sáng. Khi đó, nồi nước lèo vừa nấu chín tới, các loại gia vị vẫn tươi nguyên. Theo Huỳnh Hằng/Zing