Bộ ảnh độc đáo chụp lại những con đường ngắn nhất ở Sài Gòn của chàng trai 29 tuổi Trần Đặng Đăng Khoa nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Chung cư Đỗ Văn Sửu ngay bên đường Đỗ Văn Sửu. “Trước đây tôi luôn tự hỏi rằng con đường ngắn nhất Sài Gòn là ở đâu, đặc biệt là sau khi đọc bài viết Những con phố ngắn nhất Hà Nội trên báo mạng thì cái sự tò mò ấy lại dâng cao hơn nữa. Liệu ở Sài Gòn có con đường nào phá được “kỷ lục” của Hà Nội hay không?”, Đăng Khoa chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ ảnh. Đăng Khoa chỉ mất 4 ngày để thực hiện bộ ảnh nhưng anh mất gần nửa năm để tìm thông tin trên mạng, trong sách báo, mò tìm trên Google maps, tính cự li, lộ trình… để tìm ra những con đường ngắn nhất của Sài Gòn. Mặc dù không phải là người Sài Gòn, nhưng Đăng Khoa chia sẻ anh hay đi du lịch khám phá Việt Nam và nhiều nước, đồng thời có kỹ năng tìm kiếm thông tin, xem bản đồ nên anh “mò đường” rất tốt. Bộ ảnh này được Đăng Khoa thực hiện như kỷ niệm dấu mốc 10 năm anh “nương thân” ở Sài Gòn. Đường Đỗ Văn Sửu theo Đăng Khoa là con đường ngắn nhất Sài Gòn với chiều dài 45m, nằm ngay chân cầu Chà Và bên phía quận 5. Điều thú vị nữa là đường Đỗ Văn Sửu lại có chiều dài đúng bằng chiều dài của con phố ngắn nhất Hà Nội là phố Hồ Hoàn Kiếm (45m). Đường Đinh Lễ (56m) mới thật sự là con đường ngắn và độc đáo nhất với chỉ một số nhà đó là số 01 Đinh Lễ, không có số 02, số 03… Đinh Lễ. Và địa chỉ số 01 Đinh Lễ là nơi mà hầu như tất cả mọi người đều biết đó là Chợ Xóm Chiếu, Quận 4. Chợ Xóm Chiếu với số nhà lẻ loi trên con đường siêu ngắn Đinh Lễ vào một buổi chiều nắng vàng cuối tuần. Đường Phú Định có chiều dài vỏn vẹn 65m nằm ở Quận 5 này bị giới hạn bởi đường Nguyễn Án và đường Lương Nhữ Học. Ở đầu đường Phú Định giao Lương Nhữ Học có hai bảng tên đường đối diện nhau, một bảng có vẻ khá lâu đời và một bảng mới nhưng bị che khuất bởi mái hiên của một tiệm bánh xèo khá ngon. Con đường nhỏ Trần Doãn Khanh (70m) yên tĩnh ẩn mình giữa hai con đường cũng tương đối vắng vẻ không kém là đường Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Thành Ý. Trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn, có lẽ Nguyễn Thiệp (90m) là con đường đã chứng kiến nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn từ thời Pháp. Đường Nguyễn Thiệp ngày nay tập trung nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, đổi ngoại tệ, các cửa hàng ăn uống quen thuộc. Dài nhỉnh hơn đường Nguyễn Thiệp một chút là đường Hưng Long (92m) ở Quận 10. Đường Hưng Long yên tĩnh và vắng vẻ những ngày cuối tuần. Con đường nhỏ Huyền Quang vắng vẻ và yên tĩnh này chỉ dài vỏn vẹn 94m, nhưng lại có lịch sử hình thành khá lâu đời. Ngày xưa có tên gọi là đường Génibrel,rồi đổi tên là Huyền Quang từ năm 1955. Génibrel là tên một giáo sĩ người Pháp đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Pháp. Một mảng tường rất ấn tượng trên đường Huyền Quang trong ánh nắng chiều nghiêng. Con đường Nguyễn Hữu Thận phía trước chợ Bình Tây và Bến xe Chợ Lớn rất đỗi quen thuộc của người Sài Gòn cũng như du khách khi đi tham quan chợ có chiều dài 95m. Con đường Phan Văn Đạt (103m) nhỏ nhưng rất lâu đời nằm ngay góc công trường Mê Linh, và chân tòa tháp Vietcombank Tower mới xây xong gần đây. “Con đường xe ngựa” Mã Lộ (115m) sau lưng chợ Tân Định tuy nhỏ nhưng lại có tuổi đời đã gần một thế kỷ. Ngoài ra, ở Sài Gòn còn rất nhiều con đường có tên và rất ngắn và tuổi đời khá trẻ như 3 đường mang tên 3 loại hoa nằm liền nhau ở quận Phú Nhuận: Hoa Thị 38m, Hoa Lài 43m, Hoa Trà 44m. Hay những con đường Số 1, Số 2, đường mới mở ở các đô thị và khu dân cư mới… Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa cung cấp Theo Linh San | Thanh Niên