Sài Gòn đang ‘ốm nặng’ do dịch Covid-19 nên phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thời điểm này, cũng là lúc nhiều người trẻ hỏi thăm nhau, động viên nhau và chung tay tương trợ vượt qua dịch bệnh. Những phiên chợ 0 đồng cùng san sẻ với nhau vượt qua đại dịch ẢNH: NỮ VƯƠNG Nhắn tin, gọi điện động viên nhau; lập những nhóm trên mạng để hướng dẫn nhau cách nấu ăn, cách tập thể dục bổ ích trong dịch hay san sẻ với nhau những thứ mình có mà người khác thiếu… Đấy là cách người trẻ Sài Gòn cho dù nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn không xa cách nhau. Có rau sân thượng san sẻ với bạn bè, hàng xóm Ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đào Minh Thủy (28 tuổi, ngụ đường số 6, P.15, Q.Gò Vấp) mới phát hiện nhà hết gạo; nhưng do đang thuộc diện cách ly tại nhà nên Thủy đăng lên mạng xã hội hỏi mọi người có ai đổi khoai tây, bí đỏ, củ cải (những thứ đang sẵn có ở nhà) để lấy gạo. Ngay lập tức, một người chưa từng quen đã hỏi thăm địa chỉ và mang đến cho Thủy một bịch gạo. Mình đã được giúp nên sau này ai cần gì mình cũng sẽ cho đi và giúp lại. Tình người trong dịch bệnh khiến mình thấy ấm lòng vô cùng Đào Minh Thủy (28 tuổi, ngụ đường số 6, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) “Mình cảm động vô cùng, hỏi anh đó có cần đổi lại cái gì không, nhưng anh bảo không cần. Mình vui lắm luôn vì thấy trong dịch bệnh khó khăn vẫn có rất nhiều người tốt, san sẻ cho nhau. Chưa chắc họ khá hơn mình, nhưng biết mình khó họ sẵn sàng sẻ chia. Mình đã được giúp nên sau này ai cần gì mình cũng sẽ cho đi và giúp lại. Tình người trong dịch bệnh khiến mình thấy ấm lòng vô cùng”, Thủy cảm động cho biết. Chị Trần Thị Thu Hiền (ngụ khu dân cư Hiệp Thành City, P.Hiệp Thành, Q.12) ngay trong ngày đầu giãn cách xã hội đã cắt rau lang, rau muống tự trồng tại nhà để tặng hàng xóm, bạn bè. “Có vườn rau tại nhà bây giờ là tài sản lớn nhất rồi, mọi người lại đang thiếu rau ăn trong những ngày giãn cách nên mình có thì san sẻ thôi, của ít lòng nhiều. Hôm nay có nhiều rau muống, rau lang nên mình cắt cho mọi người; còn rau đay, rau mồng tơi thì đợi vài ngày nữa tươi tốt hơn mình sẽ lại cắt biếu mọi người cùng dùng”, chị Hiền chia sẻ. Không những thế, những ngày qua chị Hiền cũng không ngừng quyên góp tiền từ bạn bè để mua thực phẩm thiết yếu như thịt, cá tươi sống và mang tặng người nghèo, người gặp khó khăn vì dịch. “Giờ đang giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc đi tặng thực phẩm tươi sống cũng hơi khó khăn. Nhưng mình vẫn mua thực phẩm để gửi qua bếp từ thiện nấu các suất cơm tặng cho các khu cách ly mỗi ngày”, chị Hiền nói. Dù ở nhà nhưng những bạn trẻ vẫn tìm được niềm vui, chia sẻ với nhau những cách thức và tự nấu cho mình các bữa ăn ngon ẢNH: MỸ UYÊN Những lời động viên ấm lòng Là chàng trai sống độc thân, bình thường chỉ ăn cơm hàng cháo chợ và không có nồi niêu xoong chảo để nấu ăn, đùng một cái tòa nhà đang thuê bị phong tỏa do có ca dương tính, T.L.R (26 tuổi, trú đường Nguyễn Văn Ràng, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè) bắt đầu hoang mang vì không biết những ngày tới phải sống thế nào. Thế nhưng, trải qua một tuần cách ly, hiện lại đang giãn cách toàn thành phố, R. cho biết mọi thứ cũng trôi qua khá nhẹ nhàng và cảm thấy ấm lòng hơn vì luôn nhận được sự quan tâm, động viên và những mặt hàng tiếp tế từ nhiều nguồn. “Cuộc sống ở khu phong tỏa không có gì quá đáng sợ. Suốt những ngày qua, chẳng biết những phần lương thực, thực phẩm của ai, cơ quan nào… cứ liên tục tiếp tế cho người sống ở tòa nhà. Mỗi ngày, tiếng “cốc, cốc” của mấy anh bảo vệ tòa nhà cứ thi thoảng lại xuất hiện. “Em ơi, xuống nhận cơm. Em ơi, xuống nhận gạo. Em ơi, xuống nhận khoai lang…”, âm thanh này là thứ quen thuộc nhất trong 7 ngày sống trong khu phong tỏa của tôi”, R. kể. Và anh chàng chia sẻ thêm: “Ngoài quê hay tin, người thân cứ gọi video call liên tục, chắc sợ tôi cô đơn nên trò chuyện cho bớt buồn. Bạn bè, đồng nghiệp cũng thường nhắn tin hỏi thăm, động viên nên thấy mọi thứ cũng nhẹ nhàng hơn. Tôi tìm cách làm việc online, đọc sách, nghe nhạc và đều đặn 2 lần mỗi ngày tập thể dục tại chỗ. Rồi mọi thứ sẽ qua, rồi dịch bệnh cũng sẽ được đẩy lùi”. Với Đỗ Thị Hoài Thương (29 tuổi, trú hẻm 71 đường Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) thì cảm thấy ấm lòng vô cùng khi nhận được những lời động viên mỗi ngày của nhóm bạn thân và gia đình. Thương kể: “Đặc biệt, mẹ mình sợ mình ở nhà buồn nên suốt ngày cứ gọi điện kể chuyện hài ở quê. Rồi có lúc mẹ bảo “cứ ở yên ở nhà đi con, nếu công việc bị ảnh hưởng và không có lương thì ba mẹ nuôi, nuôi con cả đời còn được mà”. Mẹ cứ dặn thế vì sợ mình ham công việc lại đi ra đường và không an toàn trong dịch”. Không những thế, Thương cho biết mấy chị em đồng nghiệp còn lập ra một nhóm nhỏ trên mạng rồi ai biết bài tập thể dục nào hay thì nhắn lên để mọi người cùng học theo. “Có những lúc thử thách nhau cùng tập một động tác nào đó, xem ai làm được nhiều thời gian hơn. Nói chung nhờ thế mà mình thấy thời gian ở nhà này sẽ qua nhanh thôi, có như vậy mọi người mới kiên nhẫn và nghiêm túc ở nhà để cùng chống dịch”, Thương chia sẻ. Đỗ Thành Nhơn (25 tuổi, trọ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.9, Q.3) thì kể: “Do mình sống độc thân, không có đồ nấu ăn nên từ lúc thực hiện giãn cách phải đi mua nồi cơm điện với một ít gạo về cứu đói. Thế là suốt ngày mẹ gọi điện hỏi nay con ăn gì, rồi chỉ cho mình nên nấu những món dễ làm. Còn tụi bạn thì lập ra một nhóm, trong đó có cả nam lẫn nữ, mấy bạn nữ dạy cho con trai nấu ăn và mình mới được các bạn chỉ cho cách nấu canh bằng nồi cơm điện. Nói chung mình thấy giãn cách ở nhà nhưng không hề cô đơn, mọi người luôn quan tâm, hỏi thăm và đa phần đều chia sẻ những điều tích cực để cùng nhau vượt qua dịch bệnh nguy hiểm này”. Theo Tuổi Trẻ Online