Công thức 7K+3T không chỉ gia tăng khả năng phòng bệnh mà còn giúp mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả. Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA) Cần có giải pháp mới chống dịch Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ 1 số kiến nghị liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA) cho biết từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam bắt đầu cho đến nay, dù đã nỗ lực vượt bậc và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, nhưng thật đáng tiếc khi chúng ta đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, hạn chế được dịch bệnh, do sự phức tạp, lan nhanh của biến thể mới nên dịch bệnh ngày càng bùng phát mạnh hơn tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay chúng ta không thể triệt tiêu mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng khi phải chấp nhận cho một phần F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi phương án trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Theo ông Hải, giải pháp giãn cách theo phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm, do đó làm tê liệt nền kinh tế nói chung và hoạt động ngành xây dựng nói riêng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Do đó ông cho rằng, nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định. Theo ông Hải, nếu thời gian áp dụng giãn cách kéo dài (theo nhận định mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì phải mất đến hàng tháng nữa), thì nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể trụ được. Riêng ngành xây dựng thì 3 năm vừa qua đã gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và biến động giá vật tư xây dựng… thì hậu quả sẽ rất khó lường. Không thể dập hết dịch trong một thời gian ngắn trong khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc sống chung với dịch là không thể tránh khỏi. Chính vì thế, ông Hải kiến nghị giải pháp phòng chống dịch bằng “Công thức 7K + 3T”. Theo đó, 7K bao gồm: “Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế – Không khí trong lành – Khỏe mạnh” và 3T là: “Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự chăm sóc”. 2 giải pháp căn cơ Chủ tịch SACA mong muốn được đóng góp một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho kế hoạch tiêm chủng của thành phố trong thời gian sắp tới. Trước mắt, cần tập trung tiêm chủng cho toàn bộ người dân thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với phương án đề xuất như sau: Áp dụng công nghệ thông tin để phân loại ba đối tượng được tiêm chủng (theo Bộ Y tế): Loại 1: những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ; Loại 2: những người có nguy cơ bị sốc; Loại 3: những người chống chỉ định tiêm chủng. Trong đó, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Dữ liệu khai báo cần được số hóa và gửi về Trung tâm tiếp nhận thông tin y tế. Trung tâm này có chức năng tự động phân loại và phản hồi cho người dân biết mình thuộc nhóm đối tượng nào. Sử dụng các điểm tổ chức bầu cử tại các địa phương trên cả nước để làm điểm tiêm phòng là cách nhanh nhất để huy động nguồn lực sẵn có tại các điểm bầu cử trước đây. Công tác truyền thông, hướng dẫn người dân đến địa điểm tiêm chủng cũng rất dễ dàng. Mỗi điểm này chỉ cần huy động khoảng 5-7 người trước đây đã từng phục vụ cho công tác bầu cử để làm công tác tiếp nhận, sắp xếp, ghi chép, kiểm tra giấy tờ… Đồng thời huy động thêm từ 2 đến 3 y tá để tiêm; 1 bác sĩ để kiểm tra sức khỏe người dân trước khi tiêm cũng như xử lý rủi ro sốc phản vệ ngoài dự đoán. Mỗi y tá có khả năng tiêm không dưới 100 mũi mỗi ngày. Mỗi điểm sẽ tiêm được từ 200 đến 300 mũi mỗi ngày. Lực lượng này có thể được huy động từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong ngành y tham gia. Hoặc các bác sỹ y tá đã nghỉ hưu như lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Cải tiến quy trình tiêm vaccine theo hướng đơn giản, áp dụng IT để sàng lọc tự động (tương tự như hệ thống Teletriage). Cá nhân trước khi đi tiêm cần thực hiện khai báo y tế trước một thời hạn theo quy định để Trung tâm tiếp nhận thông tin y tế sàng lọc, phân loại. Ngoài ra, tại điểm tiêm nếu người dân có dấu hiệu bất thường về các chỉ số (nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, huyết áp, dị ứng, …) thì bác sĩ sẽ khám và đưa ra quyết định cụ thể, hoặc hướng dẫn người dân đó đến tiêm ở các bệnh viện hay các cơ sở y tế đủ điều kiện tiếp nhận. Hệ thống phân phối vaccine phải đảm bảo vận hành đúng giờ và được bảo quản an toàn. Mỗi quận cần từ 2-3 xe cấp đông để phân phối xuống các phường. Mỗi phường có ít nhất là 1 điểm tiếp nhận để vaccine được phân phối xuống các điểm tiêm phòng trong vòng 2 tiếng kể từ khi vaccine được xuất kho; trong vòng 4 tiếng sẽ tiêm hết để đảm bảo không quá 6 tiếng theo tiêu chuẩn thời hạn của vaccine sau khi được lấy ra khỏi kho cấp đông. Huy động lực lượng xe có hệ thống lạnh phù hợp và có hệ thống điều phối GPS, theo dõi lộ trình để trung tâm điều phối đảm bảo lộ trình. Thời gian tiêm buổi sáng nếu bắt đầu từ 8:00 giờ thì 6:00 giờ xe điều phối sẽ xuất phát từ kho, đến 7:00 giờ phân phối hết cho các phường và đến 8:00 giờ phân phối hết cho các điểm tiêm chích của khu phố. Tương tự, buổi chiều việc phân phối sẽ thể bắt đầu từ 12:00 giờ và tiêm chích kết thúc trước 18:00 giờ. Miễn sao đảm bảo phân phối hết vaccine xuất ra theo kế hoạch trong ngày. Xử lý rủi ro sốc phản vệ và tiêm chủng đối với trường hợp có nguy cơ bị sốc phản vệ (Loại 2). Mỗi điểm tiêm đều có một bác sĩ theo dõi. Khi xảy ra sốc phản vệ nếu nhẹ có thể đưa về y tế phường, nơi đã được tập huấn cách ứng phó đối với những trường hợp sốc phản vệ thường gặp. Trong trường hợp đặc biệt thì đưa đến bệnh viện. Tất cả điểm tiêm (kể cả nơi tiêm cho nhóm Loại 1) đều có quy trình xử lý khẩn cấp, có sẵn thuốc tiêm bắp Adrenaline để xử lý tức thời trong khi chờ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Theo Chủ tịch SACA, nếu thực hiện được như vậy, tốc độ tiêm phòng cho thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện xong trong vòng 3 tháng tới (tháng 10/2021). Một điều rất quan trọng để giải quyết cuộc chiến này là thuốc điều trị bệnh Covid-19. Do đó, theo ông Hải, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần nhanh chóng tiếp cận và xúc tiến việc mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 (được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) và Merck (Mỹ). Thuốc trị bệnh này là một giải pháp hiệu quả nhất cho công tác chống dịch. Song song với việc nhập khẩu vaccine, chúng ta cũng cần bảo đảm cung cấp đủ thuốc men để trị các triệu chứng bệnh thông thường mà người dân và doanh nghiệp có thể tự mua và cho người nhiễm bệnh Covid-19 uống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với công thức 7K+3T và giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trong 3 tháng tới, ông Hải tin tưởng sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng với một cái giá không quá đắt và nhanh chóng thiết lập cuộc sống bình thường mới. 2saigon