Nhộn nhịp tăng ca làm hàng Tết


Hàng loạt doanh nghiệp cho biết nguồn hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết năm nay sẽ không thiếu nhờ kế hoạch sản xuất được đẩy mạnh. Ngay mặt hàng thịt heo nhiều doanh nghiệp cho hay sẽ cung cấp đủ.


Các doanh nghiệp sẵn sàng tăng nguồn cung trứng gia cầm cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm – Ảnh: B.H.

Tiêu thụ sản phẩm thiết yếu dịp Tết năm nay được dự báo có thể giảm đến 20 – 30% so với năm ngoái, nên nhà sản xuất dù khó nhưng vẫn thận trọng trong việc tăng giá bán.

Tất bật làm hàng Tết

Dù sức mua trứng gia cầm hiện vẫn ở mức thấp hơn từ 10 – 20% so với năm ngoái nhưng ông Trương Chí Thiện – giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) – cho biết vẫn tuyển thêm nhân sự để đảm bảo được nguồn cung trứng tăng 50 – 70% so với bình thường cho thị trường cao điểm cuối năm, đặc biệt tháng giáp Tết Nguyên đán, tương đương 1 – 1,3 triệu quả/ngày.

Tương tự, đại diện Công ty Ba Huân (TP.HCM) cho biết đã trữ lượng lớn thức ăn chăn nuôi để đảm bảo tăng cường nguồn cung trứng và thịt gia cầm cho thị trường cuối năm. Theo đại diện đơn vị này, công ty cam kết có thể tăng hơn 50% nguồn cung so với bình thường nếu nhu cầu cần – tương đương khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày.

Trong khi đó, đại diện Công ty Saigon Food (TP.HCM) cho biết đơn vị đã bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm cuối năm với lượng hàng cung cấp cho thị trường Tết dự kiến tăng khoảng 10% so với năm ngoái, trong đó tập trung các chủng loại thực phẩm dùng nhanh, biếu tặng như lẩu các loại, bò viên, nước xốt gia vị…

Đối với mặt hàng được tiêu dùng nhiều dịp Tết là thịt heo, nhiều doanh nghiệp cho biết đã chuẩn bị nguồn cung để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Huy – phó tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam – cho biết đơn vị đã tăng dần nguồn cung cuối năm với lượng heo cung cấp ra thị trường hiện đạt 18.000 – 19.000 con/ngày, và khi cần có thể tăng mạnh vào cuối năm nhờ kế hoạch tái đàn luân phiên với số lượng lớn.

Nhiều đơn vị sản xuất, dịch vụ cũng cho hay đã bắt đầu nhộn nhịp tăng nhân công hoặc tăng ca làm hàng Tết. Đơn cử, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cho hay với sản lượng hàng phục vụ Tết năm nay dự kiến tăng 6 – 8% so với cùng kỳ năm ngoái – tương ứng với 2.860 tấn thực phẩm tươi sống và 4.225 tấn chế biến, đơn vị đã tăng cường thêm hàng trăm lao động thời vụ. Vissan cũng đảm bảo cơ bản nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó chủ đạo là thịt để sản xuất giò, chả, lạp xưởng…

Bao bì cũng dựa hơi giá xăng

Theo ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng, giá bán một số sản phẩm dầu ăn, nước mắm, gia vị… hiện tăng 5 – 15% so với thời điểm giá ổn định với nước mắm lên mức phổ biến 30.000 – 40.000 đồng/chai loại bình dân và 50.000 – 100.000 đồng/chai loại ngon (tùy thể tích); dầu ăn phổ biến từ 45.000 – 100.000 đồng/chai 1 lít tùy loại…

Đại diện một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho biết giá nguyên vật liệu và bao bì hiện tăng trên 15% so với bình thường vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài ra, do cuối năm, thêm dịch phức tạp trở lại nên nhiều công nhân muốn về quê sớm, buộc doanh nghiệp phải tăng mức hỗ trợ để giữ cũng tạo áp lực lớn lên giá bán sản phẩm.

Với trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện cho hay khả năng giá sẽ biến động vào dịp cuối năm, có thể sẽ tăng khoảng 15%. “Giá trứng nhập vào đã có dấu hiệu tăng nhưng đơn vị đang cố gắng giữ giá bán bình ổn. Tuy vậy, với giá thức ăn, xăng dầu, nhân công tăng, đặc biệt người nuôi giảm đàn so với mọi năm do lo ngại dịch có thể đẩy giá trứng tăng vào cuối năm” – ông Thiện nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc An – tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) – cho biết nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu, bao bì… đã tăng giá bán 10 – 20% so với thời điểm ổn định vì “đổ lỗi” cho giá xăng, hàng nhập bị đứt gãy vì tình trạng kẹt cảng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lý Kim Chi – chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – cho rằng ngoài giá xăng dầu, gas, nhân công tăng, không ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chịu áp lực lớn khi giá bao bì, nguyên vật liệu đã tăng 10 – 35% so với lúc giá tốt. Do đó, nếu không có giải pháp giúp ổn định giá đầu vào, giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm có thể còn tăng vào cuối năm.

Thận trọng với sức mua giảm nhiều

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Đồng Nai cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nên mức tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu dịp Tết năm nay có thể giảm 20 – 30% so với năm ngoái. Do đó, việc tăng giá hàng hóa được doanh nghiệp xem xét thận trọng.

“Sức mua đã yếu, giá bán lại tăng thì nhu cầu càng giảm mạnh. Đơn vị cố gắng giảm các chi phí không cần thiết để ổn định giá bán chừng nào tốt chừng đó” – vị này cho hay.

Tương tự, đại diện Saigon Food cho biết dù giá đầu vào tăng nhưng đơn vị không dám tăng giá bán ra so với Tết năm ngoái, trong đó nhiều dòng sản phẩm được doanh nghiệp cam kết giữ giá ổn định, đánh vào phân khúc bình dân.

Với thịt heo, ông Lê Xuân Huy cho rằng giá heo hơi trên thị trường đang bình quân ở mức thấp với khoảng 40.000 đồng/kg, lượng heo tồn, quá lứa còn nhiều, sức mua năm nay được nhận định thấp hơn so với mọi năm. Do đó, từ đây đến Tết Nguyên đán nhu cầu thịt heo có tăng thì giá heo hơi khả năng cũng chỉ 53.000 đồng/kg trở lại.

“Nhu cầu thị trường quyết định giá bán, năm nay nếu doanh nghiệp sản xuất tăng giá nhiều sẽ rất khó bán hàng, rủi ro lớn” – ông Huy nhận định.

Tương tự, nhiều hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết đang liên tục đàm phán với nhà cung cấp về việc duy trì giá bán tốt nhằm “làm ấm” thị trường, bởi sức mua vẫn đang ở mức khá thấp so với mọi năm.

Cụ thể, đại diện Saigon Co.op, Big C… cho biết đã làm việc với nhà cung cấp nên khá nhiều mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm thiết yếu đang được đơn vị chạy khuyến mãi đến cuối năm 2021 và khả năng tiếp tục duy trì mức giá tốt để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm Tết Nguyên đán.

TP.HCM sẽ tung nhiều giải pháp bình ổn giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết giá một số mặt hàng thực phẩm biến động chủ yếu do doanh nghiệp chịu áp lực bởi giá đầu vào.

Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc liên kết giữ đơn vị sản xuất và bán lẻ, đa dạng nhà cung cấp… để tăng nguồn cung, ổn định giá cả. Đồng thời, từ đây đến cuối năm TP tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, kết nối cung cầu để giúp người dân mua được sản phẩm giá tốt, riêng khuyến mãi và hội chợ đã được nhiều doanh nghiệp đăng ký. Trước đó, Sở Công thương cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để giúp bình ổn giá.

Thịt nhập khẩu dồi dào, giá tốt

Trên chợ mạng, thịt nhập khẩu đông lạnh đang được nhiều doanh nghiệp chào bán với giá khá tốt. Cụ thể, thịt bò bán lẻ ở mức phổ biến 120.000 – 180.000 đồng/kg tùy loại, thịt heo 50.000 – 95.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 30.000 – 65.000 đồng/kg tùy loại. Nếu mua sỉ số lượng lớn, giá có thể giảm thêm 10 – 20%.

Theo đại diện một đơn vị chuyên phân phối thịt tại TP.HCM, nguồn thịt nhập khẩu cung cấp cho thị trường cao điểm Tết đã được hầu hết các doanh nghiệp trữ đầy kho, giá bán khá tốt.

Hàng đặc sản nghe ngóng thị trường

Đại diện thương hiệu đặc sản hạt điều Nhất Nhất (Bình Phước) cho biết mọi năm đến thời điểm này đơn vị có được khoảng 60% đơn hàng sỉ cho mùa Tết. Tuy nhiên, năm nay chỉ khoảng 10 – 20%, còn lại phần lớn khách hàng vẫn nghe ngóng thị trường.

Tương tự, đại diện siêu thị đặc sản Thanh Hảo (TP.HCM) cho biết vẫn chưa dám “mạnh tay” đặt mua hàng đặc sản miền Bắc để chuyển vào Nam bán Tết như mọi năm, thậm chí các sản phẩm thông dụng như bánh chưng, giò chả… còn phải tính toán lại lượng hàng do lo ngại giá nhập tăng nhưng sức mua giảm vì dịch.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: