Hơn 100 năm qua, làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn chuyên sản xuất các sản phẩm đan lát bằng mây, tre, trúc… Làng nghề trăm năm tuổi Từ hơn 100 năm qua, làng nghề đan lát của xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đã là cái nôi cho ra đời những sản phẩm đan lát bằng mây, tre, trúc… như: thúng, nia, dần, sàng, giỏ xách… Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc… Hơn 100 năm qua, người làng Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn chuyên sản xuất các sản phẩm đan lát bằng mây, tre, trúc… Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng nghề, từ xa xưa làng nghề Thái Mỹ đã phân chia mỗi ấp, mỗi xóm sản xuất một sản phẩm chuyên biệt. Như ấp Mỹ Khánh thì chuyên đan giỏ, đan sàng; ấp Bình Hạ thì đan rổ, đan thúng,… Ở làng Thái Mỹ, nhà nào cũng trồng tre trúc, nó mọc khắp nơi, quanh nhà, sau vườn, ngoài đồng và rợp mát cả hai bên đường đi. Khi cần nguyên liệu đan, người ta sẽ chọn những cỡ cây phù hợp với loại sản phẩm họ làm, rồi đốn hạ và thực hiện nhiều công đoạn khác nhau để tạo ra nguyên liệu. Một góc ở cơ sở Mây tre lá của anh Lê Vinh Hạnh (ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ). “Để tạo ra được một sản phẩm chỉ có giá từ 5.000 – 25.000 đồng phải mất rất nhiều thời gian và theo quy trình đan lát như chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, chẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Một người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận” – bà Bảy (63 tuổi), người dân làng Thái Mỹ chia sẻ. Dần mai một Hiện nay, các sản phẩm đan lát đang bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm làm từ nhựa, nhôm, inox… vốn được ưa chuộng bởi tính tiện dụng. Đồng thời, theo thời cuộc, những thế hệ sau ở làng Thái Mỹ dần bỏ nghề của cha ông để tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ, trước đây có thời gian nghề đan lát Thái Mỹ phát triển mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của địa phương và là nguồn thu nhập chính của các hộ dân. Hiện nay cả xã Thái Mỹ chỉ còn khoảng 300 hộ dân (trong tổng số hơn 3.300 hộ dân toàn xã) còn duy trì nghề này. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế mang lại không cao nên càng ngày số người dân gắn bó với nghề ngày càng ít. Hiện nay cả xã chỉ còn khoảng 300 hộ dân (trong tổng số hơn 3.300 hộ dân toàn xã) còn duy trì nghề này. Với các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ chỉ mang lại mức thu nhập thấp khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Các cơ sở sản xuất còn hoạt động mạnh vì phục vụ xuất khẩu, nhưng mức thu nhập của công nhân cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Ông Phan Ngọc Châu, người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề đan lát ở làng Thái Mỹ cho biết thêm: “Những năm gần đây, thanh niên đổ xô vào các khu công nghiệp để làm công nhân, lên thành phố hay đi xuất khẩu lao động hết rồi. Giờ đây chỉ còn vài trăm nhà còn giữ nghề”. Được biết, để duy trì làng nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân và Hội phụ nữ xã Thái Mỹ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để mua nguyên liệu sản xuất, bên cạnh đó vận động bà con trồng trúc, tre để tăng thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, hàng năm Chi cục phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ cho các hộ gia đình nguyên liệu tre, trúc để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương đã nỗ lực để người dân Thái Mỹ có điều kiện giữ tổ nghề, nhưng việc bảo tồn và phát triển nghề đan lát ở làng Thái Mỹ vẫn là vấn đề chưa có hồi kết. Cùng thăm làng đan lát Thái Mỹ trăm năm tuổi ở Củ Chi qua chùm ảnh của PV Phunuonline thực hiện: Nguồn nguyên liệu phục vụ người đan được nhập từ nhiều nơi khác nhau: trúc được lấy tại địa bàn, còn tre, mây thì lấy từ Lâm Đồng, Bình Phước. Máy móc được áp dụng để thay thế việc gia công nguyên liệu bằng phương pháp thủ công nhằm rút ngắn thời gian làm việc và tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Một công đoạn để tạo ra nguyên liệu đan lát. Dùng máy chẻ tre, trúc để rút ngắn thời gian làm việc. Hiện vẫn còn nhiều hộ dân tự đan lát, rồi bán hoặc đan theo hợp đồng với các chủ cơ sở. Công đoạn thủ công đòi hỏi nhiều công sức hơn dùng máy móc. Những sản phẩm mang thương hiệu hàng trăm năm cho làng Thái Mỹ. Công việc đòi hỏi sức khỏe, sức bền và sự khéo léo. Phơi nan tre, trúc để làm nguyên liệu. Theo Phương Ngọc (Thực hiện)