Con ở thành phố lo khi bố mẹ dưới quê mắc Covid-19


Nhận tin mẹ ở quê test dương tính với SARS-CoV-2, Quỳnh Mai trằn trọc cả đêm vì lo lắng. Bản thân từng là F0, cô hiểu cảm giác của người bệnh.

Tối 22/2, Quỳnh Mai (27 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nhận được điện thoại của mẹ ở quê (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) thông báo mắc Covid-19. Cả đêm hôm đó, cô không thể chợp mắt vì lo bà thỉnh thoảng vẫn có bệnh lặt vặt.

“Mẹ mình 50 tuổi, là y tá ở trạm y tế xã. Dạo này số lượng F0 tăng nhanh quá, vài nhân viên y tế mà cả trăm ca mắc mới mỗi ngày. Tiếp xúc F0 nhiều, việc mẹ mắc bệnh gần như là không tránh khỏi. May mắn là bố mình ở chung nhà nhưng không sao”, Mai nói với Zing.

Tương tự Quỳnh Mai, nhiều người lo lắng khi đang ở thành phố, cha mẹ dưới quê không may thành F0. Không thể lập tức về chăm sóc, họ đành động viên tinh thần từ xa, gửi thuốc men và dặn dò để người thân sớm chiến thắng bệnh.

Con o thanh pho lo lang khi cha me duoi que mac Covid-19 anh 1
Nhiều người con xa quê lo lắng khi nhận tin bố mẹ mắc Covid-19 nhưng không thể về chăm sóc. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Động viên từ xa

Trong 2 ngày đầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà, mẹ của Quỳnh Mai bị sốt và ngày càng ho nhiều. Trước đó, bà đã tiêm 3 mũi vaccine.

Lo ở quê không có đủ thuốc, Mai đi tìm mua rồi gửi xe khách về. Do bố là F1 đang cách ly, cô nhờ bác ruột nhận giúp và mang sang.

“Mình và em gái vừa khỏi bệnh vào tháng 12 năm ngoái. Mình mua cho mẹ vài lọ xịt và súc họng vì trước dùng rất hiệu quả. Còn thuốc đặc trị thì để theo dõi thêm mới biết nên uống hay không. Nhiều hàng xóm quanh nhà mình cũng trở thành F0 do lây từ con cái đi học”.

“Không về được cũng lo lắm, mình chỉ biết động viên mẹ cố gắng ăn uống, bổ sung vitamin C và theo dõi sức khỏe. May mà mẹ cũng lạc quan, không có triệu chứng nặng”, cô nói thêm.

Bên cạnh đó, Mai nhờ bố chăm sóc mẹ nhưng dặn ông không quên bảo vệ bản thân. Ngày nào cô cũng gọi về nhà, hy vọng sớm nhận được tin tích cực.

Con o thanh pho lo lang khi cha me duoi que mac Covid-19 anh 2
Số thuốc được Mai mua gửi về quê cho mẹ. Ảnh: NVCC.

Hôm 19/2, anh C.D. (hiện sống tại Hà Nội) được mẹ ở quê Nam Định gọi điện báo tin là F0. Bà gần 70 tuổi, đã tiêm 2 mũi vaccine, bệnh nền nhiều nhưng chưa đến mức nguy hiểm, theo đánh giá chủ quan của anh.

Điều anh D. lo lắng nhất là mẹ anh chỉ có một mình. Thông báo với xã thì chỉ được ghi nhận và nhắc nhở không ra ngoài.

Mỗi ngày, anh D. gọi về 2 lần để hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ.

“Tôi dặn dò mẹ về cách phòng dịch, động viên bà lạc quan yêu đời, ăn uống điều độ và tập thể dục, xông mũi khi cảm thấy khó thở. Thế là bà yên tâm, tự chăm sóc bản thân”.

Hôm 24/2, sau 5 ngày phát hiện bệnh, mẹ anh D. đã test âm tính. Bà không cần nhiều thuốc men, chỉ nhờ hàng xóm mua giúp ít sả, gừng để xông.

“Qua được đợt này là mừng lắm. Tôi sẽ sắp xếp để sớm về thăm mẹ”, anh D. nói.

Hàng xóm giúp đỡ

Ngày 9/2, bà Hoàng Lan (67 tuổi, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tá hỏa khi con trai gọi điện về thông báo 2 vợ chồng anh đều dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm để vào công ty làm việc sau Tết Nguyên đán.

Nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh trong những ngày đi thăm hỏi họ hàng dịp Tết, con trai đề nghị vợ chồng bà Lan cùng 2 cháu nội làm xét nghiệm. Kết quả, bà và chồng cùng cháu trai 3 tuổi dương tính, cháu gái 5 tuổi chưa nhiễm bệnh.

“Dù đã tiêm đủ vaccine và xác định tâm lý có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào, tôi vẫn rất hoảng sợ, đặc biệt lo cho hai cháu nhỏ chưa được tiêm. Vì khu cách ly tập trung của địa phương đã quá tải, 4 người chúng tôi được nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà. Tôi cũng nhanh chóng thông báo với những người từng tiếp xúc gần để họ đề phòng”.

Những ngày đầu cách ly, bà Lan luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. “Con đi làm xa, tôi sợ 2 ông bà chẳng may trở nặng, không biết lấy ai chăm 2 đứa cháu”, bà bày tỏ.

Mỗi ngày, con trai và con dâu gọi điện nhiều lần về để theo dõi tình hình của bố mẹ cùng 2 con nhỏ. Bà Lan và chồng có một số triệu chứng nhẹ như sổ mũi, đau cơ. Cháu trai của bà không có triệu chứng bệnh.

Vì không thể gửi cháu gái đi chỗ khác, ông bà bố trí 3 người nhiễm bệnh ở nhà trên, cháu gái ở riêng nhà dưới để cách ly. Trừ lúc ăn uống, cả gia đình thường trực đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm chéo.

Con o thanh pho lo lang khi cha me duoi que mac Covid-19 anh 3
Nhiều gia đình là F0 được nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Bà Lan cho biết sau 2 năm dịch bệnh, gia đình bà đã nắm được nhiều thông tin về loại virus này nên bình tĩnh hơn trong cách xử lý. Hàng xóm xung quanh cũng không kỳ thị mà thường xuyên giúp đỡ, động viên.

“Không có con lớn ở nhà nhưng may mắn có hàng xóm ‘tối lửa tắt đèn kề bên’. Vừa nghe tin gia đình tôi nhiễm bệnh, cô cạnh nhà đi hái rất nhiều sả, chanh, gừng mang sang để tôi nấu nước xông. Mấy bà xung quanh cũng mua thêm đồ ăn để ngoài cổng nên chúng tôi không khó khăn gì nhiều”.

Hơn một tuần sau, cả gia đình bà Lan vui mừng khi đều có kết quả âm tính. Bà nói rằng điều quan trọng nhất khi nhiễm bệnh là không hoảng loạn, thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, sinh hoạt điều độ và giữ tinh thần lạc quan để vượt qua dịch bệnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế ngày 24/2, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 51.968 ca/ngày.

Đây là ngày đầu tiên Việt Nam phát hiện số mắc mới trong ngày đến gần 70.000 ca. Liên tiếp 7 ngày qua (tư 18/2 đến 24/2), đồ thị ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 người và vẫn trên đà tăng mạnh.

Nhiều tháng qua, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu tổng số ca mắc trong ngày. Hôm nay, thành phố này có 8.864 ca nhiễm, cao nhất từ trước đến nay.

Từ đầu tháng 2 đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 95.000 ca nhiễm, cứ 24 giờ tăng thêm gần 4.000 ca. Sau Hà Nội, Bắc Giang cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay với 4.171 F0. Liên tiếp 8 ngày qua, tỉnh này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm.

Ngoài ra, TP.HCM cũng ghi nhận sự gia tăng rất nhanh ca mắc Covid-19. Hôm nay, thành phố này có 2.466 F0, cao hơn ngày trước đó 1.015 ca.

Theo: Zing news

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: