Sống chậm với ‘Sài Gòn chữ vội trên vai’


Viết về cái “vội” của Sài Gòn, nhưng qua 30 tản văn, tác giả lại khiến người đọc muốn sống chậm hơn bao giờ hết.

Sài Gòn chữ vội trên vai‘ do Bác sĩ, nhạc sĩ Vũ Minh Đức chấp bút bao gồm 30 tản văn viết về Sài Gòn cùng những câu chuyện đời thường. Đó là 30 thông điệp gửi đến bạn đọc, qua đó tác giả mong muốn mọi người hãy sống chậm lại một chút giữa Sài Gòn vội vã này để cảm nhận cuộc sống quanh mình đẹp hơn, sống tử tế và ý nghĩa hơn.

Ấn phẩm Sài Gòn chữ VỘI trên vai bày bán tại các nhà sách toàn quốc.  Ảnh: NVCC

Ấn phẩm ‘Sài Gòn chữ VỘI trên vai’ hiện đang được bày bán tại các nhà sách trên toàn quốc.
Ảnh: NVCC

30 tản văn được chia thành 3 phần chính. Phần đầu là những câu chuyện đời thường nhưng lấp lánh và tỏa hương. Đó là lời chia sẻ hết sức bình thường nhưng đầy tinh tế trong Sài Gòn khi nào rảnh khiến không ít người phải soi lại chính mình và tự thay đổi. Đọc ‘Bà cụ têm trầu’, người đọc sẽ tự hỏi lòng mình: Có bao nhiêu người còn nhớ lá trầu miếng cau trên mâm cúng? Và những phong tục ấy liệu có mai một theo thời gian? Hay cái nhìn của con cái về mẹ cha từ ngày còn bé thơ đến ngày cha mẹ già yếu trong ‘Nhìn mẹ ngày trôi’ khiến bạn đọc sẽ thay đổi thái độ của mình dành cho cha mẹ.

Phần hai là những quan sát tinh tế của một trái tim nhân hậu. Nhịp sống Sài Gòn cuồn cuộn trôi. Ai cũng gánh chữ vội trên vai. Trong vô vàn những vội vã hối hả ấy, sống sao để mỗi ngày của mình ý nghĩa hơn. Tản văn với chữ “vội” được lấy làm tên của quyển sách cũng với lý do này. Người đọc sẽ nhận ra những quan sát của tác giả quyện trong cái nhân hậu, cái tử tế của con người với con người – như trong ‘Mưa cho gần nhau hơn’. Tác giả cũng dành một tản văn để viết về cái tình người giản dị nhưng vô cùng đáng quý của những người bệnh nhân dành cho ông bác sĩ trong ‘Chuyện con cua’.

Và phần thứ ba là những bài học nhỏ dễ thương. Xen lẫn trong những tản văn, chúng ta tìm thấy câu chuyện về tình cha con thật cảm động của tác giả dành cho 2 cô con gái yêu như trong ‘Mưa cho gần nhau hơn’, ‘Áo lá tuổi teen’. Tác giả cũng viết về những tình cảm của con cái mà bố mẹ cần phải quý trọng, nâng niu trong Sài Gòn, thi thoảng lo, Sài Gòn, những ly cà phê mùa hè. Ấn tượng nhất vẫn là những bài học ông bố dạy cho con cái thật khéo, thật thực tế và thuyết phục dù rất đời thường – như hạt phù sa bồi lắng cho cánh đồng tâm hồn các con thêm màu mỡ. Đó còn là bài học về lòng tử tế, về tính nhân hậu trong ‘Sài Gòn, những hạt cơm rơi, Sài Gòn, thương cả người dưng, Sài Gòn, tử tế ngày vui’.

Tác giả - bác sĩ/nhạc sĩ Minh Đức.  Ảnh: NVCC

Tác giả – bác sĩ, nhạc sĩ Minh Đức.
Ảnh: NVCC

Như một nét riêng của cuốn sách, bạn đọc sẽ cảm thấy thú vị khi cuối mỗi bài viết đều có vài vần thơ cô đọng như một nét ký họa riêng của Minh Đức :

Sài Gòn bé tẹo
Phố hiền queo
Mắt con nheo nheo
Dõi theo ba mỗi ngày

Những viên đá trong tay con
Những hạnh phúc vuông tròn
Chạy lon ton.

Mùa nào rơi lại
Mùi đât nghe ngai ngái
Ký ức về ướt vai

Tất cả đều là những câu chuyện nho nhỏ nhưng gửi gắm thật nhiều điều. Bằng cách buộc – gỡ tình huống khéo léo cùng những triết lý nhẹ nhàng, câu chữ mềm mại, quyến rũ, tác giả đã kể những câu chuyện tưởng chừng quá quen thuộc bằng trong một màu sắc mới hoàn toàn.

Bác sĩ/nhạc sĩ Vũ Minh Đức là cựu học sinh chuyên Toán Trường Bồi dưỡng học sinh giỏi, Trường Ngô Quyền, TP Biên Hòa. Anh là bác sĩ Chuyên khoa 2, chuyên môn Nội khoa, chuyên ngành Tim mạch, tu nghiệp tại Paris (Pháp), Sarawak (Malaysia).

Ở vai trò nhạc sĩ, Vũ Minh Đức là hội viên Hội Âm nhạc TP HCM từ năm 2007. Các ca khúc tiêu biểu như ‘Lặng lẽ mẹ tôi’, ‘Có lẽ vì’, ‘Cánh diều còn không’, ‘Sài Gòn ngày xa phố’, ‘Ngày không em’, ‘Cỏ xưa’, ‘Có lời nào ta lỡ quên’, ‘Mẹ là cánh cò yêu thương’, ‘Sang mùa’… Anh từng nhận nhiều giải thưởng của Hội Âm nhạc TP HCM, có 4 ca khúc được chọn vào live show Bài hát Việt.

Theo Phi Phi
Nguồn: news.zing.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: