Du lịch là một ngành đặc thù nên các chính sách liên quan cũng cần linh hoạt để phù hợp hơn. Việc mở cửa là cần thiết nhưng vẫn phải giữ ở mức an toàn. “Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn vì có mở cửa mới có khách du lịch. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ” là quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay. Ngành công nghiệp đặc biệt Như những gì truyền thông đã nói rất nhiều trong thời gian gần đây, thế giới sẽ chịu ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá nhiên liệu tăng, quãng đường di chuyển dài hơn… ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong ngành du lịch. Tuy nhiên, so với những gì ngành công nghiệp có khói phải hứng chịu, ngành công nghiệp không khói như du lịch sẽ chịu tác động nhỏ hơn. Và đó là lợi thế mà du lịch đem đến cho nền kinh tế nếu tận dụng tốt. Du lịch là ngành công nghiệp đặc biệt và cần được tận dụng để đem lại lợi ích kinh tế. Ảnh: CNN. Để tận dụng tốt ngành du lịch, cần phải hiểu rõ đặc điểm của ngành này. Bởi du lịch có những yếu tố phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc phòng chống dịch Covid-19 như đi nhiều nơi, ở trong nhiều môi trường (ngoài trời, phòng kín…), tiếp xúc nhiều nhóm lạ, liên kết nhiều ngành, đơn vị, địa phương. Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Với đặc thù của ngành du lịch, việc chỉ đạo hướng dẫn cần đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu, du khách cũng không biết thực hiện thế nào. Chúng ta cần khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế khẳng định. 5K vẫn là thứ tối quan trọng trong việc điều hành du lịch. Tuy nhiên, ông Phu cho biết không phải mọi K đều phải áp dụng mọi lúc, mọi nơi. Cụ thể, cần linh hoạt về việc áp dụng K nào, K nào hỗ trợ, bổ trợ cho các K khác… Trong du lịch 5K ở ngoài trời, tại bảo tàng và nhà hàng cũng cần khác nhau. Ví dụ, khẩu trang sẽ là thứ cần áp dụng tối đa. Khử khuẩn rất quan trọng. Vấn đề khoảng cách cần tùy theo nhóm, tùy đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn. Các nhóm du lịch phải chấp hành khai báo y tế để xác định nguy cơ lây nhiễm ở đâu, giúp xử lý gọn. Về cách xử lý, ông Phu nhấn mạnh không lạm dụng đánh giá F1 và cần cách ly theo quy định. Những quyển cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn cũng cần được biên soạn, phát hành và gửi tới tay du khách để họ nắm rõ quy định. Có cần lo sợ đón khách quốc tế? Gần đây, câu chuyện đón khách quốc tế thế nào đang trở thành tâm điểm được ngành du lịch quan tâm. Về vấn đề này, ông Phu nhấn mạnh việc mở cửa phải an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Số ca mắc của cả nước tính tới 4/3 là hơn 4 triệu ca, nguồn lây chủ yếu từ trong nước. Hiện nay, 63/63 tỉnh thành đều đã có dịch. Do đó, chúng ta chỉ nên đặc biệt chú ý nếu có chủng mới từ nước ngoài xuất hiện. Chỉ nên lo sợ khi có chủng mới từ nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà. “Dịch xảy ra trên phạm vi cả nước nhưng tỷ lệ mắc, tử vong hay tiêm là khác nhau ở mỗi tỉnh thành. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để mở cửa du lịch khép kín theo từng địa phương. Chúng ta mở cửa an toàn vì có mở cửa mới có khách du lịch”, ông Phu chia sẻ quan điểm. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế cho biết chính sách cách ly cho người nhập cảnh cần được thực hiện thuận tiện. Hiện tại, đang có đề xuất người có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24 giờ không phải cách ly. “Mong rằng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng ta có thể thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Việt Nam cũng cần mạnh dạn mở cửa ngày 15/3 tới đây”, ông Phu nhấn mạnh. Theo: Zing news