Cột mốc 15/3 đã tới rất gần. Tuy nhiên, lúc này, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ Chính phủ hướng dẫn việc đón khách quốc tế. Dù thực tế du khách nước ngoài đang dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, việc đón khách vẫn còn là dấu hỏi. Khách quốc tế muốn tới Việt Nam Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Dữ liệu phân tích từ Google Destination Insights (công cụ theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy lượt tìm kiếm bắt đầu tăng từ tháng 12/2021. Cuối năm 2021 đến đầu tháng 1, con số này tăng vọt. Vào 1/1, lượt tìm kiếm đã tăng đến 222% so với tháng trước và 248% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao. Thậm chí vào 21/1, con số này đã tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Và vào 3/2, nó đã tăng 374% so cùng kỳ. “Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới. Nó tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói. Kỳ vọng cho du lịch Việt Nam trở lại vào năm 2022 là khả quan nhưng vẫn cần có những điều kiện thuận lợi hơn. Ảnh: Hiệp hội Du lịch Phú Quốc. Trước đó, vào 9/3, phía Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (US-ABC) cùng một số lãnh đạo cấp cao của những công ty thành viên. Trong buổi gặp mặt này, đa số nhận xét Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên của khách quốc tế. Vấn đề ở chỗ Việt Nam cần có những chính sách cởi mở hơn. Expedia – công ty mua sắm, du lịch trực tuyến có trụ sở tại Mỹ – cho biết họ đã có báo cáo về nhu cầu năm 2022 của khách du lịch. Theo đó, du khách muốn có những trải nghiệm mới và sẵn sàng chi tiêu nhiều cho du lịch. Việt Nam đang nằm trong danh sách điểm đến mới này. “Xu thế chung là du khách sẽ chọn các quốc gia có thủ tục, quy định nhập cảnh, kiểm dịch đơn giản, rõ ràng. Để thu hút du khách trong bối cảnh cạnh tranh cao, các nước đồng loạt mở cửa, Việt Nam nên đơn giản hóa thủ tục và đẩy mạnh phổ biến thông tin”, phía Expedia nhận xét. Trong khi đó, đại diện Agoda đề xuất Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, những chính sách thị thực cần cởi mở, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Việt Nam cần làm gì? Quan điểm từ các công ty lữ hành quốc tế cũng là điều nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam mong mỏi suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc mở cửa thế nào cần tìm được tiếng nói chung của nhiều bộ, ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới. Thực tế, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo “mở cửa du lịch một cách sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, cần đảm bảo lộ trình an toàn, khoa học, phù hợp, không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện nhất quán”. Xét trên yêu cầu từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra phương án mở cửa lại hoạt động du lịch cả quốc tế lẫn nội địa từ 15/3. Tuy nhiên, vấn đề nhập cảnh vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ Bộ Y tế. Do đó, phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã báo cáo lại với Thủ tướng, Chính phủ xem xét và quyết định. Việt Nam chưa đi đến quyết định cuối cùng đối với vấn đề nhập cảnh của khách quốc tế dù thời hạn 15/3 đã rất gần. Ảnh: Visit Tam Coc. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế, phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện. Trong phương án mở cửa đang được xin ý kiến các Bộ ngành liên quan, Tổng cục Du lịch đề xuất nhiều quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú khi mở cửa du lịch từ 15/3 như: thay đổi về quy định xét nghiệm Covid-19 đối với du khách, giảm mức trách nhiệm tối thiểu đối với bảo hiểm du lịch chi trả điều trị Covid-19, chính sách thị thực cho khách nhập cảnh… PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vừa qua cũng nói rõ quan điểm về chuyện này: “Chính sách cách ly với người nhập cảnh cần thực hiện thuận tiện. Số ca mắc của cả nước tính tới 4/3 là hơn 4 triệu ca, nguồn lây chủ yếu từ trong nước. Hiện nay, 63/63 tỉnh thành đều đã có dịch. Do đó, chúng ta chỉ nên đặc biệt chú ý nếu có chủng mới từ nước ngoài xuất hiện”. Ngoài ra, vấn đề thị thực với khách nước ngoài cũng khiến nhiều công ty du lịch đau đầu. Họ thừa nhận rất nhiều đoàn khách mong muốn du lịch Việt Nam nhưng không hiểu chính sách visa như thế nào? Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch. Vừa qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đều đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh. Trong thời gian tới, Việt Nam cũng tích cực quảng bá hình ảnh du lịch đất nước với thông điệp “Live fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam”. Sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch Covid-19, từ “Zero-Covid” chuyển sang “sống chung với Covid-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… đã cho phép đón khách du lịch quốc tế. Liên minh Châu Âu (EU) mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện. Với tình hình cạnh tranh gắt gao từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, câu chuyện mở cửa ở Việt Nam cần sớm đi đến một thông báo cuối cùng. Bởi theo nhiều chuyên gia du lịch, việc chậm trễ sẽ khiến Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội. Theo: Zing news