Lợi thế lớn của chung cư cũ tại TP HCM là tập trung ở khu vực trung tâm. Từ lâu, các tòa nhà cũ này trở thành “chợ bí mật” để kinh doanh thời trang tự thiết kế của nhiều bạn trẻ. Cũng như xu hướng mở quán cà phê ở các tòa nhà chung cư cũ, mở shop thời trang tại các tòa nhà này ở trung tâm TP HCM đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Thuê căn hộ chung cư cũ kinh doanh thời trang được cho là tiết kiệm tối đa chi phí, vì giá thuê rẻ hơn mặt tiền nhưng lại tập trung ở nơi thuận tiện mua bán. Chung cư hơn 100 tuổi vẫn hot Sầm uất hơn hẳn là chung cư Lý Tự Trọng và chung cư Tôn Thất Đạm cùng ở quận 1. Hai nơi này được mệnh danh là “khu chợ thời trang”. Ở chung cư Tôn Thất Đạm, ngay lối giao với đại lộ Võ Văn Kiệt dày đặc những shop thời trang, quán xá. Khu nhà cũ kỹ, ẩm thấp, không có thang máy, tối tăm nhưng giá thuê không hề rẻ, dao động 5 triệu/tháng cho căn có diện tích nhỏ nhất, chỉ 15 m2. Ở cầu thang dẫn lên tầng một, gần 20 biển hiệu bằng gỗ, vẽ tay chỉ lối lên quán xá, rải đều từ tầng một đến tầng bốn. Anh Thành, một người cho thuê căn hộ cho biết, hiện chung cư đã cho thuê kín hết tất cả phòng. Ông Nguyễn Văn Hiệp, quản lý chung cư 26 Lý Tự Trọng cho biết, phòng 50 m2 nhìn xuống đường có giá thuê trên 20 triệu/ tháng. Với những phòng 130 m2 sẽ có giá thuê dao động 40 – 45 triệu/ tháng. Bà Thu Hà, Tổ trưởng chung cư 14 Tôn Thất Đạm, một trong những chung cư cổ nhất Sài Gòn, cho biết, chung cư này đã 130 tuổi, nhiều lớp sơn bong tróc nhưng tất cả các phòng ở đây đã được lấp kín. Giá thuê mỗi phòng dao động 6 -10 triệu/ tháng. Các shop thời trang tại chung cư cũ ở trung tậm quận 1 thường là hàng tự thiết kế với nhiều mẫu mã “không đụng hàng”, nên rất được lòng khách.Ảnh: Phạm Oanh Người đến hỏi thuê thường sử dụng cho mục đích phổ biến như kinh doanh quần áo, giày dép, quán cà phê hay quán ăn. Ngoài tiền mặt bằng, người thuê còn phải tự chi trả các khoản điện, nước, Internet. Chủ shop quần áo Dear ở tầng hai và tầng bốn chung cư Tôn Thất Đạm nói, bạn tận dụng luôn không gian căn hộ làm nơi ngủ vào ban đêm. Ngoài lợi thế ở trung tâm nhưng chi phí mặt bằng rẻ hơn trung tâm thương mại, vẻ cũ kĩ của chung cư cũ cũng thu hút nhiều người thích khám phá đến chụp hình. Các cửa hàng tập trung trong một tòa nhà thuận tiện cho việc đi lại. Khách đến mua hàng có thể dạo một lần hết các shop mà không phải di chuyển nhiều. Các cửa hàng cũng có thể trang trí, thiết kế không gian theo ý đồ kinh doanh của mình. “Ở trung tâm thương mại hay cao ốc hạng sang thì việc thiết kế theo ý mình là không thể. Tất cả phải quy hoạch theo từng phân khu”, chủ một shop thời trang ở chung cư trên đường Pasteur, quận 1 cho biết. Từ khi hình thành các chợ thời trang ở chung cư cũ, dịch vụ gửi xe bên dưới chung cư trở nên nhịp nhịp, khó kiểm soát. Tại chung cư Lý Tự Trọng, giá gửi xe là 5.000 đồng/lượt, các chung cư khác 6.000-10.000 đồng, nhưng hạn chế thời gian. Bảo vệ thường từ chối những xe gửi hơn 2 giờ. Kéo khách bằng độc, lạ Khi thuê căn hộ kinh doanh, mỗi của hàng sẽ tự trang trí lại, mỗi nơi sẽ tạo dấu ấn theo cách khác nhau. Chi phí cho việc thiết kế và trang trí là trên 100 triệu đồng. Có shop tạo không gian ấm cúng, gần gũi, có nơi chọn kỳ quái, chỗ chọn sôi nổi, tùy đối tượng khách hàng. Không gian shop là một trong những yếu tố thu hút khách. Đa số các cửa hàng thay đổi cách trang trí tùy theo mùa, cập nhật xu hướng mới. Bạn My cho biết, cửa hàng bạn liên tục thay đổi cách trang trí để thu hút khách. Đôi khi chỉ là thay đổi mặt trước cũng sẽ mất chi phí hơn 10 triệu. Một trong những cửa hàng giày dép second-hand được nhiều người trẻ săn lùng trên mạng xã hội: “Xóm Mê Giày”, thuê một căn phòng nhỏ chỉ khoảng 10 m2 trên tầng hai chung cư 26 Lý Tự Trọng, quận 1. Căn hộ nhỏ nhất nhì chung cư tận dụng được không gian cho hai cửa hàng: một shop giày và một shop trang sức. Quản lý cửa hàng cho biết, với giá thuê 10 triệu/tháng, hai shop này của cùng một người chủ, chủ yếu quảng bá cho không gian trưng bày giày dép second-hand. “Khi khách tới xem giày tự động sẽ tò mò xem luôn tủ bày trang sức”, bạn nói. Dày đặc những bảng hiệu chỉ đường lên các shop ở một căn chung cư cũ ở trung tâm quận 1.Ảnh: Huỳnh Duyên Trong không gian tối giản hết sức đồ dùng trang trí, khoảng gần 50 đôi giày được bày la liệt dưới nền đất, mỗi đôi bán giá khoảng 200.000 – 1.000.000 đồng, trang sức từ 100.000 đồng trở lên. Cùng một tầng với shop giày, có khoảng từ 2-3 căn hộ khác cũng được cho thuê làm shop thời trang. Căn phòng cuối dãy được cải tạo, dát kính toàn phần vách, diện tích gấp bốn lần với giá thuê vào tầm 50 triệu/tháng. Ngoài ra, nắm bắt xu hướng chuộng đồ độc, lạ của giới trẻ, các shop tự thiết kế những mẫu sản phẩm độc quyền. Nhiều cửa hàng kinh doanh hoàn toàn đồ handmade, tự thiết kế và may thủ công. Chị Thu Hằng, nhân viên cửa hàng tại chung cư 42 Nguyễn Huệ quận 1, cho biết shop đã mở hơn 9 tháng, kinh doanh nhiều nhãn hiệu, tập trung vào khách hàng là giới trẻ và nhân viên văn phòng. Giá cả cũng đa dạng, dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Dẫn đường cho khách đến cửa hàng từ Facebook Khách đến các shop trong chung cư sẽ khó nhận diện nếu không tìm hiểu trước. Chủ cửa hàng khắc phục nhược điểm này bằng cách tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội. Hầu hết các shop đều có fanpage để cập nhật những mẫu mới, xem phản hồi và đặt hàng online. “Lượng khách chính là người mua sắm trực tuyến. Trưng bày, chào hàng, tìm khách chủ yếu tận dụng lợi thế của mạng xã hội, các trang mua bán thương mại điện tử. Họ xem hàng trên mạng, đặt hàng, và tới nơi để lấy”, quản lý một shop giày ở chung cư Lý Tự Trọng nói. Đây cũng là cách làm chung của các shop mua bán ở chung cư. Theo Hà My, nhân viên cửa hàng tại chung cư 42 Lý Tự Trọng, tất cả sản phẩm tự thiết kế phục vụ đối tượng đa dạng, giá trên 500.000 đồng. Do không thể để bảng trước chung cư, shop thường quảng cáo trên Facebook, kèm theo số điện thoại để chỉ đường cho khách. Thảo Nguyên, một khách hàng ở quận 9, TP HCM cho biết, đây là lần đầu tiên đến đây. Tìm thấy thông tin các shop chung cư 26 Lý Tự Trọng trên Facebook, ấn tượng với những mẫu thiết kế độc nên dù ở khá xa vẫn đến mua. Hầu như các shop đều phải chỉ vẽ thông tin về đường đi, chỗ gửi xe, thậm chí hướng cầu thang lên cửa hàng luôn phải thường trực trên trang Facebook cá nhân và cả trang Fanpage, cũng như trực điện thoại khi có người hỏi đường. “Khách ít nhiều sẽ ‘lười’ với nơi gửi xe không thuận tiện. Vì vậy shop phải hướng dẫn đường, hỗ trợ chi phí gửi xe”, chủ một shop trang sức nói. Lợi thế lớn của những điểm kinh doanh chung cư cũ là sự lui tới thường xuyên của khách nước ngoài. Các chung cư Lý Tự Trọng, Tôn Thất Đạm đều nằm trên trục đường chính, lượng khách du lịch vãng lai khá lớn. Theo như người quản lý một quán cà phê ở tầng bốn chung cư Tôn Thất Đạm: “Khách nước ngoài ham khám phá. Khi xem quần áo xong, theo quán tính, họ sẽ ghé vào quán nước hoặc đồ ăn sát bên, vì vậy các phòng kinh doanh sát nhau chia sẻ lượng khách rất đều”. “Cũng chính vì có nhiều khách Tây nên mặt hàng của mình chú trọng tới yếu tố lạ mắt, thuần Việt, đặc trưng một chút so với hàng phổ thông bên ngoài”, chị Ly, bán hàng ở một shop giày dép ở tầng 4 chung cư Tôn Thất Đạm cho hay. Theo Phạm Oanh – Huỳnh Duyên/zing.vn