Nhiều thực khách phải thức dậy từ 6h và xếp hàng hơn 30 phút để tìm được hương vị ẩm thực Hà Nội giữa lòng TP.HCM. Phần xôi gói bằng lá sen thu hút sự quan tâm của nhiều thực khách. Ảnh: Khánh Linh. Xôi là món ăn yêu thích của nhiều thực khách. Mỗi vùng miền cũng sẽ có cách chế biến khác nhau để tạo nên hương vị riêng. Gần đây, một gánh xôi Bắc ở TP.HCM nhận được sự quan tâm của nhiều người. Không ít khách hàng đã phải dậy sớm, xếp hàng hơn 30 phút với mong muốn tìm được hương vị ẩm thực miền Bắc ở TP.HCM. Xếp hàng chờ ăn xôi Hàng xôi nhỏ nằm trên đường Ngô Thị Thu Minh (quận Tân Bình, TP.HCM) lúc nào cũng trong tình trạng đông khách. Cũng như tôi, nhiều thực khách khác đã có mặt chờ sẵn từ sớm. Không biển hiệu cầu kỳ, đúng 6h30, cả gia đình chủ hàng xôi cùng nhau dọn dẹp, bày biện. Trên nền diện tích khoảng chừng 10 m2, chỉ có một chiếc bàn nhựa kê những thau xôi nóng hổi, gia vị và đồ ăn kèm. Quán bán 3 loại gồm xôi ngô, xôi xéo và xôi cốm. Theo chủ quán, xôi ngô bán cùng xôi xéo mới chuẩn vị Bắc. Một phần xôi ở đây sẽ có giá từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng. Lượng khách đông, cộng thêm nhiều người mua với số lượng lớn nên xôi hết khá nhanh, thường sau 3 tiếng đồng hồ mở bán. Theo quan sát của phóng viên, xôi cốm là món hết sớm nhất và chủ quán cũng nấu ít hơn so với xôi ngô và xôi xéo. Ngoài việc dậy và xếp hàng giữ chỗ từ sớm, mỗi khách thường phải chờ 10-15 phút, vào khung giờ cao điểm có khi lên đến 30 phút để mua được một gói xôi. Quán bán 3 loại gồm xôi xéo, xôi ngô và xôi cốm. Ảnh: Khánh Linh. Tuy nhiên, điều này không làm thực khách cảm thấy khó chịu. N. Tân (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ với Zing: “Tôi cảm thấy thú vị dù phải xếp hàng rất lâu. Tôi háo hức được thưởng thức món xôi cốm để trải nghiệm mùa thu của Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng muốn thử hương vị xôi Bắc”. Cũng như vị khách trên, Mỹ Vi (quận Tân Phú, TP.HCM) và người bạn của mình đã phải thức dậy từ 6h và di chuyển quãng đường hơn 6 km để thưởng thức gói xôi cốm hương vị Hà Nội. Vi cũng đã lường trước việc phải xếp hàng khi đến đây nhưng vẫn muốn thử vì tò mò hương vị ẩm thực Bắc. Việc hàng xôi bỗng trở nên nổi tiếng hơn khiến nhiều khách quen cảm thấy không hài lòng. “Cứ quay chụp đưa lên mạng lại càng đông thôi, xếp hàng lâu còn lấn chiếm vỉa hè”, tôi đã phải nghe câu nói này không dưới 3 lần mỗi khi đưa máy ảnh lên. Khi hỏi về vấn đề trên, chủ quán cho biết: “Thật sự, khách quen sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi bán xôi hơn chục năm nay và đã đông khách từ trước. Khách là người ‘biết ăn’ và ‘biết cảm nhận’ sẽ thấy xứng đáng”. Nhiều khách sẵn sàng xếp hàng giữ chỗ từ khi quán chưa mở bán. Ảnh: Khánh Linh. “Tôi là người gốc Hà Nội. Từ khi vào TP.HCM, tôi luôn muốn tìm quán xôi Bắc chuẩn vị. Hạt xôi của quán mẩy, ruốc thịt rõ vị, hành rất thơm và nêm nếm vừa phải. Ngoài ra, giá thành ở đây phải chăng”, T. Kiên (Gò Vấp), khách quen của tiệm xôi, chia sẻ về lý do sẵn sàng chờ đợi và chọn đây là quán quen suốt 3-4 năm. Có thể thấy hương vị “chuẩn Bắc” là lý do hàng xôi không biển hiệu này luôn đông đúc và được nhiều thực khách săn đón. Hương vị chuẩn Bắc? Vốn gốc Bắc, chủ quán nấu xôi theo đúng hương vị truyền thống, không điều chỉnh hay gia giảm theo khẩu vị quen thuộc ở TP.HCM. Chủ quán xôi bên hông chợ Phạm Văn Hai tiết lộ để có một gói xôi chuẩn vị Bắc, cần nhiều yếu tố kết hợp với nhau như nếp, cách đồ xôi, gia vị, đồ ăn mặn đi kèm hay thậm chí là lá sen bọc bên ngoài. Chủ quán làm liên tục không ngơi tay. Ảnh: Khánh Linh. “Hạt nếp phải nhập trực tiếp từ ngoài Bắc vào thì mới ra được cái dẻo, thơm của xôi Bắc. Ngoài ra, ruốc phải giã tay mới cảm nhận rõ mùi thơm của thịt”, chủ quán cho biết. Bên cạnh đó, vốn có nghề giò chả nên chả mỡ quán sử dụng cũng được đặt xưởng làm theo công thức riêng, dậy mùi nước mắm hơn các loại khác trên thị trường. Theo chủ quán, dầu hành là một nguyên liệu không thể thiếu của một gói xôi ngon. Nó quyết định 70% độ ngon của món xôi Bắc. Dầu hành phi xong phải trong, dậy mùi thơm mới là đạt chuẩn. Muốn có phần dầu ngon phải chú ý từ khâu chọn hành, bóc vỏ, thái lát và kỹ thuật phi. Khi hỏi về món xôi cốm, chủ quán xôi cho biết đây là món yêu cầu sự khéo léo bởi xôi cốm rất dễ vón cục và nhão. Lúc đó vị cốm sẽ nhạt, không dậy mùi. Xôi cốm tại đây được nấu từ nếp kết hợp với đậu xanh và trộn chung với dừa. Hạt nếp và cốm dẻo thơm, vị ngọt dịu. Tôi cảm nhận món xôi này khá dễ ăn, không nhanh ngán như các vị xôi ngọt khác. Lá sen tươi cũng giúp phần xôi bên trong dậy mùi hơn. Ảnh: Khánh Linh. “Quán tôi sử dụng cốm sấy khô, cấp đông sẽ dùng được quanh năm. Hạt cốm này sẽ không ngon bằng cốm lá me nhưng thời gian bảo quản được lâu hơn. Cốm lá me thường chỉ có trong khoảng 15-20 ngày”, ông chủ cho biết. Một trong những điểm đặc biệt tạo nên vị xôi Bắc chính là lá sen. Trước đây, quán cũng sử dụng hộp nhựa nhưng khí hậu trong Nam khó bảo quản xôi bằng loại hộp này. Thời tiết nóng nực cộng thêm độ nóng của xôi khi bỏ vào hộp nhựa sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn. Sử dụng lá sen ngoài để giữ nguyên hương vị truyền thống mà còn giúp xôi có hương thơm nhẹ, giữ được độ ấm, dẻo của hạt nếp. Được biết, lá sen quán sử dụng là lá sen tươi, được nhập từ Đồng Tháp, Long An. Trước khi gói xôi, lá phải được rửa sạch và phơi ráo nước. Xôi khi gói bằng lá sen sẽ ám thêm mùi thơm của lá, tạo ra được cái riêng của xôi bắc. Ngoài hương vị, chủ quán còn nhận mình là người buôn bán theo kiểu miền Bắc. “Trước đây tôi chỉ mở bán khoảng 45 phút đến 1 giờ. Sau này bán lâu hơn lại có khách muốn tôi bán sớm hơn. Tuy nhiên, tôi quan niệm chất lượng hơn số lượng nên chỉ bán một lượng vừa đủ và không chiều lòng riêng ai”, chủ quán xôi cho biết. Theo: Zing news