Triệu hoa màu tan hoang, vạn mái nhà điêu tàn, ngàn gia đình chổng chơ, và trăm kiếp người lầm than… Thế nhưng, chưa bao giờ bão lũ có thể quật ngã được ý chí kiên cường và tinh thần lạc quan của những con người miền Trung nghèo khổ, can trường ấy. Cả nước chung tay hướng về đồng bào miền Trung bão lụt Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương… Bình Định quê tôi, nơi có những con người sinh ra, lớn lên và mất đi trên sóng biển. Cứ vậy, trăm thế hệ tiếp nối nhau ra khơi, tôi cũng quen dần với mất mát. Dẫu vậy, chẳng ai đem lòng trách móc hay than thở mảnh đất nghèo nàn này. Quê tôi, làng chài nhỏ vẫn đong đầy những ký ức một thời lam lũ của cha, của mẹ. Tôi sao quên được buổi “đại tang” quê nghèo thuở bé. Ngày ấy, hầu hết đàn ông trong làng đều bám biển. Từ đời ông bà, cha chú, cậu cháu,… cứ lần lượt nối nhau ra khơi. Số ngày ở lại đất liền chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Ăn trên thuyền, ngủ trên thuyền và làm việc trên thuyền. Họ sống cuộc đời trên những ngọn sóng và tiếng vỗ mạn thuyền. Có khi nửa năm trời, vợ không gặp mặt chồng, mẹ không gặp được con… Tất cả đã trở thành lẽ hiển nhiên gắn với nghiệp nghề. Những chuyến tàu ra khơi mỗi sớm. Nguồn: mytour.vn Năm đó, thuận gió, thuyền đi xa câu mực nang – loại đặc sản chỉ xuất hiện mỗi khi biển động. Ai cũng mong muốn chuyến này về lại có thêm tin vui, Tết có cái sắm sửa tươm tất. Ngày thứ hai, tin phát trên loa bão đổ bộ làm nhà nhà thấp thỏm. Cả làng thức trắng, chỉ mong đợi một vài tin ngắn gọn truyền tới. Nhiều phận đàn bà nghe được ít lại thổi phồng làm bao người khóc đứng, khóc ngồi. Nhiều ngày dài trôi qua, hy vọng mỗi lúc càng mong manh. Tôi còn nhớ rõ cảnh bác Thu ôm con khóc nấc trước biển. Không một dòng tin tức, bác ấy kể ngày chồng đi chỉ để lại lời nhắn qua Tết có thêm tiền cất cái nhà cho đàng hoàng. Còn bác Phúc, đêm nào cũng quỳ trước bàn thờ tổ, mong cho chồng con trở về. Cả nhà có 4, 5 người đàn ông thì cả thảy đều đi chuyến này. Bác cảm thấy giận lắm! Vì cái mồm suốt ngày càu nhàu của mình. Giờ, thì cả nhà quay về, nghèo chịu nghèo, bác cũng không cho ai ra biển. Dân chài phải đối mặt với bao ngọn sóng dữ. Nguồn: tin247.com Đêm thứ bảy, tin phát đi ngắn gọn: “Đội cứu hộ vớt được một chiếc thuyền ngoài khơi xa.” Cả làng ai cũng tụ lại dưới sân và sẵn trong lòng cả những dự tính mờ mịt. Đêm hôm đó, một đêm dài lê thê… Nghe phong phanh đâu có người trở về, ai cũng mừng rỡ. Hơi ích kỷ nhưng người nhà nào cũng chỉ cầu nguyện cho chồng con mình. Bác Thu trở về. Người đàn ông duy nhất không biết bơi và lần đầu tiên lên thuyền trở về, một mình. Bác quỵ xuống giữa sân nhà, òa khóc nghẹn như một đứa trẻ. Câu xin lỗi đứt nhịp. Nước mắt vỡ òa, phần vui cho bác Thu, phần đã hiểu được mọi chuyện. Ngày cuối cùng, hứa hẹn ra khơi của chồng con giờ là những mảng màu đen khịt. Quê tôi ngày ấy trắng cả khăn tang. Không khí đau thương bao trùm một vùng lớn. Ai cũng buồn, ai cũng khóc vì những mất mát quá lớn. Tấm khăn đeo trên đầu nhưng chồng con thì còn nằm lại đó – giữa khơi xa ngàn trùng. Những chuyến tàu trở về đôi khi đầy nước mắt. Nguồn: mot_photo_design Bác Thu kể lại: Sóng biển đánh lật thuyền nên nhiều anh em phải nhảy khỏi tàu. Bác Phúc biết anh không bơi được nên đã lấy 2 can nhựa cột hai bên bã vai. Bác nhường nó cho anh, nhắn gửi anh hãy cố gắng sống. Rồi bác nhảy khỏi tàu, bơi đi giữa biển. 3 ngày lênh đênh, không ăn, không uống, anh ngất đi. Đến lúc mở mắt ra đã thấy mình trên tàu cứu hộ. Anh em trên thuyền, mỗi người một nẻo, có nhiều người còn bất lực nằm lại trong tàu chờ chết. Rồi những ngày tiếp theo, bao nhiêu nén hương thả vào biển, bao người đứng trước biển khóc đến lịm người. Biển vẫn xanh, không một lời nhắn gửi lại. Kể từ đó, bác Thu không ra biển nữa. Bác về nhà “chồng cày, vợ cấy” sống qua ngày. Song, sau này, nghiệp bám biển vẫn được tiếp nối. Họ xuề xòa bảo: “Sinh ra ở biển thì chết cũng là trở lại với biển mà thôi!”. Nỗi đau qua đi, ai sống vẫn phải tiếp tục. Câu chuyện ngày ấy lại trôi vào dĩ vãng. Nước mắt cạn dần và nhịp sống vẫn tuần hoàn. Bởi lẽ: Họ sinh ra từ biển, nên muôn đời sẽ sống cùng biển. Nguồn: sohatravel.vn Mấy nay, quê tôi lại phải hứng chịu bao nhiêu thiệt hại từ bão lũ. Tôi liên tục gọi về nhà hỏi thăm tình hình ba mẹ. Nước lũ đánh sập chiếc cầu nối liền hai xã khiến bà con bị chia cắt, cái ăn, cái uồng dần trở nên đói khát. Chưa kịp tạnh mưa, trai trong làng lại vác cuốc, xẻng, rựa,… nhà ai có gì vác nấy đi sửa cầu. Những giọt mồ hôi nhòa trong cơn mưa lớn nhưng ai nấy cũng hăng hái. Đôi khi họ làm, họ vất vả chỉ vì hai chữ “quê hương”. Mỗi người một tay, làm việc sáng đêm. Ảnh: Hồng Hải Người vác đá trên vai, người đào đất, người rào sắt… ai cũng ra sức phụ giúp một tay, xong việc lại rít một hơi thuốc – nhẹ nhõm. Chiếc cầu chẳng mấy chốc đã được dân dựng lại. Tuy không kiên cố nhưng ai nhìn nhau cũng mặt mừng vì có thể đi cứu trợ các địa bàn bị chia cắt. Chẳng mấy chốc chiếc cầu mới đã được hoàn thành. Ảnh: Hồng Hải Sau cơn mưa, trời lại sáng. Cơn bão đã “cướp đi” nhiều và nhiều lắm nhưng chưa bao giờ làm “sụp đổ” sức sống mãnh liệt của những con người chân chất quê tôi. Dù biết rằng tương lai nghèo đói, bão lũ vẫn hết sức ám ảnh nhưng chưa một ai cảm thấy căm ghét mảnh đất khắc nghiệt này. Bởi lẽ: Họ sinh ra từ biển, nên muôn đời sẽ sống cùng biển. Biển cho họ nhiều những cũng lấy đi không ít. Là máu, là nước mắt, là nỗi đau dai dẵng… Theo Huy Hậu