Giao thông áp lực vì tăng tốc các công trình trọng điểm


Mở rộng rào chắn, đảo lộn lưu thông

Đúng 29 Tết Giáp Thìn (8.2), toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ được rào chắn để thi công đốt hầm giữa. Sở GTVT cấm các loại xe lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Thọ băng ngang đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Thay vào đó, xe tải từ Q.7 sang H.Nhà Bè đi theo đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Linh (2 làn xe ô tô), quay đầu tại vị trí trước cầu Tư Dinh hoặc trước trạm thu phí để nhập vào đường Nguyễn Văn Linh rồi rẽ phải đường Nguyễn Hữu Thọ. Xe máy và ô tô con đi theo lộ trình đường Nguyễn Hữu Thọ – rẽ phải đường Nguyễn Văn Linh (2 làn xe hỗn hợp) – quay đầu xe trên đường gom dưới cầu Ông Lớn – đường Nguyễn Văn Linh – rẽ phải đường Nguyễn Hữu Thọ.

Thông tin đóng nút giao khiến rất nhiều người dân sống ở khu vực Q.7 và H.Nhà Bè lo ngay ngáy trước ngày trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ tết bởi khu vực này vốn đã thường xuyên ùn ứ. Đóng nút giao 24/24, kẹt cứng là viễn cảnh mà hầu hết những lái xe thường xuyên di chuyển khu vực này lo ngại. Thế nhưng, thực tế nửa tháng qua cho thấy tình hình giao thông khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ tương đối ổn định.

Giao thông áp lực vì tăng tốc các công trình trọng điểm- Ảnh 1.

Đóng nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ là “bài toán” khó nhất cho công tác điều tiết giao thông tại TP.HCM hiện nay

Tình trạng xe nối đuôi nhau xếp hàng từ đoạn giao với đường Đông – Tây (xã Phước Kiển, Nhà Bè) qua cầu Rạch Đĩa 2 tới khu vực nút giao giảm hẳn so với trước. Từ sân bay Tân Sơn Nhất về Phước Kiển lúc 19 giờ mùng 8 (17.2), chị Mai Dương vừa đi vừa lo kẹt xe. Tuy nhiên, vừa tới đoạn siêu thị Lotte trên đường Nguyễn Hữu Thọ, tài xế taxi bất ngờ rẽ phải vào đường nội khu đô thị Him Lam, sau đó chạy theo hướng đường D4, ra D1 cặp bờ sông qua tới đường gom dưới cầu Ông Lớn. Cả đoạn đường thoáng đãng, xe chạy veo veo.

“Quẹo luôn đường này cho thoáng, chạy thẳng tới Nguyễn Văn Linh mới vòng qua sợ chen với container kẹt lắm. Với một phần chắc mọi người nay chưa vào hết, chờ sang tuần tới mới ngấm đủ”, bác tài chậm rãi nói.

Cùng suy nghĩ, trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sáng thứ hai (19.2), chị Mai Dương ra khỏi nhà từ 7 giờ 30, biết là đúng giờ cao điểm nên phải đi sớm hơn 30 phút so với ngày thường. Thế nhưng, cả đoạn đường di chuyển rất thuận tiện. Tại mỗi nút giao đều có lực lượng công an hướng dẫn, điều tiết.

Chiều ngược lại trở về nhà giờ tan tầm buổi chiều, khu vực cầu Kênh Tẻ nối dài Nguyễn Hữu Thọ vẫn tải lượng xe đông, nhưng không ùn tắc. Chị Dương chọn chạy thẳng tới đường D6 gần Trường ĐH Tôn Đức Thắng rồi mới nhập vào đường D1. Đến đoạn gần trạm thu phí, xe bắt đầu di chuyển chậm nhưng cũng không tắc nghẽn. Tổng thời gian chiều về cộng thêm gần 15 phút so với trước đây, nếu đi đúng giờ tan tầm. “Mấy ngày nay, tôi phải đi nhiều khung giờ khác nhau nhưng không hôm nào thấy ùn tắc như tôi tưởng nhưng sẽ phải sắp xếp đi sớm hơn vì quãng đường dài hơn”, chị Mai Dương cho hay.

Xe máy, ô tô con “dễ thở”, song, các xe container thời gian này thường xuyên phải xếp hàng dài trên đường, đặc biệt là từ đoạn trạm thu phí kéo dài hàng 3 km dọc tuyến Nguyễn Văn Linh. “Hướng Bình Chánh về Q.7 ngày nào cũng kẹt xe kéo dài. Giờ cao điểm có khi xếp hàng gần 2 giờ đồng hồ mới nhích được 2 km tới nút giao Phạm Hùng. Khu vực này trước đã ùn, nay càng tắc hơn. Chỉ mong đóng nút giao thì các cơ quan thi công nhanh để có hầm chui, có đường thoát cho thông thoáng”, anh Phan Văn Trọng, tài xế chạy container thường xuyên chạy tuyến đường này, chia sẻ.

Giao thông áp lực vì tăng tốc các công trình trọng điểm- Ảnh 2.

Đóng nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ là “bài toán” khó nhất cho công tác điều tiết giao thông tại TP.HCM hiện nay

Cùng cảnh ngột ngạt vì lô cốt, những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao khiến cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc. Loạt tuyến đường bao quanh sân bay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Bạch… (Q.Tân Bình) vốn đã quá tải, nay càng thêm chật chội vì giao lộ Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện (P.2, Q.Tân Bình) là điểm đầu tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa hiện đang thi công gói thầu số 9 của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Phần rào chắn chiếm dụng quá nửa mặt đường khiến các xe di chuyển càng thêm khó khăn, chen chúc.

Dự kiến từ ngày 24.2, nhà thầu thi công sẽ mở rộng phạm vi rào chắn hiện hữu trên đường Phan Thúc Duyện (bên phía đường Thăng Long) ra đường Trần Quốc Hoàn thêm 13,5 m để thi công hầm chui xuyên qua đường Trần Quốc Hoàn. Quá trình mở rộng rào chắn giai đoạn đầu sẽ khiến lòng đường Trần Quốc Hoàn hiện hữu 5 làn xe sẽ giảm xuống còn 3 làn xe, nguy cơ áp lực giao thông càng lớn.

Sẽ hạn chế tối đa tác động tới người dân

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết khi mở rộng rào chắn thi công hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện, các đơn vị sẽ lắp đặt cầu vượt tạm 5 làn xe trên tuyến để giải tỏa áp lực phương tiện thoát ra từ hướng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Kế hoạch là từ 25.2 – 25.4, các nhà thầu sẽ xây một cầu tạm phía đường Thăng Long dài 66 m, rộng 14 m, 3 làn xe. Tiếp đó, từ 25.4 – 25.6, cầu tạm thứ hai cũng được thi công với quy mô 2 làn xe, dài 100 m, rộng 9 m về phía công viên Hoàng Văn Thụ cho xe đi qua. Từ 25.6 – 31.12, chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công hoàn thiện toàn bộ hầm kín với quy mô dài 79 m, rộng từ 5 – 9 m.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Đơn vị thi công sẽ không lập tức mở rộng thêm 13,5 m rào chắn mà chia thành 3 giai đoạn: từ 25.2 mở rào chắn chiếm dụng khoảng 5 m mặt cắt ngang; khi người dân quen dần, tới 28.2 tiếp tục rào thêm 5 m nữa rồi đến 1.3 mới cho rào chắn đủ 13,5 m mặt cắt ngang cần chiếm dụng. Khi đó, người dân có thời gian quen dần, chuyển hướng lưu thông, tránh xáo trộn đột đột. Đồng thời, trong quá trình đóng rào chắn thì việc thi công mở rộng tuyến đường đã và đang được triển khai cuốn chiếu nên khi công trình chiếm dụng 13,5 m mặt đường thì vẫn đáp ứng được lưu thông 3 – 4 làn đường, chưa kể có thêm cầu vượt.

Cũng theo ông Nguyễn Kiên Giang, nếu so về số lượng các rào chắn thi công trên địa bàn TP.HCM năm nay thì giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên, đây đều là các công trình trọng điểm, muốn tăng tốc thi công đòi hỏi tỷ lệ chiếm dụng mặt bằng lớn. Đồng thời, các công trình chủ yếu tập trung ở các cửa ngõ, khu vực “yết hầu” nên gây áp lực rất lớn cho việc điều tiết giao thông.

Chính vì thế, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Ban Giao thông, lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan theo dõi sát sao, lập nhóm phản ứng nhanh tại từng khu vực để kịp thời điều chỉnh, xử lý lập tức khi thấy có bất cập dù nhỏ nhất, từ độ dài dải phân cách cho tới thời lượng đèn tín hiệu, phân nhỏ lượng xe quay đầu… Song song, lên phương án ưu tiên tính theo mạng lưới. Đơn cử, đẩy nhanh tuyến Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa bởi có hầm chui thì công trình mở rộng tuyến đường Trường Chinh khi rào chắn sẽ được giảm bớt áp lực giao thông…

Giai đoạn này các công trình trọng điểm mở rộng, kết nối cửa ngõ TP đang tăng tốc, không thể tránh khỏi những tác động đến đời sống của bà con. Ngành giao thông sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông các vị trí chiếm dụng. Mong bà con thông cảm, cùng chia sẻ, tạo điều kiện để các dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: