Hàng loạt dự án bất động sản trên khắp cả nước vừa được gỡ vướng pháp lý về thủ tục đầu tư xây dựng và tài chính để tái khởi động hoặc đủ điều kiện mở bán. Phối cảnh dự án Aqua City Đồng Nai, một trong những đại dự án của Novaland vừa được Tổ công tác của Chính phủ gỡ vướng. Hồi sinh sau khi được “giải cứu” Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này đã chấp thuận cho 37 căn nhà thấp tầng thuộc khu I + V dự án Aqua City (xã Long Hưng, Biên Hòa) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Có được kết quả này là nhờ hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Bộ Xây dựng làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của Novaland tại Đồng Nai và báo cáo Thủ tướng. Trước đó, Thủ tướng nhận được Công văn của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova – Đồng Nai về việc đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án mà công ty này đang triển khai ở Đồng Nai. Tương tự, dự án NovaWorld Phan Thiết của Novaland cũng được tỉnh Bình Thuận xem xét chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án. Đây là kết quả từ chuyến công tác hồi tháng 7/2023 của Tổ công tác của Thủ tướng, do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì, tại tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của tỉnh. Tại Hà Nội, nhiều dự án của Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư Hợp Quần, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Biên… cũng đồng loạt được gỡ vướng để đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai hoặc có tiến độ thi công tốt, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Điển hình là Tổ hợp công trình Pandora Triều Khúc; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Viha Complex, dự án Sunshine Crystal River (Tây Hồ Tây); Sunshine Wonder Tower (Bắc Từ Liêm)… Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland chia sẻ, các vướng mắc của dự án Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) cơ bản đều có hướng xử lý và đã hoàn thành một số thủ tục. Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền các cấp, hiện tại các dự án mà Novaland đang triển khai đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngân hàng thương mại. Từng bước, Novaland đã tái cấu trúc toàn diện, thanh toán một phần và gia hạn các lô trái phiếu, đồng thời thu hút thêm nguồn vốn từ các đối tác để tiếp tục phát triển dự án. Tổng giám đốc Novaland đề xuất sớm nhận được kết luận đối với cụm dự án tại TP Hồ Chí Minh như Dự án chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan), Dự án 32 ha Bình Khánh (The Water Bay) và Dự án 136ha Thạnh Mỹ Lợi. “Đây là các dự án chúng tôi cam kết sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư. Do đó, việc tháo gỡ pháp lý 3 dự án trọng điểm trên góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM, cải tạo chỉnh trang đô thị, thực hiện an sinh xã hội, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, ông Dennis Ng Teck Yow nói. Tại Tập đoàn Sunshine, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, về cơ bản, các sản phẩm bất động sản của Sunshine Group kể cả đang triển khai trong năm 2023 hay các dự án sẽ ra mắt trong năm 2024 đều đã đạt cơ bản hơn 90% thủ tục pháp lý. “Đây là điều thuận lợi của chúng tôi khi đang có sẵn dư địa tốt để tập trung xây dựng và bán hàng”, ông Tuấn cho hay. Nhờ đó, Tập đoàn này vừa đưa ra thông điệp, kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá tích cực: ra mắt 5 dự án lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, sẵn sàng cung cấp ra thị trường 5.000 căn hộ cao cấp và 5.000 sản phẩm biệt thự, liền kề, shophouse. Trong đó, đáng chú ý là tổ hợp Sunshine Sky City (quy mô 9 toà), Sunshine Diamond River (12 toà) ở TP Hồ Chí Minh; Khu phức hợp Sunshine Wonder (khoảng 2.000 căn hộ), Sunshine Crystal River (5 tòa tháp cao 40 tầng) tại Khu Ngoại giao đoàn Tây Hồ Tây (Hà Nội). Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sunshine Bên cạnh sản phẩm cao tầng đã có quỹ căn lớn, năm 2024 Sunshine Group sẽ tập trung đẩy mạnh phân khúc thấp tầng với hơn 3.000 biệt thự và shophouse dọc trục Hồ Tây – Ba Vì tại 3 dự án lớn Sunshine Royal Capital (Tây Hồ Tây), Sunshine Heritage Hanoi (Phúc Thọ) và Sunshine Grand Capital (Đan Phượng). Ông Đỗ Anh Tuấn nhận định, chưa bao giờ Chính phủ dốc sức và ban hành nhiều văn bản, nghị quyết để gỡ khó cho thị trường bất động sản như năm 2023. Sau nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ban ngành, sau những phiên làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, những tín hiệu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện rõ nét trên thị trường bất động sản ở thời điểm cuối năm 2023: nguồn cung mới bắt đầu ra hàng, thanh khoản đã trở lại,… “Tôi cho rằng, 2024 sẽ là năm bản lề đi lên theo quy luật tất yếu của bất động sản. Đặc biệt, khi Chính phủ đã rất nỗ lực làm trong sạch thị trường bất động sản, thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, thị trường sắp tới sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn”, ông Anh Tuấn nói. Về câu chuyện trái phiếu, Chủ tịch Sunshine cho biết, hiện tại doanh nghiệp đã nỗ lực mua lại hàng chục nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, đạt gần 90% số lượng trái phiếu. Tập đoàn hiện đang nỗ lực hết sức để tiếp tục chi trả cho nhà đầu tư trong năm 2024. “Sunshine Group có sẵn các bất động sản, nếu khách hàng lấy nhà, Tập đoàn sẵn sàng trả bằng sản phẩm, nếu khách hàng lấy tiền xin cho chúng tôi thời gian bán sản phẩm”, vị này nói. Phát huy hiệu quả của Tổ công tác “đặc biệt” Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tháo gỡ thông qua việc ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung ban hành mới nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Qua đó, tình hình triển khai thực hiện các dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 – 2,0%/năm, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022, giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, việc ra đời Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp vào tháng 11/2022 đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc, góp phần ổn định trở lại thị trường bất động sản. Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho hay, năm 2023, Tổ công tác đã nhận được 142 văn bản báo cáo khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 191 dự án bất động sản. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (phải) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Tổ trưởng và Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, cho các dự án bất động sản . Theo đó, đã xử lý 142 văn bản, trong đó: 129 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 13 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Hai tháng đầu năm 2024, Tổ công tác nhận được 4 văn bản cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 04 dự án bất động sản. Theo đó, đã xem xét, xử lý 4 văn bản, trong đó có 3 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1 văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; đã triển khai giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổng hợp kiến nghị. Hiện địa phương này đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án, trong đó: 44 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM. TP Hà Nội hiện cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành. Tương tự, theo báo cáo, TP Hải Phòng đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4/15 dự án có khó khăn, vướng mắc còn lại đang tiếp tục được tháo gỡ theo quy định. TP Cần Thơ cũng đang thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 34 dự án, trong đó 22 dự án có khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; 8 dự án có khó khăn về xác định giá thu tiền sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất; 3 dự án có khó khăn về thủ tục giao đất; 1 dự án có khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Thành phố đang xin ý kiến giải quyết… Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Tổ công tác sẽ tiếp tục kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/6/2024. Bộ Xây dựng sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5/2024. Bộ cũng sẽ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030″ và triển khai hiệu quả “Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”… Theo Tin Nhanh Chứng Khoán