Bánh Trung thu Long Điền “đi Tây”


Dù có hàng trăm thương hiệu bánh Trung thu ngoài thị trường nhưng gần 100 năm qua, những lò bánh Trung thu truyền thống ở thị trấn Long Điền (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn đông khách nhờ hương vị truyền thống đậm đà, đặc sắc. Những năm gần đây, thương hiệu bánh Trung thu Long Điền không chỉ được người dân trong nước ưa chuộng mà còn được việt kiều khắp nơi trên thế giới “săn” lùng đặt mua và chuyển đi nước ngoài như món quà đặc biệt của quê nhà.

Đã trở thành đặc sản

Mới qua rằm tháng 7 nhưng những lò bánh Trung thu ở Long Điền đã rất nhộn nhịp. Người đặt bánh để mang theo những chuyến biển, người mua để thưởng thức đầu mùa, cũng có nhiều người đặt bánh Trung thu Long Điền để làm quà biếu cho bạn bè, người thân ở Mỹ, Anh, Nga, Úc, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc… Vậy là những chiếc bánh Trung thu Long Điền đã vượt ra ngoài thị trường Việt Nam để “đi Tây” như một thứ đặc sản quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chị Văn Mỹ Linh, Chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Hoà Lạc đóng thùng cho khách mang đi nước ngoài

Tại cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc (351 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) những ngày này dù chưa phải là cao điểm của mùa bánh nhưng khách đã phải xếp hàng chờ đến lượt mua. Phía trong quầy, những thùng bánh to đã chất đầy, đóng gói chuẩn bị giao cho khách theo đơn đặt hàng.

Chị Văn Thị Mỹ Linh – Chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc cẩn thận đóng 20 gói bánh vào một thùng giấy. Chị Linh cho biết, đó là đơn hàng của một khách ở Đồng Nai đặt để gửi đi Mỹ cho người thân. Một thùng hàng tương tự cũng đang được kiểm đếm lại trước khi khách hàng từ Hàn Quốc chuẩn bị đến lấy mang ra sân bay. “Cứ như thế, mỗi mùa Trung thu chúng tôi nhận đặt cả trăm hộp bánh cho khách mang đến nhiều quốc gia trên thế giới. Và mùa sau lại nhiều người muốn đặt bánh gửi đi hơn mùa trước”, chị Linh nói.

Trong rất nhiều đơn hàng của cơ sở bánh Trung thu Văn Mỹ Phong (212 Võ Thị Sáu, thị trấn Long Điền) có những đơn hàng hàng trăm chiếc bánh được đóng gói gửi đi Thụy Sỹ, Mỹ, Úc… “Ở bển lâu năm nên người thân rất thèm bánh Trung thu. Tuy nhiên, họ lại không thích ăn bánh công nghiệp mà chỉ thích các loại bánh Trung thu truyền thống của Long Điền nên mùa bánh nào tôi cũng đặt và gửi qua sớm. Dù tiền vận chuyển, cước phí cao nhưng bánh Trung thu Long Điền như một món quà đặc biệt dịp rằm tháng Tám”, chị Mai Thu – một vị khách nói.

Theo bà Phạm Thị Yến Chi, chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Mỹ Phong, những năm gần đây thương hiệu bánh Trung thu Long Điền không chỉ được người dân địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh, thành lân cận (như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…) ưa chuộng mà nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng rất thích. “Một số người về quê đúng vào mùa bánh Trung thu, mua bánh ăn thấy “ghiền” nên năm nào cũng nhờ người nhà đặt mua gửi qua. Một số người đặt mua qua mạng, chúng tôi chuyển bánh đến một công ty vận chuyển hàng quốc tế thì bánh được mang đến tận tay khách ở đất nước khác một cách an toàn, bảo đảm”, bà Chi cho biết.

Giữ nghề truyền thống

Sở dĩ có được thương hiệu, sự nổi tiếng và tồn tại lâu năm như vậy là nhờ bánh Trung thu Long Điền có sự khác biệt, đậm nét truyền thống. Câu chuyện về chiếc bánh Trung thu ở Long Điền trải dài theo thời gian và đổi thay qua năm tháng nhưng vị ngon và sự tinh túy, cầu kỳ trong từng chiếc bánh vẫn còn vẹn nguyên, không lẫn vào các loại bánh Trung thu khác.

Chủ Cơ sở bánh Văn Mỹ Phong kiểm tra bánh sau khi ra lò, đóng gói

Trong ngôi nhà cấp 4 số 85 Mạc Thanh Đạm, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, bà Huỳnh Lệ Tiên, chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Tập Hòa cẩn thận bỏ từng chiếc bánh vào hộp trước khi giao cho khách. Gia đình bà bắt đầu làm bánh Trung thu từ những năm đầu thế kỷ XX. Hồi đó, chiếc bánh chỉ nhỏ lọt lòng bàn tay. Bánh Trung thu Long Điền có nhiều loại trong đó nổi tiếng và cầu kỳ nhất chính là bánh da dộp. Các loại bánh đậu xanh, thập cẩm… thì làm bằng khuôn gỗ. Riêng bánh da dộp phải làm hoàn toàn bằng tay mà không hề có khuôn nào cả. Cuộc sống lúc đó còn khó khăn, bánh Trung thu là thứ xa xỉ nên mỗi mùa Trung thu, các lò bánh ở Long Điền chỉ bán được vài trăm cái. Người dân ăn còn thòm thèm. Khi kinh tế phát triển, đời sống khá giả hơn, bánh Trung thu trở thành quà biếu. Từ những chiếc bánh nhỏ khoảng 200-300gr, các lò bánh Trung thu Long Điền đã sản xuất ra các loại bánh da dộp cỡ lớn, từ 800gr-1,5kg. Rồi bao bì, mẫu mã cũng được thay đổi cho bắt mắt.

Khác với các loại bánh công nghiệp, bánh Trung thu Long Điền không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng chỉ được khoảng 10 ngày. Vì vậy, bánh luôn tươi mới. Chiếc bánh cắt ra không bị khô, có vị dẻo của khoai, của đậu, vị ngọt bùi của các loại mứt.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền đều không mở chi nhánh. Riêng Cơ sở Văn Hòa Lạc đến cả quy trình sản xuất và thương mại vẫn giữ nét truyền thống, chỉ bán cho khách đến mua tận nơi sản xuất, không nhận các đơn hàng phải gửi qua trung gian. “Nếu mở đại lý ở một nơi nào đó thì việc cung cấp bánh tươi đến người tiêu dùng rất khó bảo đảm. Còn nếu mở thêm cơ sở để sản xuất bánh ở một nơi khác thì lại khó quán xuyến, dễ làm mất thương hiệu. Nếu chuyển bánh cho đơn vị vận chuyển thì không bảo đảm bánh khi đến tay khách hàng được nguyên vẹn, tròn đầy. Do vậy, dù những năm gần đây lượng khách đông, không có đủ bánh để bán nhưng chúng tôi vẫn không vì lợi nhuận mà thay đổi”, chị Văn Mỹ Linh – chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc nói.

Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: