Những bảo tàng của Sài Gòn nên ghé thăm


Là dân Sài Gòn không hẳn ai cũng biết Sài Gòn có rất nhiều bảo tàng, thử cùng 2saigon tìm hiểu qua các bảo tàng sau đây xem bạn đã đi được bao nhiêu nhé.

1. Di tích Dinh Độc Lập

Ảnh: dinhdoclap

Dù không phải là bảo tàng nhưng Dinh Độc Lập là một nơi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là dịp 30/4 tới đây. Đến với Dinh Độc Lập, bạn sẽ được tự do trải nghiệm và tìm hiểu thông qua hệ thống các pano, bảng chỉ dẫn, bảng tên phòng theo tiêu chuẩn quốc tế thay thế cho hình thức tham quan chờ tổ chức thành đoàn.

Nếu có nhu cầu cần người thuyết minh, bạn sẽ được phục vụ ngay theo mức giá quy định với số lượng khách tối đa 25 người lớn/đoàn hoặc 50 trẻ em/đoàn (học sinh từ cấp II trở xuống). Sau chương trình tham quan, bạn sẽ xem bộ phim tư liệu “Dinh Độc Lập – chứng nhân lịch sử” tại phòng chiếu phim máy lạnh trong thời gian khoảng 25 phút.

Ảnh: dinhdoclap

Địa chỉ: 106 Nguyễn Du, quận 1
Giờ mở cửa: mở cửa bán vé phục vụ du khách tham quan hàng ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật và lễ, Tết)
– Sáng từ 7h30 – 11h00
– Chiều từ 13h00 – 16h00
Vé vào cửa:
– Người lớn: 30.000đ/người/lần
– Sinh viên: 15.000đ/người/lần
– Học sinh (từ 6 tuổi đến 17 tuổi): 5.000đ/người/lần

2. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ảnh: Daaé

Bảo tàng lịch sử thành lập ngày 23/8/1979. Bảo tàng lịch sử có chức năng bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, giám định, kiểm kê, bảo quản, bảo vệ, phục chế, phục hồi, trưng bày, thuyết minh, tuyên truyền, xuất bản ấn phẩm, maketing…giới thiệu các tư liệu, hiện vật có liên quan đến lịch sử Việt Nam, các tỉnh phía Nam Việt Nam, các nước trong khu vực nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam, đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cũng như thưởng ngoạn của khách tham quan trong và ngoài nước về lịch sử và các sưu tập cổ vật.

Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Địa chỉ: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Giờ mở cửa: từ thứ 3 đến chủ nhật và tất cả các ngày lễ, Tết. Đóng cửa ngày thứ 2.
– Sáng: Từ 8h – 11h30
– Chiều: Từ 13h30 – 17h

3. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Ảnh: hcmc-museum

Tòa nhà bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, xưa là dinh Thống đốc Nam Kỳ, tòa án tối cao và thường được gọi nôm na là dinh Gia Long vì nằm trên đường cùng tên, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 theo phong cách kiến trúc gothique với phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Sau ngày 30/4/1975 ít lâu, Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh vàongày 12/8/1978. Đến ngày 13/12/1999 được đổi tên thành bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Ảnh: wiki

Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, quận 1
Giờ mở cửa: 8h -17h từ thứ hai đến chủ nhật (cả ngày lễ và Tết)
Vé vào cửa:
– Học sinh: miễn vé.
– Sinh viên, nhân dân: 5.000 đồng/lượt.
– Đối tượng khác: 15.000 đồng/lượt.

4. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Ảnh: journalaroundsaigon

Để lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 4/9/1975 Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy được mở cửa phục vụ công chúng. Sau đó, Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy được đổi tên thành Nhà Trưng bày Tội ác chiến tranh xâm lược (ngày 10/11/1990) trước khi trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (ngày 4/7/1995).

Ảnh: 123doc

Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, quận 3
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần (kể cả các ngày lễ, Tết)
– Sáng: 7h30 – 12h
– Chiều: 13h30 – 17h
Vé vào cổng:
– Giá vé: 15.000đ/lượt/người
– Khách Việt Nam có ưu đãi với giá vé: 2.000 đ/lượt/người
• Khách tham quan là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng được giảm từ 50% đến 100% giá vé quy định.
• Khách tham quan là thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước, trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em vùng sâu vùng xa được miễn phí tham quan.

5. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng

Ảnh: wiki

Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Trong hơn 20 nǎm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trǎm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thǎm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ 400 tư liệu, hiện vật (nǎm 1980) đến nay đã có hơn 11.600 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4
Giờ mở cửa: Thứ ba đến chủ nhật
– Sáng: 7h30 – 11h30
– Chiều: 13h30 – 17h

6. Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Ảnh: panoramio

Bảo tàng Tôn Đức Thắng ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Bác Tôn – Người con ưu tú của nhân dân Nam Bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn – Chợ Lớn, là tấm gương, là niềm tự hào của nhân dân Nam Bộ thành đồng.

Hơn nữa, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng – người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.

Địa chỉ: 5 Tôn Đức Thắng, quận 1
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần
– Sáng từ 7h30 – 11h30
– Chiều từ 13h30 – 17h00

7. Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ảnh: banchanviet

Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức hoạt động từ ngày 29/2/1996. Tọa lạc trong một khuôn viên 6.000m2 ở vị trí trung tâm thành phố trên đường Lê Duẩn, quận 1, Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh – nơi lưu giữ và tái hiện toàn bộ chiến dịch giải phóng Sài Gòn – hiện diện như một biểu tượng chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vốn là phòng trưng bày chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Ðông Nam Bộ mở cửa từ hơn 10 năm nay, Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành một bảo tàng độc lập nằm trong hệ thống các bảo tàng của cả nước.

Địa chỉ: 2 Lê Duẩn, quận 1

8. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Ảnh: panoramio

Ra đời ngày 29/04/1985, đến nay Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài đến tham quan Tp. Hồ Chí Minh. Bảo tàng hiện quản lý 31.360 hiện vật. Trong đó có 30.431 hiện vật trong kho và 929 hiện vật đang trưng bày; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học phụ các loại; gần 2/3 là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu. Các hiện vật được chia thành 24 sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 sưu tập hiện vật quý hiếm. Ngoài ra, thư viện của bảo tàng có trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ.

Địa chỉ: 202 Võ Thị Sáu, quận 3

9. Bảo tàng Mỹ thuật – TP.HCM

Ảnh: ashui

Chủ tòa nhà này là ông Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa), là một thương nhân giàu có và nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa. Ông cũng đã là chủ của nhiều công trình nổi tiếng khác như khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ, trung tâm cấp cứu Sài Gòn,… Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Đến nay, nó đã trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật trong lịch sử đất nước và nhân loại, gồm cả những tác phẩm có giá trị cao như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Địa chỉ: 97A Phó Đức Chính, quận 1

10. Địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược

Ảnh: nhocharuka

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…

Địa chỉ: Ấp Phú Hiệp, Xã Phú Mỹ Hưng, Huyện Củ Chi

Theo Traveltimes.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: