Suốt ba chục năm nay, chị Lê Thị Huệ mưu sinh bằng nghề ép nhựa giấy tờ ngay vỉa hè trên con đường đông đúc của Sài Gòn với độc một chiếc bàn ủi cùng ít nhựa ép và lò than đỏ lửa. Quầy hàng của chị Huệ thô sơ, ‘cổ lỗ sĩ’ nhưng vẫn có khách thường xuyên dù ngay phía sau là cửa hàng ép nhựa to đùng với máy móc hiện đại. Đã ba chục năm chị Huệ gắn bó với nghề ép nhựa dẻo. Quầy hàng của chị Huệ vẫn có khách ruột thường xuyên dù ngay phía sau là cửa hàng photocopy, ép nhựa trang bị máy móc hiện đại Đi ngang góc ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu (Q.3 TP.HCM) và chịu khó quan sát, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đang luôn tay ép nhựa giấy tờ bằng chiếc bàn ủi sắt nóng bốc khói. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ năm 10 tuổi, chị Huệ đã theo cha mẹ ra vỉa hè làm nghề sửa xe, cũng nhờ vậy mà cái nắng chói chang hay những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn chẳng làm khó được người phụ nữ có vẻ ngoài tần tảo này. Lúc chị Huệ lập gia đình cũng là thời điểm sức khỏe cha chị ngày một yếu đi. Nghề sửa xe khi ấy không thể nuôi sống cả nhà. Chị Huệ lân la đến chỗ này chỗ kia để “học lỏm” nghề mà mưu sinh. “Nhiều người biết mình đến dòm ngó để học nghề nên họ chửi tơi bời rồi đuổi mình đi, nên hồi đó tôi cũng phải lâu lắm mới học được cách ép nhựa dẻo thế này”, chị Huệ kể. Dốc hết vốn liếng mới mua một chiếc bàn ủi sắt cũ kỹ cùng vài tấm bìa nhựa, thêm một lò than, chị Huệ bắt đầu khởi nghiệp kiếm sống. Mới đó mà 30 năm đã trôi qua. Hiện tại, một ngày chị Huệ cũng chỉ thu nhập được năm bảy chục ngàn đồng, cũng phần nào trang trải được bữa cơm đơn sơ cho cả gia đình, một ít để dành phòng khi đau ốm bệnh tật. Nhiều người đi đường qua lại không khỏi tò mò khi nhìn thấy chiếc bàn ủi sắt nóng bốc khói cùng một lò than luôn rực hồng ở cái quầy hàng nhỏ xíu tại ngã tư. Hỏi ra thì biết đó là đồ nghề ép nhựa thủ công, họ càng ngạc nhiên hơn. Cho đến khi tận mắt chứng kiến chị Huệ thao tác thì mới tin đó là thật. Khách hàng của chị Huệ đa phần là ép nhựa chứng minh nhân dân, bằng lái xe, tranh ảnh,… Mỗi lần nhận giấy tờ khách đưa, chị Huệ lại cẩn thận vuốt lại cho phẳng phiu, phủ tấm nhựa dẻo và giấy thấm dầu bọc bên ngoài rồi dùng bàn ủi nóng để miết lên, sau đó cắt tỉa cẩn thận cho thẳng thớm. Dụng cụ ép nhựa của chị Huệ chỉ là chiếc bàn ủi sắt trên lò than rực hồng Chị Huệ cho biết: “Toàn là giấy tờ quan trọng nên người ta mới phải đi ép, vậy nên mình cũng phải làm cẩn thận thì lần sau họ mới quay lại”. Vừa đưa hai bàn tay gầy guộc và chai sần miết qua miết lại trên tấm nhựa, người phụ nữ 55 tuổi vừa tâm sự: Suốt ba chục năm cầm bàn ủi sắt trên lò than, nhiều lúc sơ ý bị bỏng, mới đầu thì còn thấy rát, nhưng riết rồi thành quen, cảm giác đau cũng không còn. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ nhưng nhờ đôi bàn tay khéo léo tỉ mẩn, mà chỗ chị Huệ ngày càng có nhiều khách ruột tìm đến để ép nhựa. Họ nhờ chị Huệ làm chứ không đem vào hai tiệm photocopy kèm ép nhựa dẻo với máy móc hiện đại ngay cạnh bên. Một người khách đang chờ ép nhựa dẻo chỗ chị Huệ cho biết: “Ép nhựa dẻo thủ công tuy mất thời gian nhưng bền hơn so với ép máy. Lúc trước tôi ép máy ở tiệm nhưng nhanh bị tróc lắm, từ khi được bạn giới thiệu tôi mới biết đến tiệm ép thủ công này”. Dù có những ngày mưa không một lượt khách nhưng với chị Huệ, đây là công việc mà chị yêu thích và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. “Có những ngày bệnh hay bận việc đột xuất phải ở nhà là lại thấy khó chịu trong người và nhớ góc đường này. Gần như nó thấm vào máu của mình, không ra đó mình chịu không được”, chị Huệ cười chia sẻ. Theo chị Huệ, đây là nghề dễ kiếm sống nhất Sài Gòn, chỉ cần chịu khó và tỉ mỉ. Gắn bó với cái nghề làm kế sinh nhai thì tự nhiên sẽ yêu nó trọn vẹn. Nhìn vào lò than đang rực hồng, chị Huệ cười chia sẻ: “Nhiều khi đang ngủ mình cũng mơ thấy là đang đứng ép nhựa dẻo cho khách nữa đó”. Chị Huệ cho biết: “Sẽ gắn bó với nghề đến khi nào không thể làm được nữa mới thôi”. Vũ Phượng Ảnh: Đình Tuyên