Liệt sĩ – nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả của “Dáng đứng Việt Nam”; NSND Trà Giang; nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân… là những gương mặt ưu tú của trường học sinh miền Nam. Sài Gòn – chuyện đời của phố: Chương trình ngâm thơ Tao Đàn Cầu Kho buổi giao thời và lớp cư dân mới Từ năm 1960 khi miền Bắc dồn lực chi viện cho chiến trường miền Nam, hàng chục nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh trường miền Nam tình nguyện trở về giải phóng quê nhà. Họ góp mặt trên tất cả các chiến trường, là cán bộ, chiến sĩ, quân y, phóng viên, nhạc sĩ… Nhiều người trong số đó được tặng huân, huy chương, danh hiệu Anh hùng, dũng sĩ… và không ít đã anh dũng hy sinh như: nhà báo Chu Cẩm Phong (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam), anh hùng Nguyễn Kim Vang, Phùng Ngọc Tường… Liệt sĩ – nhà thơ Lê Anh Xuân (bên trái) chụp cùng chị Loan, vợ nhà văn Anh Đức và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hà Nội năm 1964. Ảnh tư liệu. Liệt sĩ – nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968, quê Bến Tre, tên thật là Ca Lê Hiến), sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội, được chọn ở lại trường giảng dạy, nhưng đã tình nguyện đi B. Không nề hà gian khổ, anh có mặt trên nhiều vùng chiến sự ác liệt và hàng đêm vẫn làm thơ. Từ tuyến lửa phương Nam, các tác phẩm của anh như: “Trở về quê nội”, “Gặp những anh hùng”, “Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng”… được các báo lớn trong và ngoài nước đăng tải. Năm 1968, Lê Anh Xuân sáng tác bài “Dáng đứng Việt Nam” với niềm xúc động tự hào về cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc, qua dáng đứng hiên ngang của người chiến sĩ, chết rồi vẫn ở thế tiến công quân thù. “Anh đã ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất, Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng, Và anh chết trong khi đang đứng bắn… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường, Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân… Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất, Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Bài thơ ngay lập tức được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng lan tỏa, thôi thúc bao thanh niên Việt Nam tham gia cứu quốc. Hai tháng sau, Lê Anh Xuân hy sinh trong một trận càn, nhưng tác phẩm của anh đã được lưu truyền, trở thành một biểu tượng bi tráng của dân tộc anh hùng cầm súng chống giặc ngoại xâm. “Dáng đứng Việt Nam” khi góp mặt trong chương trình sách giáo khoa, đã được nhiều thế hệ học sinh về sau yêu thích. Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa, học sinh trường miền Nam số 24, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, sau là Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam. Năm 1954, ông theo cha ra Bắc tập kết, mẹ ở lại quê hương Quảng Ngãi với cậu út mới một tháng tuổi. Nguyễn Văn Nghĩa sau đó được đi học lái máy bay MIG-21 ở nước ngoài rồi về nước lập nhiều chiến công trên bầu trời bảo vệ miền Bắc. Biên đội MIG-21 do Anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa đã được chọn bay dọc đại lộ Công Lý trong lễ mừng Đại thắng mùa xuân 1975 (ngày 15/5/1975) tại TP HCM. Sau khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chỉ thị phải làm chủ máy bay F.5 của Mỹ, Anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa là người đầu tiên chuyển sang lái thành thạo máy bay F.5. Trung đoàn của ông cũng trở thành đơn vị tiêm kích bom đầu tiên của không quân Việt Nam và sau đó được phong danh hiệu Anh hùng. Đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh tư liệu Sau ngày đất nước giải phóng, học sinh trường miền Nam tiếp tục góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều người trong số đó trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, cựu Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khoa Điềm… Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (học sinh trường miền Nam số 24 Hà Đông, Hà Nội) luôn được bạn bè nể phục vì thành tích học tập xuất sắc. Học hết chương trình phổ thông, ông thi vào khoa Cơ khí của ĐH Bách khoa. Nhờ lực học giỏi, ông sau đó được chọn đi học tại Liên Xô và kết nạp Đảng Lao động Việt Nam ngay tại ĐH Bách khoa Kharkov. Về nước, ông Trương Quang Được được bố trí đi dạy ĐH nhưng lại hăm hở vác balô đi cơ sở ở Nhà máy cơ khí 19-8 tại Hải Phòng. Từ một kỹ sư xông xáo, sáng tạo, ông Trương Quang Được liên tục được đề bạt các chức vụ cao hơn trong nhà máy, Đảng bộ Hải Phòng, Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 8/2002, ông được cử làm Phó chủ tịch Quốc hội đến hết nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007). Trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh nhuệ, hiện đại, các học sinh trường miền Nam cũng có những đóng góp quan trọng. Nhiều người trở thành tướng lĩnh tài năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Trương Quang Khánh; Trung tướng Bùi Quang Bền; Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Tôn Thất… Rất nhiều học sinh miền Nam trở thành những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực như: GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn – Phó chủ tịch Hội Khoa học vũ trụ Việt Nam; GS.TS nhà giáo nhân dân Nguyễn Thanh Tuyền; GS.TSKH nhà giáo nhân dân Lê Du Phong… Học sinh miền Nam cũng góp mặt trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của nước nhà với nhiều tên tuổi nổi tiếng như: nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền với “Hát mãi khúc quân hành”; NSND Tường Vi, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Đinh Xuân La, NSND Đàm Liên… Chia sẻ về những năm tháng được nuôi dưỡng, đào tạo trên đất Bắc để trở thành người có ích, diễn viên điện ảnh Trà Giang gọi “đó là những phần thưởng quý báu nhất mà tôi may mắn có được… Tôi luôn ghi nhớ với niềm biết ơn sâu sắc”. Theo vnexpress.net