( 2SaiGon) – Mỗi năm cứ vào độ tháng tư, tháng năm âm lịch, người dân quê tôi lại nhìn trời trông mưa nấm mối. Đó là những cơn mưa xen kẻ theo từng đợt nắng – Những cơn mưa báo hiệu đã sang mùa nấm mối. Gọi là mùa bởi vì mỗi năm nấm chỉ mọc chừng hai tháng và cũng chỉ mọc rộ vài đợt theo con nước (rằm và ba mươi). Thưởng thức món ếch hấp dẫn tại Sài Gòn Về miền Tây xem chó săn chuột đồng mùa nước nổi Một buổi sáng tinh mơ, không khí làng quê bỗng chốc xôn xao nhộn nhịp hẳn lên xua đi cái yên ả, tĩnh lặng thường ngày. Xuôi ngược khắp các ngã, người ta nói cười râm ran tíu tít khoe nhau “chiến lợi phẩm” của mình, là mớ nấm mối vừa mới nhổ được ở đâu đó, có khi được đựng đàng hoàng trong một cái rổ, hay túm tạm trong một chiếc lá môn, cũng có người vội vội vàng vàng cho vào vạt áo. Người xuýt xoa “con nhỏ này hay quá bây”. Kẻ tắc lưỡi hít hà “chỗ đó tao đi qua mấy bận mà sao hổng thấy cà!”. Bà bán gánh thịt heo lắc đầu biết ế. Mấy đứa ham ngủ nướng tức mình. Đó là một bức tranh quê vào ngày đầu mùa nấm mối. Từ những gò mối nằm rải rác khắp nơi trong vườn hoặc dọc hai bên lối đi, chỗ bụi rậm, những tai nấm màu xám trắng trông vẻ yếu ớt mềm mại vậy mà lại có thể xuyên mặt đất để ngoi lên. Bất kể ngày đêm khi nào nấm cũng có thể mọc, nhưng nhiều nhất là ban đêm. Bởi vậy, trời vừa hưng hửng là người ta đã đua nhau đi nhổ nấm, khắp nơi loang loáng ánh đèn. Phát hiện được nấm và nhổ nấm là một công việc vô cùng thú vị mà chỉ những ai đã từng trải qua mới cảm nhận hết (không phải ai đi tìm cũng thấy, có người qua gò dẫm nát cả nấm mà vẫn không hay. Người ta nói đó là mấy người nặng bóng vía!?). Đang lui cui dán mặt xuống đất tìm kiếm, chỉ cần một ai đó phát hiện ra gò nấm ngồi sà xuống là tất cả mọi người quanh đó xúm lại cùng nhổ nấm. Nấm nằm xếp lớp thành từng cụm nhưng ít khi tập trung một chỗ mà tràn lan quanh gò, vì vậy càng nhổ nấm cứ như càng hiện ra không dứt. Người lớn con nít chen nhau “bình đẳng”. Tiếng quơ lá rào rào, tiếng chân nấm gảy lốc cốc (nhổ nấm phải bẻ ngang chân, phần gốc nấm dưới đất dành làm thức ăn cho mối để mùa sau. Vì hễ chỗ nào, ngày nào năm nay mọc nấm thì chỗ ấy ngày ấy năm sau nhất định sẽ mọc nấm nếu gò mối không bị phá hỏng). Hết nấm. Người ta nhìn vào rổ nhau không phải để so đo mà để coi phần ai ít quá mà san qua cho đều. “Công anh phát hiện cho thêm một nấm nè”. “Thôi thôi, nhiêu đây tao đủ ăn rồi”. Kể cả khi nấm mọc trong vườn nhà, người chủ vẫn không cho đó thuộc quyền sở hữu của mình. Ai phát hiện được cứ nhổ. Còn người nhổ nấm, khi nhổ xong luôn mang biếu chủ nhà một ít gọi là ăn lấy thảo. Người ta coi nấm mối như một món quà mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người. Với những ai hay chiêm nghiệm sự đời một chút còn cho rằng nó mang đậm nét văn hóa ứng xử cộng đồng, là bằng cớ cho mối tình làng nghĩa xóm vốn dĩ đã trở thành truyền thống của người dân châu thổ Cửu Long. Vào những năm trúng mùa, có khi một gò mối nhổ được một hai ký nấm. Năm thất mùa, mỗi gò chỉ vài tai nấm lơ phơ. Nhưng dầu trúng hay thất thì mùa nấm mối vẫn cứ là niềm vui mà người dân quê tôi hằng mong đợi mỗi năm. Nấm được xem là ngon khi tai nấm còn bum búp, thân nấm săn chắc, bẻ ngang chân nấm phát ra âm thanh lốc cốc giòn giã. Nấm mối được ưa chuộng bởi hương thơm và vị ngọt giòn rất đặc biệt khiến nó không lẫn với loại nấm khác. Nấm mối nhổ về cạo sạch đất bám ở chân nấm, ngâm sơ qua nước muối, rửa sạch, để ráo là có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Nấm mối có thể dùng để nấu canh: Chỉ cần một vài tai nấm xào sơ, cho một ít nước vào đun sôi lên, nêm nếm gia vị, thêm một nắm rau hay một quả mướp hương là mâm cơm chiều hôm ấy đã “bát ngát trời”. Còn như nếu có một ngày nào đó may mắn “trúng được một quả đậm” nấm mối, bạn ghé chợ mua một bịch bột bánh xèo, với nấm mối làm nhân cùng đọt chiếc, đọt xoài thêm mớ rau dại hái quanh vườn, cuốn một cuốn bánh chấm nước mắm tỏi ớt cho vào miệng, đưa cay bằng rượu đế Phú Lễ cùng với vài chiến hữu nữa thì có khi không phải “chỉ một mình bạn mà bà xã bạn cũng nhậu”. Muốn đậm đà để ăn cơm có nấm kho xả ớt. Muốn cách điệu một chút thì có món nấm xào lá cách với nước cốt dừa: Nấm xào chín sơ. Lá cách non rửa sạch xắt nhuyển. Dừa khô vắt lấy một ít cốt để riêng, còn lại nước dảo cho vào chảo bắc lên bếp chờ sôi vài dạo cho nấm vào đảo đều. Để lửa riu riu. Khi hỗn hợp sền sệt lại, cho nước cốt và lá cách vào đảo đều, tắt bếp. Dọn ăn nóng với muối ớt chanh. Vị ngọt giòn của nấm, vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm dân dã của lá cách, một chút mặn của muối, một chút chua của chanh, một chút cay của ớt, tất cả làm nên một món ăn mang hương vị quê hương đậm đà không dễ gì quên. Bây giờ, khi phương tiện giao thông thuận lợi, nấm mối đã kịp thời có mặt ở Sài Gòn mỗi bận sang mùa, với giá cả thuộc hàng “quý tộc”. Nhưng: “Ăn nấm mối mà không do tự tay mình nhổ nấm, hương vị sẽ mất đi 50%”. Không tin, tháng Năm mời bạn về Bến Tre quê tôi để có dịp nhổ nấm và thưởng thức món ăn độc đáo này. Rồi tháng Năm sẽ qua đi. Những cơn mưa bất chợt sẽ qua đi. Mùa nấm mối cũng qua đi. Nhưng hương vị của món ăn thì sẽ mãi còn đọng lại cho đến mùa sau (vì nấm mối không thể nuôi trồng như các loại nấm khác). Lương Gia Cát Tường