Chuyện chú bảo vệ nghèo đổi rác thành gạo tặng người dưng


Đồng lương mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 2,2 triệu đồng nhưng trong suốt 5 năm qua, chú Vũ vẫn duy trì công việc nhặt ve chai giúp người nghèo.

Hành động của chú bảo vệ ở Sài Gòn khiến cư dân mạng cảm phục

Chuyện của chú Ba Sài Gòn – Người đàn ông 40 năm đẩy xe bán chè vỉa hè chỉ bằng một tay

 

Chúng tôi tìm đến khu phố 8 (phường 5, quận Gò Vấp, TP. HCM) vào một buổi sáng âm u sau khi trời vừa dứt cơn mưa. Từ phía xa tấm biển Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng kiêm chốt bảo vệ dân phòng vừa hiện ra thì hình ảnh bác bảo vệ già nép vào góc tường rào sắp xếp lại bao ve chai đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt.

“Sáng nào tôi cũng tranh thủ thức dậy thật sớm để đi nhặt ve chai dọc theo bờ sông Vàm Thuật. Phải thức sớm mới đi được xa, nhặt được nhiều, rồi 7g quay về lại chốt bảo vệ để vào ca trực. Mà tôi nhặt ve chai cũng đâu phải cho tôi đâu cô ơi” – chú bảo vệ già hí hửng giới thiệu về “nghề tay trái” của mình.

Tính đến nay chú Vũ đã gắn bó với công việc nhặt ve chai hơn 5 năm.

Tính đến nay chú Vũ đã gắn bó với công việc nhặt ve chai hơn 5 năm.

Chú là Nguyễn Hoàng Vũ (58 tuổi) quê ở xã Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Kể về câu chuyện cuộc đời mình, chú tâm sự: vào năm 1975 chú vào công an xã. Rồi 2 năm sau tình nguyện xin đi bộ đội ở chiến trường Campuchia đóng quân tại núi Tà Keo.

Những ngày chiến tranh ác liệt, người chết nhiều vô số kể, phần vì bệnh tật phần vì khói lửa bom đạn. Riêng chú Vũ cũng bị điếc một bên tai và mang căn bệnh sốt rét chiến trường đến giờ cũng chưa thể trị dứt điểm.

“Năm 1979 mọi người xung quanh đồn tôi đã chết rồi vì mọi thông tin đều biệt tăm. Bố mẹ tôi thương con đi tìm khắp nơi mà đâu gặp, nên về nhà lập bàn thờ ngày ngày nhang khói. Còn vợ tôi khi ấy cũng buồn khổ nhiều rồi quyết định đi thêm bước nữa. Mà kể ra cũng đúng thôi, tôi đi bộ đội không có tin tức gì mà cũng đã chăm lo gì được cho vợ đâu”.

Rồi 1983 chú phục viên trở về và bén duyên với người vợ hiện tại rồi sinh được 2 con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chú làm đủ nghề để sinh sống từ chạy xe ôm, đi cuốc đất, làm hồ… nhưng bấy nhiêu đó cũng đã đủ gói ghém vào đâu. Những hôm đang lỡ dở công việc, thấy mưa lớn, chú Vũ phải bỏ ngang để chạy về nhà che chắn lại mái lá để nhà đỡ dột.

Nhắc về nguyên do rời quê lên Sài Gòn sinh sống, chú Vũ bộc bạch: năm 2012 chú lên Sài Gòn gã con gái. Một buổi sáng đi tập thể dục đến đoạn bờ sông Vàm Thuật thì gặp cụ bà khoảng 80 tuổi dắt theo đứa cháu gái 12, 13 tuổi: “Thấy cháu khóc ấm ức tôi lại hỏi thăm thì mới hay bà dắt cháu đi nhặt ve chai nhưng cháu lười biếng bị bà la rầy. Thấy thế, tôi mới bảo thôi đừng la rầy nữa hôm nào tôi cũng ra đây giúp bà nhặt ve chai”.

Nhặt ve chai suốt một thời gian dài nhưng chú không dùng số tiền đó tiêu xài cho riêng mình.

Nhặt ve chai suốt một thời gian dài nhưng chú không dùng số tiền đó tiêu xài cho riêng mình.

Cứ thế, chú Vũ miệt mài với công việc nhặt ve chai kể cả khi đã được giới thiệu vào làm bảo vệ dân phố. “Ngày trước tôi nhặt cho hai bà cháu nhưng được 2,3 năm sau họ đi đâu mất hút. Còn tôi thì vẫn cứ thế duy trì thôi, giờ không cho hai bà cháu tôi gom góp lại dành tiền mua gạo tặng bà con nghèo”.

5 năm làm không công để mua gạo tặng người nghèo:

Một ngày của chú Vũ bắt đầu từ 5g30 sáng với tách trà nóng rồi lại vất vả vác theo đồ nghề bao gồm: túi đựng và gậy gắn nam châm đi dọc theo các con đường ngõ hẻm ở khu phố 8. Đến khoảng 7g chú trở về chốt dân phòng để chuẩn bị vào ca trực.

“Góp gió thành bão”, mỗi năm 3 lần vào các dịp đặc biệt: 30/4, rằm tháng 7 và Tết nguyên đán chú gom góp ve chai cho vào xe đẩy mang ra đại lí thu mua. Số tiền thu được chú dùng tất cả để mua gạo cho những hộ gia đình khó khăn trong khu phố.

“Tôi coi đây như việc tập thể dục buổi sáng, nếu có khác thì có phần cực nhọc hơn một chút mà thôi. Nhiều khi mở bọc rác để tìm ve chai là mùi thối xộc lên, rồi thức ăn ôi thiu bốc hơi chịu không nổi. Tay tôi thì mò tìm xem có gì bán được, còn mặt thì xoay qua chỗ khác để tránh mùi. Việc bắt gặp con mèo, con chuột chết xem như là chuyện thường ngày. Cũng có trung tâm y tế gần đó thương tình tặng cho bao tay với khẩu trang, nhưng mình xuất thân lao động tay chân, đâu có quen xài”.

Dụng cụ thu nhặt nắp chai được chú sáng chế từ thanh tre và cục nam châm.

Dụng cụ thu nhặt nắp chai được chú sáng chế từ thanh tre và cục nam châm.

Mọi người hiểu được công việc của chú, nên khi có ve chai bà con hay cho vào túi để trước cửa nhà. Những hôm mưa lớn hay chú bận việc không đi được, bà con lại mang vào nhà, rồi bảo: “Để dành cho chú Vũ”.

“Nhờ vậy mà đợt 30/4 vừa rồi, tui bán được gần 4 triệu đồng. Riêng trong xóm có cụ Thành tuổi đã ngoài 90 hoàn cảnh rất khó khăn nên ngoài 10kg gạo, tôi còn tới tận nơi tặng thêm 100.000 đồng cho cụ thuốc thang” – người đàn ông “soái ca” của bà con nghèo vui vẻ kể chuyện.

“Mỗi tháng tôi thu về 2,2 triệu đồng từ công việc bảo vệ dân phố. Nhưng nhờ sinh hoạt luôn tại đây nên khỏi tốn tiền thuê nhà, bà con xung quanh thương tình cũng hay cho gạo, nước mắm, tôi gói ghém sinh hoạt nên cũng đủ chi tiêu”.

“Gia tài” nhỏ sau 5 năm người bảo vệ nghèo tiền giàu tình cảm.

“Gia tài” nhỏ sau 5 năm người bảo vệ nghèo tiền giàu tình cảm.

Khi được chúng tôi hỏi về bài toán kinh tế: mỗi năm 3 lần bán ve chai thu về hơn 3 triệu đồng, một năm vị chi khoảng 10 triệu đồng. Vậy trong suốt 5 năm qua, chú Vũ ngót nghét đã thu về cho “nghề tay trái” lên đến 50 triệu đồng.

Nghe nhắc đến đây, chú chỉ nhoẻn miệng cười: “Ngày trước ở chiến trường Campuchia ác liệt, tôi cầu mong sao mình còn sống trờ về với gia đình. Được như vậy tôi sẽ làm từ thiện đến cuối đời. Tôi cũng lớn tuổi rồi, chỉ có 1 ước nguyện duy nhất là về già có 2 công đất trồng cây trái. Giờ các con hứa lúc tôi về hưu sẽ gói ghém mua đất, vậy tôi cần gì tính toán gì đến số tiền kia…”.

Theo saostar.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: