Tôi quen anh cũng lâu, dễ cũng hai chục năm, từ lúc chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, lâu vậy nhưng không thân mấy, số lần gặp nhau thì rất ít, càng lúc càng thưa dần, chỉ thi thoảng mới ngồi riêng với nhau chút xíu, hoặc cứ hẹn hò sẽ ngồi với nhau mãi, cũng không ai trách ai, vì Sài Gòn rộng quá mà. Anh có công ty riêng từ lâu, làm ăn khá giả, mở rộng qui mô, xuất khẩu nước ngoài, càng lúc càng giàu, nghe bạn bè to nhỏ anh giờ ở tầm đại gia, mà tôi cũng quan tâm gì, biết vậy mừng cho anh thôi. Năm kia anh kêu ra quán café, bảo Phú xem giùm anh cái thiết kế biệt thự nhà anh, tôi hơi dỗi đùa, bảo sao anh không để công ty em thiết kế cho anh, chơi kỳ cha, anh cười, có thằng cháu con bà hàng xóm đang học năm cuối kiến trúc, má nó năn nỉ để nó thiết kế, mình cũng muốn cho nó một công trình đầu tay, nhưng cẩn thận nhờ Phú coi lại giùm, xem được không. Cái biệt thự thiết kế khá đẹp, còn non tay nghề nhưng sáng tạo, kiểu rất hiện đại, dùng kính nhiều nên nhìn sáng sủa. Tôi chỉ góp ý là anh coi lại đi, chớ Sài Gòn giờ phức tạp, cửa kính nhiều mà không có song sắt thì dễ bị trộm lắm, anh cười, vụ đó không lo đâu. anh kể, thời sinh viên anh cùng mấy đứa bạn cùng quê vô xóm đó ở trọ, tuy không gần trường anh nhưng lại là trung tâm để đi lại mấy trường khác. Xóm nghèo, toàn nhà trọ, nhà cấp bốn lấn chiếm lụp xụp, cư dân toàn dân lao động, xe ôm, ba gác, xích lô, thợ hồ, ve chai, buôn bán nhỏ. Vô ở trọ rồi mới biết xóm này cực kỳ phức tạp với đủ loại tệ nạn, rượu chè, trộm cướp, ma tuý, giang hồ… nhưng được cái nhà trọ rẻ, và bình dân nữa. Anh ở trọ chỗ đó 5 năm, có lúc thiếu tiền nhà cả năm vẫn được ở, có lúc mất xe đạp được bà con gom tiền mua cho xe khác, có lúc trong túi không còn cắc nào vẫn đều đặn ăn ngày ba bữa, café đầy đủ, lúc nào có tiền trả sau. Anh ở trọ chỗ đó 5 năm, thành cư dân hẻm luôn, lúc ra trường đi làm vẫn tiếp tục ở đó, người ta mở hẻm, tráng nhựa, làm cống, lập khu phố, có tên anh trong cư dân của xóm, tuy sau này phải thuê cái phòng trọ lớn hơn. rồi anh làm có tiền, anh mua một góc khu nhà trọ, cất cái nhà nhỏ nhưng vẫn đi chung lối nhà trọ. Anh quen chị cũng sinh viên nghèo, hai người cất được cái nhà từ tay trắng và một đống nợ nần, nhưng vẫn đến với nhau. Đám cưới anh đãi nguyên xóm, mỗi người đi mừng, vừa mừng cưới vừa mừng tân gia, mỗi người một món đồ, anh nhớ rõ món nào của ai, cái nồi cơm điện của chị Bảy café, cái giường của anh em ông Thơ ông Nhạc, bộ ghế gỗ do cha con ông Tư thợ mộc đóng, cái cây khế kiểng của bà Sa bánh mì, bộ ghế đá của Tám Cai… vợ chồng anh vui lắm, mấy đêm liền không ngủ, cứ ra vô sắp đặt mọi thứ, lau chùi cho sáng bóng. Nhà cửa từ đó hạnh phúc, anh chị sanh liền 3 đứa con, đứa nào cũng đẹp, cũng ngoan. Rồi anh giàu, giàu lắm, anh mua hết khu nhà trọ, mua luôn miếng đất trống kế bên, thành một lô đất bự, hơn năm trăm thước vuông, và anh cất cái biệt thự đó, do một sinh viên kiến trúc năm cuối, con của của bà Sa bánh mì thiết kế, anh cười vẻ chịu lỗi, anh cũng không nhờ Phú xây được, vì trong xóm có ông Tám Cai, với nguyên bang thợ hồ… … tuần rồi ghé nhà anh, hẻm lớn, thông qua mấy hẻm con, nhưng mà đúng là lộn xộn thiệt, người ta buôn bán, để xe, nhậu nhẹt, ngồi lấn chiếm gần hết con hẻm. Ngôi biệt thự nằm gọn phía sau lô đất, chừa nguyên cái sân mênh mông phía trước, tha hồ đậu xe. Trong sân đám con nít hơn chục đứa đương rộn ràng cười nói chạy nhảy, không biết đứa nào là con anh chị luôn. Anh nói, cái sân nhà anh, anh để như cái sân chung, cho đám con nít trong xóm chơi, chớ tụi nó chơi ngoài đường sợ xe cộ quá, nhà anh có cổng cũng như không, vì không đóng cổng bao giờ. sân nhà anh, ban ngày con nít chơi, chị Bảy bán café khách khứa ngồi lềnh khênh, buổi tối làm chỗ họp dân phố, xóm có nhậu nhẹt ca hát cũng kéo vô, còn khuya nữa thì lục đục hàng xóm qua gửi đồ, chị Bảy gửi bàn ghế café, vợ chồng thằng Đỏ gửi xe cháo lòng, bà Sa gửi xe bánh mì, bà Chín gửi tủ thuốc, ông Lắm cất xe ba gác.. anh cười, giờ giống như cái sân chung, ai gửi đồ cuối cùng thì tự động đóng cổng, ai lấy đồ sớm thì lo quét dọn, vậy thôi. Mà nói thiệt, nhà anh cũng như cái nhà chung, người ta mượn sân đãi tiệc thì mượn luôn bếp nấu, bọn con nít trong xóm cuối tuần xin qua ngủ chung với con anh để chơi game, người ta đi chợ giùm anh, rảnh nấu nướng giùm anh, tưới cây, cho cá ăn… nhà anh bà con hẻm ra vô thoải mái, cần gì cứ chạy qua lấy. đang ngồi chơi thì có cô bé tới đứng kế, mặc cái đầm đẹp, đôi mắt tròn vo, anh hỏi, gì đó con, con bé lí nhí, dạ con muốn bông, bông nào, nó chỉ tay ra vườn sau, chỗ dàn hoa lan rất đẹp mà anh thường chăm chút, bông của bác Hai, treo lên sân khấu cho đẹp. Anh nhìn tôi cười, con gái Út chị Bảy café, bữa nay sinh nhựt nó, sáu tuổi, đãi ngoài sân mình nè, cũng bọn nhỏ trong xóm không hà, anh kêu tụi nó làm sân khấu ca nhạc, lát má nó dọn hàng đem bàn ghế vô. Rồi anh gọi ra ngoài cho một phụ nữ dáng lam lũ, chị Bảy, chị bưng tui ly café, rồi vô xách mấy giò Lan ra treo ngoài sân khấu cho tụi nhỏ nha. Lát sau chị Bảy bưng café vô, nói, chú Hai đừng chiều con Út, mấy bông Lan đó quí lắm, treo ra ngoài coi chừng tụi nó bứt trụi lủi à, anh lại cười, kệ đi chị Bảy, bứt bông này nó ra bông khác, chủ yếu cho con Út nó vui, à, bác Hai đặt bánh kem cho con rồi, lát chở tới nha. lúc tôi về thì bánh kem được chở tới, cái bánh bự chà bá, cả hẻm ra coi, con Út nhảy choi choi mừng, chị Bảy nước mắt ròng ròng, nói, má ơi, nào giờ chưa thấy cái bánh kem nào bự dữ thần ta ơi. Tác giả: Đàm Hà Phú