(2SaiGon) – Hằng ngày họ dành một phần thời gian, tiền bạc nuôi những con sóc trong công viên, những con bồ câu chim sẻ sống trên những tòa nhà trong phố. Chợ sâu bọ dành cho đàn ông nuôi chim ở Sài Gòn Chuyện kể về con chim ngói Sài Gòn “Có ông kia nói dì khùng, đi nuôi chim trời. Kệ! ai nói gì nói, hổng nuôi tụi nó đói sao!” Dì Năm xách bịch dế non ngước mặt lên vòm cây xanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy dọc Sở thú gọi ời ời như gọi con về ăn cơm. Dì tung mấy vốc dế và thóc ra, đàn chim sẻ sà xuống . Chúng đậu trên bờ cao nhất của hàng rào, cái đầu nhỏ nhắn nghiêng ngó quay dọc quay ngang nhanh như cắt. Chỉ xíu sau, cả lũ ào xuống nhảy chanh chách mổ tơi tới. Mấy bữa trước, có hai con chim non rớt xuống đường sau trận giông lớn, mấy anh bảo vệ lượm được đưa cho dì chăm sóc. Dì cho mỗi đứa một chuồng bằng bìa carton “chăm sóc đặc biệt”. Sau đó, Dì tất tả góc nọ góc kia lo cho hai con sóc, mười mấy con chuột hamster nhốt trong lồng. Buổi sáng dì cho chúng ăn một cữ. Trước khi về, dì Năm cho ăn một cữ. Rồi tối cho tụi nó ăn một chặp nữa mới đi ngủ. Khi mặt trời dần tắt, Dì Năm quàng hết lồng nhốt lên phía trước xe đạp, thảnh thơi đạp về. Dọc đường về dì móc mớ bánh mì ngọt bỏ trong bịch nilon treo trên tay lái xe bóp vụn tung xuống những thảm cỏ xanh. Từ những tàng cổ thụ bên lề, thậm chí từ tuốt những mái cao ốc tận bên kia đường, đàn se sẻ lông nâu như đã quen lệ, bay ào xuống như một mớ lá nhỏ lả tả rụng xuống theo cơn gió sà xuống lích chích nhặt bánh rồi chấp chới bay theo dì. Cứ như vậy, hơn năm năm nay. 4h30 sáng, dì Năm từ nhà ở quận 3 đạp xe xuống quận 5 mua dế, sâu non, thóc, bắp và đậu xanh cho lũ chim, sáo và chuột kiểng dì nuôi (ở nhà còn mười mấy con chim nữa), mua ở chợ côn trùng vậy mới được rẻ. Chừng 8h sáng vãi thóc cho một đàn bồ câu ở một cái bùng binh dọc đường ăn rồi tha lôi mấy con sóc và chim lên Sở thú – chỗ này dì bán đồ chơi cho con nít mấy chục năm nay – như nuôi một đám con nít nhõng nhẽo quấn mẹ. “Có ông kia nói dì khùng, đi nuôi chim trời. Kệ! ai nói gì nói, hổng nuôi tụi nó đói sao!”. Dì cười “Thì mình nhịn bớt cho tụi nó ăn cũng đâu có sao” Ở một ngôi nhà khác cũng trên quận 1, cũng khoảng giờ ấy, một người phụ nữ thức dậy, chuẩn bị mấy cái hộp to đựng chuối chín, gạo lứt, thóc… xếp gọn lên chiếc xe máy thong thả dong đến công viên Tao Đàn – nơi có đàn sóc cả trăm con đang sốt ruột bò tới bò lui trên những thân cổ thụ lớn chờ cô. Hai mươi mấy năm nay, ngày nào cũng vậy, đều đặn kể cả ngày mưa hay ngày Tết. Ngoài đàn sóc trong Tao Đàn, cô đều đặn rải gạo cho một đàn bồ câu trước sân Nhà văn hóa Lao động, một đàn sẻ cũng ở Tao Đàn và gửi thức ăn hạt lên cho một ngôi chùa đang nuôi đàn chó mèo bị chủ bỏ trên Đồng Nai. Trong bầu không khí ẩm nước của Sài Gòn mùa mưa, công viên xanh ngắt, những lát chuối cô Liễu xếp dọc trên những cái rễ to đùng ngoằn ngoèo đen sẫm bật nổi vàng rực như những chuỗi tiền vàng. Tính ra, tháng mất đều đều mười mấy triệu đồng. “Thì mình nhịn bớt cho tụi nó ăn cũng đâu có sao. ” “Tui nuôi bồ câu vì thấy Sài Gòn mà vắng chim chóc thì buồn quá” Trên mảnh sân nhỏ lát gạch xám trước nhà thờ Đức Bà, một người đàn ông tay cầm chiếc lon guy gô thỉnh thoảng lắc những hạt đậu trong lon gọi đàn chim xuống. Đàn bồ câu hàng trăm con thản nhiên đậu lên cánh tay, leo cả lên chân anh, hăng say mổ đậu xanh đựng trong lòng bàn tay. Anh không phải là chủ của đàn chim, nhưng ngày nào cũng cho chúng ăn và chăm sóc chúng ở đây, cũng đã hơn 12 năm rồi. Đồ nghề của anh Cường gồm một bao thóc, một bao đậu xanh, thùng nước cho chim tắm, thuốc kháng sinh cho chim và đôi lúc cả mảnh gương nhỏ đặt nghiêng dưới đất. “Tụi nó điệu lắm, rất thích soi gương”. Vách tường gạch đỏ trăm năm với hai tháp chuông màu xám của nhà thờ cùng hàng cổ thụ cao vút nơi này vốn đã là điểm chụp hình yêu thích của các cô dâu chú rể, từ ngày có đàn bồ câu đông đúc, nơi này càng thu hút các bạn trẻ đến chụp ảnh cưới. Nơi này nơi kia, hằng ngày Sài Gòn vẫn có những con người hồn hậu như thế. Họ coi việc nuôi chim trời và thú hoang như một niềm vui ,là một trách nhiệm chỉ vì sợ tụi nó đói – bất kể nắng mưa, chi phí và tiếng gièm pha. Sài Gòn là nơi ai ra đường cũng phải ôm chặt túi xách, phụ nữ thì không dám đeo đồ trang sức đắt tiền, nhà cửa thì bịt kín bởi lớp rào chắn sắt thép như lồng nhốt… Nhưng Sài Gòn cũng không ít những con người tự nguyện dọn rác nơi công cộng, cứu chó mèo già bệnh bị chủ vứt bỏ đưa về chăm sóc nuôi nấng, nấu cháo cho bệnh nhân nghèo, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh nan y, quyên tặng sách và trao việc làm cho những người tù vừa ra trại, dạy lớp học tình thương, vẽ tường trang trí nhà nuôi cô nhi, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật và sinh viên nghèo… Sài Gòn đặc quánh khói bụi, nhưng dưới lớp khói bụi ấy, tấm lòng của người Sài Gòn vẫn rờ rỡ, mà đặc biệt chân phương giản dị. Họ chẳng bao giờ thích nói những lời hoa mỹ về những điều sâu xa to lớn, nhưng những hành động thường ngày “nhỏ xíu xìu xiu như cái móng tay” mà họ làm chính là vẻ đẹp trong trẻo nhất của cái thiện. Tất cả tạo nên cái hồn cốt Sài Gòn, bồi đắp thành những tinh túy riêng có của Sài Gòn, của sự chung sống nguyên lành và đơn sơ giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với nhau cứ hồn nhiên mà dào dạt chảy mãi, chảy mãi, âm thầm nhưng mạnh mẽ xuyên qua mọi biến thiên của thế cuộc. 2SaiGon (TH)